Số 21 đường 30/4 - phường 1 - TP Mỹ Tho - tỉnh Tiền Giang               Hotline: 0273 3872 582               Email: tiengiang@gso.gov.vn

"CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG CỤC THỐNG KÊ TỈNH TIỀN GIANG SỐNG VÀ LÀM VIỆC THEO HIẾN PHÁP VÀ PHÁP LUẬT"

 

 

Tổng Cục Thống kê

Cổng Thông tin điện tử

tỉnh Tiền Giang

                                                                                     - Hướng dẫn Đăng ký tài khoản (Xem Clip)

                                                                                     - Hướng dẫn tra cứu thông tin (Xem Clip)

                                                                                  - Hướng dẫn đăng ký hộ kinh doanh (Xem Clip)

                                                                                     - Hướng dẫn đăng ký khai sinh (Xem Clip)

Thăm Dò Ý Kiến
Thông tin bạn quan tâm nhất trên trang web này





Năm 2021
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang năm 2021
Thứ ba, Ngày 28 Tháng 12 Năm 2021

    Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030), Kế hoạch 5 năm (2021-2025) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Ngay từ đầu năm Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch, hành động, đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội với kết quả cao nhất. Song độ tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước tái bùng phát lần thứ 4 xảy ra từ cuối tháng 4/2021 với tốc độ lây lan nhanh và kéo dài đến nay đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sức khỏe của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh được chủ động thực hiện theo các giải pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, của Tỉnh ủy; tuy nhiên biến chủng mới lây lan nhanh diễn biến phức tạp nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch. Trước tình hình đó, với sự quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị, nhân dân trong tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp và lực lượng tuyến đầu chống dịch đã phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng, chung sức, huy động mọi nguồn lực để đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, chăm lo, ổn định đời sống cho người dân và nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong năm 2021 như sau:

    I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ

    1. Tăng trưởng kinh tế (GRDP):

    Tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh chịu tác động mạnh của dịch covid 19, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân trong tỉnh. Lãnh đạo địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp theo từng thời điểm, nhằm giảm bớt thiệt hại cho nhân dân, điều hành phát triển kinh tế - xã hội vượt qua khó khăn. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2021 ước đạt 58.865 tỷ đồng, (giá so sánh năm 2010) giảm 0,72% (1) so với cùng kỳ, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,66%, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 1,12% và khu vực dịch vụ giảm 2,87% (bao gồm thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm); Nếu tách riêng thuế sản phẩm thì khu vực dịch vụ giảm 2,36 % và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 5,26% so cùng kỳ.

    GRDP nếu tính theo giá thực tế đạt 100.315 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 56,4 triệu đồng/người/năm, tăng 0,3 triệu đồng/người/năm so năm 2020 (năm 2020 đạt 56,1 triệu đồng/người/năm). Tính theo giá USD, GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 2.405 USD/người/năm, tăng 1,7%, tương đương tăng 41 USD so năm 2020 (năm 2020 đạt 2.446 USD/người/năm).

    Cơ cấu kinh tế: chuyển dịch chậm nhưng theo đúng định hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và giảm tỷ trọng nông nghiệp. Năm 2021 khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 38,6% giảm 0,2% (cùng kỳ 38,8%); khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 26,9%, tăng 0,7% (cùng kỳ 26,2%); khu vực dịch vụ chiếm 28,7%, giảm 0,2% (cùng kỳ 28,9%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,8%, giảm 0,3% (cùng kỳ 6,1%).

    2. Tài chính - Ngân hàng:

    a. Tài chính:

    Trong năm 2021, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn ra phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng, đồng thời Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 để tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, từ đó đã tác động không nhỏ đến tình hình nộp ngân sách nhà nước.

    Thu ngân sách nhà nước: năm 2021 ước thu được 8.630 tỷ đồng, giảm 22,4% so cùng kỳ; trong đó: thu nội địa 8.210 tỷ đồng, đạt 79,2% dự toán, giảm 24,6% so cùng kỳ.

    Chi ngân sách nhà nước: năm 2021 ước chi 16.114 tỷ đồng, đạt 131,5% dự toán, giảm 2,3% so cùng kỳ. Ủy ban nhân dân tỉnh đã huy động tất cả nguồn lực hiện có của địa phương để kịp thời bố trí kinh phí cho các đơn vị.

    Chi đầu tư phát triển: thực hiện giao dự toán vốn đầu tư ngay từ đầu năm và các Chủ đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh hoàn thành tốt công tác chuẩn bị đầu tư nên việc đầu tư xây dựng cơ bản theo kế hoạch và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Ước chi đầu tư phát triển năm 2021 là 3.330 tỷ đồng, đạt 89,9% dự toán năm.

    Trước diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh Covid-19, đến thời điểm báo cáo, Ủy ban nhân dân tỉnh đã bố trí kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 với tổng số tiền là 935,9 tỷ đồng và dự kiến nhu cầu thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021, Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 08/10/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 khoảng 754 tỷ đồng.

    b. Ngân hàng:

    Hoạt động Ngân hàng, chịu ảnh hưởng lớn khi các đối tượng khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong đó có các doanh nghiệp, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh. Trong năm, hoạt động Ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục hoạt động ổn định, diễn biến tiền tệ tín dụng trên địa bàn thông suốt, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm so với cuối năm 2020. Qua đó góp phần giảm bớt khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế nhất là trong bối cảnh các thành phần kinh tế chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19.

    Về huy động vốn: đến cuối tháng 10/2021, tổng vốn huy động 77.132 tỷ đồng, tốc độ tăng 1,69% so với cuối năm trước, tốc độ tăng bình quân là 0,17%/ tháng. Ước đến cuối năm 2021, vốn huy động 78.883 tỷ đồng, đạt 95,4% so kế hoạch, tăng 4% so cuối năm 2020. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên tăng trưởng vốn huy động (VHĐ) rất thất thường. Trong 2 tháng đầu năm, VHĐ tăng trưởng giảm so với cuối năm trước. Sang tháng 3, VHĐ bắt đầu tăng trưởng, tăng liên tục cho đến tháng 10 nhưng vẫn ở mức rất thấp so với cùng kỳ các năm trước. Nếu xét riêng trong quý 3, đến tháng 7 là thời điểm dịch bùng phát mạnh nhất trên địa bàn tỉnh nên VHĐ bắt đầu giảm so với tháng trước (tháng 7 giảm 0,74% so với tháng 6, tháng 9 giảm 0,10% so với tháng 8, tháng 10 giảm 0,68% so với tháng 9).

    Về dư nợ: Nếu tính riêng quý 3 và tháng 10/2021, tín dụng toàn tỉnh giảm 3,21% so với quý 2/2021. Do ngành ngân hàng chịu tác động của dịch trong bối cảnh tỉnh duy trì giãn cách xã hội trong thời gian dài. Nhưng cũng có thể thấy, đến tháng 10, tín dụng có dấu hiệu đang hồi phục, tăng 0,39% so với cuối tháng 9/2021. Cuối tháng 10/2021, tổng dư nợ 68.995 tỷ đồng, tăng là 7,24% so với cuối năm 2020, mức tăng bình quân là 0,71%/ tháng. Ước đến cuối năm 2021, dư nợ tín dụng 70.732 tỷ đồng, tăng 10% so cuối năm 2020.

    Nợ xấu: đến cuối tháng 10/2021, nợ xấu là 826 tỷ đồng, tỷ lệ là 1,2%, giảm 0,05% so cuối năm 2020 và tăng 0,2% so với cuối tháng 6/2021 là thời điểm dịch bệnh bắt đầu bùng phát trên địa bàn tỉnh. Ước đến cuối tháng 11/2021, nợ xấu là 850 tỷ đồng, tỷ lệ 1,22%, giảm 0,02% so với cuối năm 2020

    Quỹ tín dụng nhân dân: hoạt động ổn định, các chỉ tiêu điều đạt mức tăng trưởng. Tổng nguồn vốn huy động đến cuối tháng 10/2021 là 1.232 tỷ đồng, tăng 101 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 8,9% so đầu năm. Tổng dư nợ cho vay 843 tỷ đồng, giảm 7,3 tỷ đồng, tỷ lệ giảm 0,9% so đầu năm. Nợ xấu là 5,6 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 0,67%, tăng 0,3% so đầu năm.

    - Kết quả thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19

  • Về Chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN:

    Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bỡi dịch Covid-19. Đến hết ngày 31/10/2021, trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 2.730 khách hàng với giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu lũy kế từ 23/01/2020 là 1.740 tỷ đồng.

  • Chính sách giảm lãi suất cho vay (LSCV) đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

    Từ đầu năm 2021, NHNN đã chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, tiết giảm chi phí hoạt động để tập trung nguồn lực giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới góp phần hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

    Tính đến nay, các TCTD đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 93.000 khách hàng với dư nợ trên 31.177 tỷ đồng.

    Từ 13/3/2020 đến hết 31/10/2021, tổng số tiền lãi TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng hơn 236 tỷ đồng. Trong đó, đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 882 lượt DN với dư nợ trên 10.891 tỷ đồng.

  • Chương trình cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ (sửa đổi bổ sung tại Nghị quyết 126/NQ-CP ngày 08/10/2021) và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ (sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg ngày 06/11/2021): Đến nay đã giải ngân cho vay 22 doanh nghiệp với 1.056 lượt lao động được trả lương với dư nợ 3.947 triệu đồng, thời gian cho vay 11 tháng, lãi suất 0%/năm.

    - Kết quả hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn

    Đến cuối tháng 10/2021, tổng dư nợ bị ảnh hưởng là 25,33 tỷ đồng, hỗ trợ thông qua các biện pháp như: (i) Cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 4 khách hàng với dư nợ được cơ cấu là 413 triệu đồng, (ii) Cho vay mới cho 276 khách hàng với doanh số cho vay lũy kế 7,84 tỷ đồng.

    - Kết quả cho vay thu mua tạm trữ thóc gạo năm 2021

    Đến cuối tháng 10/2021, trên địa bàn tỉnh có 11 chi nhánh NHTM cho vay lĩnh vực lúa gạo. Từ đầu năm đến nay, các NHTM đã cấp hạn mức tín dụng 10.223 tỷ đồng cho các doanh nghiệp, thương nhân thu mua tạm trữ thóc, gạo, đã giải ngân với tổng doanh số cho vay lũy kế 18.915 tỷ đồng để thu mua 2.474.401 tấn thóc gạo. Dư nợ thu mua, tiêu thụ đạt 7.388 tỷ đồng, chiếm 72,27% hạn mức được cấp, chiếm 10,71% tổng dư nợ toàn tỉnh.

    3. Giá, lạm phát:

    Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2021 tăng 0,01% so tháng 11/2021 (thành thị tăng 0,07%, nông thôn 100%), Bình quân năm 2021, CPI tăng 2,83% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, tại địa phương mục tiêu kiểm soát lạm phát giữ CPI bình quân năm 2021 dưới 4% đã đạt được (bình quân 1 tháng CPI tăng 0,23%), trong bối cảnh tỉnh Tiền Giang cùng với cả nước đang chống chọi lại cơn đại dịch Covid-19 kéo dài, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân...

    4. Đầu tư và Xây dựng:

    Giá trị gia tăng ngành xây dựng năm 2021 tăng 3,9% so cùng kỳ, 6 tháng đầu năm có nhiều thuận lợi, tăng 12,4% do trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình trọng điểm của địa phương và trung ương tiếp tục thi công trong mùa dịch như: dự án cao tốc Trung lương – Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận 2, bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, điện gió Tân Phú Đông 1, điện gió Tân phú Đông 2 ... Quí III do phải giãn cách xã hội để phòng chống dịch covid – 19, một số công trình tạm dừng hoạt động nên tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng trong quí III giảm 11,62% so cùng kỳ, đến quí IV các công trình xây dựng hoạt động trở lại, dự báo tăng 6,92%... Khó khăn hiện nay là giá sắt thép, vật liệu xây dựng tăng cao, dịch covid còn diễn biến phức tạp, vừa sản xuất vừa phải đảm bảo phòng chống dịch nên ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng của các công trình.

    Năm 2021, vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện 38.016 tỷ đồng, đạt 98,5% kế hoạch, tăng 3,5% so cùng kỳ; trong đó: vốn đầu tư của dân cư và tư nhân 24.354 tỷ đồng, tăng 7,3%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 2.965 tỷ đồng, giảm 33,6%, vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước 4.957 tỷ đồng, giảm 17,5% so cùng kỳ.

    Năm 2021, vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý là 3.821 tỷ đồng, đạt 100,1% kế hoạch, giảm 29,9% so cùng kỳ; gồm có: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 3.010 tỷ đồng, giảm 26,8%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 515 tỷ đồng, giảm 42,5%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 296 tỷ đồng, giảm 33,9% so cùng kỳ.

    - Tình hình thu hút đầu tư:

    Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Tiền Giang năm 2020 đạt đươc 62,8 điểm xếp hạng 45 của cả nước và hạng 9 vùng đồng bằng sông Cửu Long, thứ hạng của tỉnh Tiền Giang chưa có nhiều thay đổi thứ bậc một cách đáng kể trong nhiều năm qua. Điểm số này chưa đạt được sự kỳ vọng của lãnh đạo Tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực trong thời gian qua.

    Dự kiến cả năm tỉnh thu hút được 15 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.827,4 tỷ đồng, bằng 11,2% so cùng kỳ; nâng tổng vốn đầu tư ước thực hiện năm 2021 đạt 5.942,1 tỷ đồng, bằng 34,1% so với thực hiện năm 2020.

    - Tình hình phát triển các khu, cụm công nghiệp:

    Tiền Giang được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương quy hoạch 7 KCN với tổng diện tích đất quy hoạch là 2.083,5 ha, trong đó có 4 khu: KCN Mỹ Tho, Tân Hương, Long Giang, Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp đang hoạt động với diện tích 1.101,5 ha, chiếm 52,9% diện tích quy hoạch KCN. Đến nay các KCN thu hút được 106 dự án (trong đó có 77 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư trên 2,2 tỷ USD và 4.575,8 tỷ đồng; diện tích thuê 518,9/770,1 ha, chiếm 67,3%.

    Về cụm công nghiệp, đến nay, có 27 CCN được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 5 cụm công nghiệp đã mời gọi được nhà đầu tư gồm: CCN Trung An, Tân Mỹ Chánh, An Thạnh, Song Thuận, Gia Thuận 1 đã hoàn thành đầu tư hạ tầng, đang hoạt động ổn định. Tính đến thời điểm hiện tại đã thu hút được 79 dự án thứ cấp (trong đó có 6 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký 5.626,7 tỷ đồng, với diện tích thuê đất là 89,78 ha/120,6 ha đạt tỷ lệ 74,5% diện tích đất công nghiệp cho thuê.

    Giá trị sản xuất ngành xây dựng năm 2021 (giá so sánh 2010), thực hiện 10.852 tỷ đồng, tăng 4% so cùng kỳ; trong đó: doanh nghiệp ngoài nhà nước thực hiện 5.538 tỷ đồng, tăng 20,5%; loại hình khác thực hiện 5.305 tỷ đồng, tăng 3,6% so cùng kỳ. Theo giá hiện hành, giá trị sản xuất ngành xây dựng năm 2021 thực hiện 16.224 tỷ đồng, tăng 6,9% so cùng kỳ; trong đó: doanh nghiệp ngoài nhà nước thực hiện 8.279 tỷ đồng, tăng 23.9%, loại hình khác thực hiện 7.932 tỷ đồng, tăng 6,5% so cùng kỳ.

    5. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp:

    Theo báo cáo Sở kế hoạch - Đầu tư, 11 tháng có 504 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 71% so kế hoạch năm 2021, giảm 28,2% về số lượng doanh nghiệp nhưng tăng 2% về vốn đăng ký so cùng kỳ năm 2020. Ước đến cuối tháng 12/2021, được 580 doanh nghiệp, đạt 81,7% kế hoạch; tổng vốn đăng ký là 4.900 tỷ đồng. Số doanh nghiệp giả thể, ngưng hoạt động trong năm 90 doanh nghiệp tương đương cùng kỳ.

    Kết quả tổng điều tra kinh tế.

    - Khối doanh nghiệp kê khai thông tin từ ngày 01/3/2021 đến hết ngày 15/6/2021, có 5.520/5.725 doanh nghiệp hoàn thành kê khai thông tin, đạt tỷ lệ: 96,4%. Số lượng doanh nghiệp không đạt tỷ lệ do ngừng hoạt động, chờ giải thể và giải thể, phá sản.

    - Khối Sự nghiệp, Hiệp hội thực hiện kê khai thông tin từ ngày 01/3/2021 đến ngày 30/4/2021. Kết quả có 652/787 đơn vị sự nghiệp và 102/110 đơn vị hiệp hội hoàn thành kê khai. Số đơn vị kê khai thực tế giảm do các đơn vị hạch toán phụ thuộc không thuộc đối tượng kê khai và một số đơn vị đến thời điểm điều tra đã sáp nhập, ngưng hoạt động hoặc giải thể.

    6. Sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản:

    Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: năm 2021 tăng 1,66% so năm 2020; trong đó nông nghiệp tăng 1,95%, thủy sản tăng 0,55% so cùng kỳ.

    a. Nông nghiệp:

    * Trồng trọt:

    Cây lương thực có hạt: năm 2021, gieo trồng 134.104 ha, đạt 100,1% kế hoạch, giảm 3,8% so cùng kỳ; sản lượng thu hoạch 843.702 tấn, đạt 105% kế hoạch, tăng 3,7% so cùng kỳ. Cụ thể:

    - Cây lúa:

    Gieo sạ 131.846 ha, đạt 100,1% kế hoạch, giảm 3,1% so cùng kỳ, thu hoạch 131.846 ha, sản lượng thu hoạch 835.557 tấn, đạt 105,7% kế hoạch, so cùng kỳ tăng 4,3%, do năng suất bình quân tăng 6,9% so cùng kỳ (đạt 63,4 tạ/ha).

    Vụ Đông Xuân 2020 - 2021: chính thức xuống giống 51.647 ha, giảm 10,3% so cùng kỳ; thu hoạch 51.647 ha, giảm 8,9% so cùng kỳ; sản lượng thu hoạch 367.189 tấn, giảm 1,8% so cùng kỳ do diện tích giảm. Nguyên nhân giảm do chuyển từ diện tích trồng lúa sang trồng cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao hơn như: sầu riêng, mít, thanh long…

    Vụ Hè Thu (gồm Xuân Hè và Hè Thu): gieo sạ 74.728 ha giảm 1,5% so cùng kỳ, thu hoạch 74.728 ha giảm 1,4% so cùng kỳ do việc chuyển đổi cây trồng đã nêu trên; sản lượng 439.396 tấn, tăng 6,2% so cùng kỳ; năng suất 58,8 tạ/ha, tăng 7,7% so cùng kỳ.

    Vụ Thu đông: diện tích gieo trồng 5.471 ha; tăng 111,7% so cùng kỳ (gieo trồng chủ yếu ở 05 huyện phía đông chiếm 65,6% diện tích còn lại huyện Tân Phước chiếm 21,8%, Châu Thành chiếm 12,6%), thu hoạch 5.471 ha tăng 111,7% so cùng kỳ; sản lượng đạt 28.972 tấn, tăng 117,7% so cùng kỳ; năng suất đạt 53 tạ/ha, tăng 2,8% so cùng kỳ. Do điều kiện thời tiết thuận lợi nông dân xuống giống gieo sạ, mặc dù ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo cắt vụ lúa Thu đông năm nay nhằm tránh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

    - Cây ngô: gieo trồng 2.237 ha, đạt 63,9% kế hoạch, giảm 33,9% so cùng kỳ, năng suất thu hoạch quy thóc 36,2 tạ/ha, tăng 0,3% so với cùng kỳ với sản lượng quy thóc 8.091 tấn, giảm 33,7% so cùng kỳ. Vì lợi nhuận không cao như trước, giá cả không ổn định nên người dân đã chuyển đổi diện tích sang trồng cây Thanh long, cây ăn quả và hoa màu khác.

    Cây rau đậu các loại: gieo trồng 55.225 ha, đạt 88,4% kế hoạch, tăng 1,1% so cùng kỳ; sản lượng 1.166.213 tấn, đạt 96,4% kế hoạch, tăng 1,9% so cùng kỳ; năng suất đạt 211,2 tạ/ha tăng 0,7% so cùng kỳ; trong đó: rau các loại 54.942 ha tăng 1,1% so với cùng kỳ, sản lượng 1.165.339 tấn tăng 1,9% so cùng kỳ. Nguyên nhân do nông dân áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất như trồng rau trong nhà lưới, chuyên canh, luân canh trên nền đất lúa, xen canh lúa và màu…

    - Cây lâu năm: toàn tỉnh hiện có 103.809 ha, đạt 98,7% kế hoạch, tăng 1% so cùng kỳ; trong đó: diện tích thu hoạch cây ăn quả 81.065 ha, tăng 4,3% so cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch đạt 1.811.231 tấn, tăng 5,6% so cùng kỳ; trong đó, diện tích cây ăn quả đạt 82.373 ha, tăng 0,7% so cùng kỳ, sản lượng cây ăn quả 1.613.858 tấn, tăng 5,6% so cùng kỳ. Nguyên nhân do nông dân các xã ở huyện phía tây và phía đông đã chuyển từ đất lúa sang trồng cây ăn quả ngày càng tăng vì có hiệu quả kinh tế cao hơn cây lúa.

    * Chăn nuôi: Tình hình dịch bệnh Covid-19 năm 2021 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng hàng hóa, dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi bị đình trệ theo giá bán sản phẩm thấp so cùng kỳ, trong khi đó giá thức ăn tăng cao, dịch bệnh xảy ra nhiều địa phương. Tình hình cụ thể một số vật nuôi chủ yếu như sau:

    Ước thời điểm 01/12/2021 tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh như sau: đàn bò 122,9 ngàn con, tăng 1,4% so cùng kỳ; đàn lợn 279,8 ngàn con, tăng 0,5%; đàn gia cầm 17,4 triệu con, giảm 1,5% so cùng kỳ. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2021: thịt bò 22.916 tấn, tăng 10,7% so cùng kỳ; thịt lợn 76.199 tấn, giảm 10,8%; thịt gia cầm 55.343 tấn, giảm 3% so cùng kỳ (trong đó: sản lượng thịt gà 41.876 tấn, giảm 2,8%).

    * Tình hình dịch bệnh trên vật nuôi trong năm 2021: Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh (từ ngày 15/12/2020 - 14/12/2021):

    Trên gia cầm: Ghi nhận 03 trường hợp có gà bệnh cúm gia cầm với tổng đàn 9.006 con; trong đó, gà bệnh và chết được tiêu hủy dưới sự giám sát của chính quyền địa phương là 8.836 con.

    Trên gia súc:

    - Bệnh Lở mồm long móng (LMLM): Ghi nhận 01 trường hợp heo mắc bệnh lở mồm long móng với tổng đàn 35 con. Chính quyền địa phương tổ chức tiêu hủy 35 con heo bệnh với khối lượng 3,9 tấn; đồng thời triển khai thực hiện công tác tiêu độc khử trùng tại cơ sở thu gom heo.

    - Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP): Từ ngày 15/12/2020 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận 196 hộ có heo mắc bệnh DTLCP với tổng đàn 6.526 con. Tổng số heo được tiêu hủy dưới sự giám sát của chính quyền địa phương là 5.090 con, khối lượng 298.326 kg. Ngoài ra, địa phương tiêu hủy heo bệnh chết tại 02 hộ cũ (năm 2020), với số lượng 105 con/2.973 kg.

    - Bệnh viêm da nổi cục (VDNC): Bệnh xuất hiện đầu tiên vào ngày 16/8/2021 đến nay toàn tỉnh đã ghi nhận bò có dấu hiệu điển hình của bệnh VDNC với 594 con bò bệnh/tổng đàn 1.763 con; đã tiêu hủy 26 con với khối lượng 4,3 tấn.

    b. Lâm nghiệp:

    Tổng diện tích rừng hiện có là 1.921,2 ha (không bao gồm diện tích rừng thuộc đất an ninh quốc phòng). Trong đó rừng phòng hộ 1.337,4 ha (huyện Gò Công Đông: 444,8 ha; huyện Tân Phú Đông: 848,8 ha và huyện Tân Phước: 43,8 ha); rừng sản xuất: 583,8 ha).

    Sản lượng gỗ khai thác trong năm được 37.529 m3, giảm 4,7% so cùng kỳ; sản lượng củi khai thác 129.823 ste củi các loại, giảm 4,3% so cùng kỳ.

    c. Thủy hải sản:

    Diện tích nuôi thủy sản các loại trong năm 2021 là 16.394 ha, đạt 107,9% kế hoạch, giảm 0,2% so cùng kỳ. Thủy sản nước ngọt nuôi 5.192 ha, giảm 2,2% do chuyển đổi mục đích ao nuôi trong dân cư để lên nền nhà; thủy sản nước mặn, lợ nuôi 11.202 ha, tăng 0,8% so cùng kỳ, chủ yếu là tăng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng.

    Sản lượng thủy sản thu hoạch năm 2021, thu hoạch 302.914 tấn, tăng 0,5% so cùng kỳ; trong đó: sản lượng thu hoạch từ nuôi 161.231 tấn, tăng 1% so cùng kỳ; sản lượng khai thác 141.683 tấn, giảm 0,1%. Nguyên nhân sản lượng thu hoạch năm 2021 tăng so cùng kỳ do áp dụng các mô hình, phương thức nuôi trồng phù hợp trong điều kiện xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu.

    d. Nông thôn mới:

    Đến cuối năm 2021, tỉnh có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 54,5% kế hoạch, nguyên nhân không đạt kế hoạch do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng rất lớn đến công tác tổ chức triển khai thực hiện của các địa phương. Nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh là 124/143 xã, chiếm 86,7%; có 06/11 huyện, thị, thành hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 13 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Bình quân số tiêu chí đạt được là 17,9 tiêu chí/xã, tăng 0,4 tiêu chí so năm 2020.

    7. Sản xuất công nghiệp:

    Giá trị gia tăng ngành công nghiệp giảm 2,03% so năm 2020. Dịch bệnh Covid-19 xuất hiện ngay từ những tháng đầu năm đã làm cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm hạn chế thiệt hại cho các doanh nghiệp, đồng thời thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, nên hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm thuận lợi hơn.

    Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2021 giảm 2,7% so cùng kỳ; trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,9% (tập trung ở một số ngành chủ yếu sau: dệt giảm 29,1%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 31,7%, sản xuất thiết bị điện giảm 33,5%;...); ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 2,4%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,2%.

    Giá trị sản xuất công nghiệp địa phương năm 2021 theo giá so sánh 2010 thực hiện 83.268 tỷ đồng, giảm 2,1% so cùng kỳ. Phân theo ngành công nghiệp: chế biến, chế tạo thực hiện 82.079 tỷ đồng, giảm 2,2%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí thực hiện 664 tỷ đồng, tăng 2,6%; cung cấp nước, hoạt động quản lý rác thải, nước thải thực hiện 525 tỷ đồng, tăng 0,8% so cùng kỳ.

    Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp năm 2021 giảm 13,96%, trong đó doanh nghiệp nhà nước giảm 2%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm 13,6%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 14,49%. Chia theo ngành công nghiệp: ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 14,31%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 0,39%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý rác thải, nước thải giảm 1,88%.

    Sản phẩm sản xuất công nghiệp năm 2021: có 13/43 sản phẩm tăng so cùng kỳ: thuốc chứa pênixilin hoặc kháng sinh khác dạng bột/cốm tăng 21,3%; thuốc chứa pênixilin hoặc kháng sinh khác dạng viên tăng 20,3%; bia đóng chai tăng 20,3%; …Có 30 sản phẩm giảm so cùng kỳ: dịch vụ tiện các bộ phận kim loại giảm 41%; giày, dép thể thao có mũ bằng da và có đế ngoài giảm 40,8%; thức ăn cho thủy sản giảm 7,6 %; điện thương phẩm giảm 2,4%; dịch vụ thu gom rác thải không độc hại có thể tái chế giảm 1,8%;

    * Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo:

    - Chỉ số tiêu thụ tháng 12/2021 so với tháng trước tăng 15,2% và giảm 24,3% so cùng kỳ. Cộng dồn chỉ số tiêu thụ năm 2021 giảm 20,6% so cùng kỳ. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm: sản xuất chế biến thực phẩm giảm 19,3%; dệt giảm 25,2%; sản xuất trang phục giảm 21,3%; sản xuất da giảm 25,4%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 17,6%; Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 23,4%;… Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: Sản xuất đồ uống tăng 10,2%; Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 8,1%;…

    - Chỉ số tồn kho tháng 12/2021 so tháng trước tăng 17,9% và so với cùng kỳ tăng 48,9%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng kỳ là: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 95,11%, trong đó sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm và thuỷ sản tăng 112,97%; Sản xuất đồ uống tăng 48,05%, trong đó sản xuất bia tăng 48,05%; Dệt tăng 35,08%, trong đó sản xuất hàng may sẳn tăng 53,42%; Sản xuất trang phục tăng 36,08%; …Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so cùng kỳ là: sản xuất da giảm 7,8%; sản xuất giấy giảm 50,9%; Chế biến, chế tạo khác giảm 35,6%, trong đó sản xuất đồ chơi, trò chơi giảm 35,6%;…

    Tính đến ngày 14/12/2021, tổng cộng có 168/177 doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp đã được Tổ Công tác hướng dẫn, góp ý để thông qua phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và đi vào hoạt động. Cụ thể như sau:

    - Phương án tổ chức cho người lao động đi, về hàng ngày: 156 doanh nghiệp.

    - Phương án “03 tại chỗ”: 11 doanh nghiệp.

    - Phương án kết hợp “03 tại chỗ” và đi, về hàng ngày: 01 doanh nghiệp.

    Còn lại 09 doanh nghiệp hoạt động nhưng không gửi phương án, các doanh nghiệp này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ.

    - Đối với các doanh nghiệp lựa chọn thực hiện phương án “03 tại chỗ”: được Ban Quản lý hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc chuẩn bị bố trí khu vực/phòng cách ly (vùng đệm) cho người lao động dự kiến vào làm việc theo phương án “03 tại chỗ” đảm bảo tuân thủ nghiêm việc thực hiện tầm soát Covid-19 và thời gian cách ly tạm thời theo các hướng dẫn y tế.

    8. Thương mại, dịch vụ:

    Khu vực dịch vụ giảm 2,36 % so cùng kỳ; 6 tháng đầu năm tăng 3,1%, các ngành dịch vụ diễn ra bình thường, ngành thương nghiệp, dịch vụ lưu trú ăn uống, dịch vụ phát triển, riêng ngành du lịch còn giảm so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 trên thế giới nên tỉnh chưa khởi động lại chương trình thu hút khách du lịch nước ngoài. Nhưng, sang quý III, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, doanh thu của các ngành dịch vụ, du lịch, lưu trú ăn uống giảm mạnh do tỉnh thực hiện biện pháp giãn cách xã hội. Trong thời gian tỉnh thực hiện giãn cách, hoạt động của các chợ truyền thống và cửa hàng tiện lợi phải ngừng hoạt động

    a. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng:

    Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, cung cầu mất cân đối, một số thời điểm có một số mặt hàng tăng giảm liên tục, tổng mức bán lẻ tiêu dùng hàng hóa trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh nói riêng có sự xáo trộn mạnh so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, các hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã trở lại bình thường, dự kiến sẽ ổn định và phát triển mạnh trong thời gian tới.

    Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 62.533 tỷ đồng, đạt 89% kế hoạch, giảm 3,6% so cùng kỳ. Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp 54.036 tỷ đồng, tăng 2,4%; lưu trú, ăn uống 24 tỷ đồng, giảm 51,2%; du lịch lữ hành 7 tỷ đồng, giảm 77,8%; dịch vụ tiêu dùng 5.007 tỷ đồng, giảm 20,1% so cùng kỳ.

    b. Xuất - Nhập khẩu:

    Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu 2.951 triệu USD, đạt 90,8% kế hoạch, giảm 3,1% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế nhà nước 42 triệu USD, giảm 18,4%; kinh tế ngoài nhà nước 586 triệu USD, giảm 1,1%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 2.323 triệu USD, giảm 3,7% so cùng kỳ.

    * Nhập khẩu:

    Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2021 thực hiện 1.800 triệu USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 10,6% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế ngoài nhà nước 121 triệu USD, tăng 19,7%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 1.679 triệu USD, tăng 10% so cùng kỳ. Nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu các mặt hàng như vải các loại 194 triệu USD, tăng 6,6%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày 361 triệu USD, tăng 12,3%; kim loại thường khác 639 triệu USD, tăng 16,2% so cùng kỳ...

    c. Vận tải:

    Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải năm 2021thực hiện 1.543 tỷ đồng, giảm 22,5% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu vận tải hành khách thực hiện 353 tỷ đồng, giảm 37,6% so cùng kỳ; vận tải hàng hóa thực hiện 1.014 tỷ đồng, giảm 16,8% so cùng kỳ. Vận tải đường bộ thực hiện 693 tỷ đồng, giảm 28,3%; vận tải đường thủy thực hiện 675 tỷ đồng, giảm 17,7%; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải 176 tỷ đồng, giảm 14,1% so cùng kỳ.

    Vận chuyển hành khách năm 2021, vận chuyển hành khách 22.519 ngàn hành khách, giảm 33,9% và luân chuyển 365.824 ngàn hành khách.km, giảm 39,9% so cùng kỳ; trong đó: vận chuyển đường bộ 9.733 ngàn hành khách, giảm 34,2% và luân chuyển 350.112 ngàn hành khách.km, giảm 39,7% so cùng kỳ; vận chuyển đường thủy 12.786 ngàn hành khách, giảm 33,6% và luân chuyển 15.712 ngàn hành khách.km, giảm 42,8% so cùng kỳ.

    Năm 2021 vận tải hàng hóa 9.810 ngàn tấn, giảm 14,4% và luân chuyển 1.268.963 ngàn tấn.km, giảm 14,1% so cùng kỳ; trong đó: vận tải đường bộ thực hiện 2.245 ngàn tấn, giảm 13,3% và luân chuyển được 237.833 ngàn tấn.km, giảm 21,4% so cùng kỳ; vận tải đường thủy thực hiện 7.565 ngàn tấn, giảm 14,7% và luân chuyển 1.031.129 ngàn tấn.km, giảm 12,2% so cùng kỳ.

    * Phương tiện giao thông: trong tháng đăng ký mới 5.706 chiếc mô tô xe máy, 411 chiếc ô tô, 9 chiếc xe đạp điện và 12 chiếc xe khác. Tổng số xe đang quản lý trên địa bàn tỉnh hiện nay là 1.361.345 chiếc; trong đó: mô tô xe máy 1.318.912 chiếc, 41.622 chiếc xe ô tô, 152 xe ba bánh, 201 chiếc xe đạp điện và 458 xe khác.

    d. Du lịch:

    Dịch vụ lưu trú và du lịch lữ hành tiếp tục bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19 các nhóm ngành dịch vụ chịu tác động mạnh của Covid, vì vậy tình hình hoạt động lưu trú ăn uống du lịch trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn.

    Khách du lịch đến tỉnh trong năm 291 ngàn lượt, đạt 26,5% kế hoạch, giảm 61,1% so cùng kỳ; trong đó khách quốc tế 4,4 ngàn lượt, đạt 1% kế hoạch, giảm 95,5%. Doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành 3.490 tỷ đồng, giảm 40,2% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 99,8%.

    e. Bưu chính - Viễn thông:

    Doanh thu bưu chính - viễn thông 3.160 tỷ đồng, đạt 101,9% kế hoạch và tăng 3,1% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu bưu chính 277 tỷ đồng, đạt 128,2% kế hoạch, tăng 18,4% so cùng kỳ, doanh thu viễn thông 2.884 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 1,9% so cùng kỳ.

    Tổng số thuê bao điện thoại trên mạng ước đến cuối năm 2021 là 102.490 thuê bao, mật độ bình quân đạt 5,8 thuê bao/100 dân (chỉ tính thuê bao cố định và di động trả sau). Số lượng điện thoại cố định có dây, không dây từ đầu năm 2021 đến nay tiếp tục giảm, do thị trường phát triển thuê bao dần bảo hòa và giá cước điện thoại ngày càng giảm cho nên khách hàng dần chuyển sang sử dụng điện thoại di động, trong đó chủ yếu là điện thoại di động trả trước. Số thuê bao điện thoại di động có sử dụng internet (3G, 4G) đến cuối tháng 12 năm 2021 là 1.338.885 thuê bao. Năm 2021 số thuê bao internet phát triển 59.691 thuê bao; tổng số thuê bao internet trên mạng đến cuối năm 2021 là 290.078 thuê bao, mật độ internet bình quân ước đạt 16,4 thuê bao/100 dân.

    II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

    1. Lao động, giải quyết việc làm:

    Theo kết quả tổng hợp sơ bộ, năm 2021 tỷ lệ lao động thất nghiệp của tỉnh tăng 4,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020 và tỷ lệ lao động thất nghiệp khu vực thành thị tăng 7,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ, đã làm cho tỷ lệ thất nghiệp khu vực nông thôn tăng 3,6 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động thiếu việc làm năm 2021 tăng 1,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Nhìn chung, tỷ lệ thất nghiệp chung của toàn tỉnh, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị và nông thôn cũng như tỷ lệ số lao động thiếu việc làm trong quý IV và cả năm 2021 đều tăng so cùng kỳ năm 2020, do trong quý IV và cả năm 2021 tỉnh Tiền Giang đã và vẫn còn đang phải chịu sự ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch covid-19 gây ra.

    Trong năm 2021, tư vấn cho 20.398 lượt lao động, giảm 37,6% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó: tư vấn nghề cho 4.327 lượt lao động, tư vấn việc làm 2.525 lượt lao động, tư vấn việc làm cho 12.613 lượt lao động thất nghiệp, tư vấn pháp luật lao động và tư vấn khác cho 933 lượt lao động; giới thiệu việc làm cho 2.437 lượt lao động, giảm 28,4% so với cùng kỳ năm 2020; đã giới thiệu cho 839 lao động có được việc làm ổn định, giảm 51,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp nhận được 12.745 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 47,5% so với cùng kỳ năm 2020, chi trả trợ cấp thất nghiệp 213,7 tỷ giảm 42,7% so với cùng kỳ năm 2020; thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm và tư vấn học nghề cho 63.100 lượt lao động thất nghiệp, đã có 23 người lao động thất nghiệp đăng ký học nghề.

    2. Đời sống dân cư và an sinh xã hội:

    Trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 diến biến phức tạp, Chính phủ phê duyệt hỗ trợ cho người dân, người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang 200.415 người, với 3.006 tấn gạo. Tỉnh đã nhận được 1.490 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia và đã tổ chức cấp phát cho 99.253 người dân (số lượng gạo tỉnh chưa được cấp từ Tổng cục Dự trữ nhà nước so với số lượng đã được Trung ương phê duyệt là 1.516 tấn gạo; với 101.062 người). Đồng thời tỉnh tiếp tục đề nghị Trung ương hỗ trợ đợt 2 cho 163.262 người dân, người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, với 2.449 tấn gạo.

    Trong năm, các chính sách giảm nghèo được duy trì thực hiện đúng theo kế hoạch, các hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được tạo điều kiện để tiếp cận tốt các chính sách và các nguồn hỗ trợ từ nhà nước, cộng đồng. Theo tổng hợp kết quả điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2021, toàn tỉnh có 1.998 hộ thoát nghèo; hộ nghèo phát sinh là 20 hộ; toàn tỉnh còn 7.455 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,47% so tổng số hộ toàn tỉnh (506.184 hộ); Hộ thoát cận nghèo là 1.783 hộ; hộ cận nghèo phát sinh là 1.168 hộ, toàn tỉnh có 16.121 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,18% so tổng số hộ toàn tỉnh.

    Quỹ đền ơn đáp nghĩa vận động được 11,5 tỷ đồng tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020, xây dựng và sửa chữa 183 căn nhà tình nghĩa từ nguồn vận động, giảm 35% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó xây dựng 88 căn nhà tình nghĩa với tổng số tiền 3,5 tỷ đồng, sửa chữa 95 căn nhà tình nghĩa với tổng số tiền 1,9 tỷ đồng.

    3. Hoạt động giáo dục:

    Năm học 2020-2021 là năm học ngành Giáo dục gặp nhiều khó khăn trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, cùng với đó, ngành Giáo dục đã chủ động, kịp thời điều chỉnh và hoàn thành kế hoạch năm học, cụ thể: trước tình hình dịch Covid-19, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 đã diễn ra vào đầu tháng 6/2021 trước khi dịch bệnh bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh. Tổng số học sinh tốt nghiệp THCS đạt 23.146, số thí sinh đăng ký dự thi đạt 18.879, số thí sinh trúng tuyển vào lớp 10 đạt 16.642 (tỷ lệ 71,9% so với học sinh tốt nghiệp THCS và 88,2% so với học sinh dự thi); Tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (đợt 1 và đợt 2), kết quả có 15.895/16.015 học sinh đỗ tốt nghiệp THPT (tỉ lệ là 99,3%) với điểm trung bình đạt 6,6 xếp hạng 14/63 tỉnh, thành phố; Tổ chức khảo sát thử nghiệm Chương trình đánh giá định kỳ quốc gia kết quả học tập của học sinh lớp 9, lớp 11 năm học 2020-2021 vào các ngày 30, 31/3/2021 tại các trường THCS Lê Ngọc Hân, THCS Bình Ninh, THCS Nguyễn Đắc Thắng, THPT Nguyễn Đình Chiểu, THPT Trần Văn Hoài và THCS&THPT Long Bình; Tổ chức hoàn thiện Giấy chứng nhận nghề phổ thông lớp 12 năm 2020, bằng tốt nghiệp THPT năm 2020. Phát hành bản chính bằng tốt nghiệp THPT năm 2020. Công khai thông tin cấp phát văn bằng tốt nghiệp năm 2020 trên website Sở GDĐT để phục vụ tra cứu, xác minh.

    Ngoài ra, toàn tỉnh có 349 trường phổ thông công lập trong đó có 02 trường tư thục; 5.895 phòng học, trong đó cấp tiểu học có 3.624 phòng học; cấp trung học cơ sở có 1.563 phòng học, cấp THPT có 708 phòng học. Các phòng phục vụ học tập có 1.575 phòng; thư viện có 353 phòng và phòng y tế có 269 phòng.

    Tình hình học online.

    Nhìn chung ngành Giáo dục đã thực hiện nghiêm túc việc triển khai dạy học trực tuyến cho học sinh tiểu học theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 134.929/137.904 học sinh tham gia học tập trực tuyến và học qua kênh truyền hình đạt tỷ lệ 97,84 % (đã nêu trên). Phối hợp Viễn thông VNPT tổ chức phát sóng dạy học qua truyền hình trên kênh MyTV Tiền Giang từ ngày 08/11/2021 đối với môn Tiếng Việt và Toán lớp 1, lớp 2.

    4. Hoạt động y tế:

    Covid - 19: Kể từ ngày có ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng 5/6/2021 đến 17/12/2021 toàn tỉnh có 30.373 ca, 22.547 ca được điều trị khỏi; 739 ca tử vong. Tính đến ngày 16/12 tỷ lệ tiêm vaccine cho người dân từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 1 đạt 100,6% và đủ 2 mũi vaccine đạt 48,2%.       

    Bệnh truyền nhiễm năm 2021 so cùng kỳ về số ca mắc được ghi nhận trên địa bàn tỉnh: 02 bệnh tăng (viêm não do vi rút, Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Covid-19 gây ra); 16 bệnh giảm (liên cầu lợn ở người, ho gà, lao phổi, lỵ a míp, Quai bị, sởi, tay chân miệng, Sốt xuất huyết, thương hàn, thủy đậu, tiêu chảy, uốn ván khác, viêm gan siêu vi A, viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C, Zika); 26 bệnh tương đương và hoặc không xảy ra ca mắc. Trong năm có 1.826 trường hợp mắc sốt xuất huyết mới trên địa bàn, giảm 43,3% so cùng kỳ, tử vong 01 trường hợp (không ghi nhận ca tử vong năm 2020). Bệnh HIV/AIDS năm 2021 phát hiện 302 trường hợp nhiễm HIV mới, 30 trường hợp tử vong. Đến nay, tổng số nhiễm HIV toàn tỉnh là 6.022 trường hợp, tổng số AIDS là 1.867 trường hợp, tử vong do AIDS là 1.023 trường hợp. Công suất sử dụng giường bệnh chung toàn tỉnh đạt 52,1%. Ghi nhận 3.948.656 lượt người bệnh đến khám và 172.747 người điều trị nội trú.

    5. Hoạt động văn hóa - thể thao:

    Đến nay, toàn tỉnh có 439.637/464.764 hộ đạt 3 tiêu chuẩn Gia đình văn hóa, đạt 94,6%; 1001/1005 ấp, khu phố văn hóa, đạt tỷ lệ 99,6%; 160/172 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 65 chợ văn hóa; 17 công viên văn hóa; 824 con đường văn hóa, 543 cơ sở thờ tự văn hóa.

    Hoạt động văn hóa nghệ thuật trong năm 2021: Thực hiện 84 trụ cờ, 700 cờ các loại, 124 pano, 258 băng rôn, 04 cuộc triển lãm, 17 đợt với 358 lượt xe loa, 95 suất nhạc nước, 16 buổi chiếu phim lưu động, 34 cuộc biểu diễn phục vụ nhân dân; tuyên truyền Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Hội nghị văn hóa toàn quốc. Cùng với đó, các địa phương đã phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của Đài truyền thanh các cấp và xe loa di động để thực hiện tuyên truyền công tác phòng, chống dịch Covid-19.

    Hoạt động thư viện trong năm 2021: đã phục vụ 36.814 lượt bạn đọc với 168.550 lượt sách báo được lưu hành. Tổ chức 32 chuyến xe thư viện lưu động từ chương trình “Dự án xe thư viện thông minh lưu động” đến 5 trường học trên địa bàn TP. Mỹ Tho với hơn 7.200 em học sinh tham gia. Trong năm 2021, hệ thống thư viện huyện và các phòng đọc cơ sở đã tiếp được 90.348 lượt bạn đọc, với 227.011 lượt sách báo lưu hành.

    Hoạt động bảo tàng trong năm 2021: Bảo tàng tỉnh và các di tích quốc gia trên địa bàn tỉnh đã đón 20.157 lượt khách tham quan, giảm 63% so với cùng kỳ năm 2020, bán được 2.049 vé, sưu tầm 30 hiện vật.

    Hoạt động thể dục, thể thao trong năm 2021 Trong năm 2021, có 627.721/1.780.224 người tham gia tập luyện thể dục thể thao, đạt tỷ lệ 35,3%; 116.455/487.790 hộ gia đình tham gia tập luyện thể dục thể thao, đạt tỷ lệ 23,9%. Thành tích thể thao đã đạt được sau khi tham dự thi đấu 6 giải thể thao cấp tỉnh, 12 giải Quốc gia và khu vực đạt 34 huy chương các loại (12 HCV, 8 HCB, 14 HCĐ).

    6. Tình hình trật tự an toàn xã hội: (Theo báo cáo của ngành Công an):

    Tội phạm về trật tự xã hội ghi nhận đến tháng 12/2021 ghi nhân 1.156 vụ, giảm 277 vụ so với cùng kỳ, làm chết 01 người, bị thương 09 người, tài sản thiệt hại khoảng 3,5 tỷ đồng; trong đó xảy ra 01 vụ giết người do mâu thuẫn tình ái, 09 vụ cố ý gây thương tích nguyên nhân chủ yếu do mâu thuẫn cá nhân bộc phát; 07 vụ xâm hại tình dục; 64 vụ xâm phạm sở hữu, chủ yếu là hành vi cướp giật tài sản (10 vụ), trộm cắp tài sản (46 vụ), hủy hoại tài sản (04 vụ),... 02 vụ đánh bạc và 01 vụ sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Phát hiện, xử lý 35 tụ điểm cờ bạc, 256 đối tượng liên quan; 18 vụ với 21 đối tượng có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy và xử lý vi phạm hành chính 69 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy; 01 vụ với 01 đối tượng có hành vi các quy định của pháp luật về quản lý đất đai; 03 vụ với 03 đối tượng có hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, tang vật thu giữ 3.520 báo thuốc lá ngoại nhập lậu; 04 vụ với 04 đối tượng có hành vi vận chuyển hóa không hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, tổng giá trị hàng hóa thu giữ khoảng 626 triệu đồng (mỹ phẩm, hàng gia dụng, kim khí điện máy đã qua sử dụng, cát...) và xử lý hành chính 03 trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, số tiền 25,5 triệu đồng.

    7. Trật tự an toàn giao thông: (Theo báo cáo của ngành Công an).

    Tai nạn giao thông đường bộ: Tổng số vụ tai nạn từ đầu năm đến nay là 479 vụ, tăng 51 vụ so cùng kỳ, làm chết 238 người, giảm 21 người so cùng kỳ, bị thương 315 người, tăng 70 người so cùng kỳ. Tổng số vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ từ đầu năm đến nay 27.800 vụ, giảm 39.230 vụ so cùng kỳ.

    Tai nạn giao thông đường thủy: Từ năm đến nay xay ra 04 vụ, giảm 02 vụ so với cùng kỳ (không phát sinh số người chết, bị thương). Tổng số vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông trong năm 16.092 vụ, giảm 3.312 vụ so cùng kỳ.

    8. Tình hình cháy nổ, môi trường:

    Năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 31 vụ cháy, nổ làm 01 người chết; tổng giá trị tài sản thiệt hại khoảng 6,5 tỷ đồng. Tổng số vụ vi phạm môi trường được phát hiện và xử lý 41 vụ với tổng số tiền xử phạt trên 1 tỷ đồng.

    9. Thiệt hại do thiên tai:

    Trong năm 2021, có 03 người bị thương do lốc xoáy sập nhà, tăng 02 người so năm 2020, 18 vụ lốc xoáy tăng 06 vụ so với năm 2020; 09 nhà bị sập, giảm 16 căn so với năm 2020; 270 căn nhà bị tốc mái tăng 18 căn nhà so với năm 2020; 175 điểm sạt lỡ giảm 39 điểm so năm 2020; giá trị thiệt hại 198,4 tỷ đồng.

    III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM PHỤC HỒI TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ, THỰC HIỆN CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2022.

    Năm 2022 dự báo kinh tế xã hội của tỉnh tiếp tục gặp khó khăn do tác động của dich Covid- 19... Tuy nhiên, với nỗ lực thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và thực hiện các chương trình an sinh xã hội hỗ trợ cho các cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch sẽ phần nào giúp cho người dân và doanh nghiệp dần trở lại cuộc sống bình thường mới và ổn định sản xuất, kinh doanh. Qua kết quả thực hiện năm 2021 và thực trạng kinh tế của tỉnh, Cục Thống kê đề xuất các giải pháp trong thời gian tới nhằm thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 như sau:

    - Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về tình hình hoạt động, thị trường tiêu thụ, nguyên liệu sản xuất, lao động,... Rà soát lại tình hình sản xuất ở từng ngành, đặc biệt là các ngành như: dệt may, da giày, chế biến thủy sản, sản xuất kim loại, cơ khí; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ,... tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tiếp tục phối hợp triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh Tiền Giang nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

    - Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tăng cường phối hợp với UBND các cấp triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn.

    - Triển khai thực hiện có hiệu quả đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”; dự án Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sầu riêng, thanh long, trứng chim cút, trứng gà ác tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030...

    - Tăng cường công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc phòng.

 

([1])Theo công văn số 1796/TCTK-TKQG ngày 30/11/2021 của Tổng cục Thống kê

Số liệu ước tháng 12 - 2021

Các tin cùng chuyên mục:
Hiển thị kết quả 1-10 (của 26)
Trang:1 - 2 - 3Trang đầu « Lùi · Tới » Trang cuối

Một số chỉ tiêu chủ yếu tháng 02 năm 2024 (tăng/giảm) so với cùng kỳ năm 2023 của tỉnh Tiền Giang (%)

Chỉ số sản xuất công nghiệp(*)

-18,0

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

+8,9

Khách quốc tế đến Tiền Giang

+25,9

Thực hiện vốn đầu tư ngân sách nhà nước

-12,3

Chỉ số giá tiêu dùng (*)

+1,05

(*): so với tháng trước.

1. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024 (xem chi tiết):

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (theo giá so sánh 2010) tăng từ 7,0 – 7,5% so với năm 2023;

- Cơ cấu kinh tế: khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 35,1%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 29,6%, khu vực dịch vụ (bao gồm thuế sản phẩm) chiếm 35,3%.

- GRDP bình quân đầu người đạt 75,8 - 76,2 triệu đồng/người/năm;

- Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 5 tỷ USD;

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 50.400 – 50.650 tỷ đồng;

- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 8.801 tỷ đồng;

- Tổng chi ngân sách địa phương 14.456 tỷ đồng;

- Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 890 doanh nghiệp.

Tìm kiếm thông tin
Thông tin người dùng
User Online: 3
Truy cập: 2.004.380
Truy cập tháng: 77.602
User IP: 18.118.120.204

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH TIỀN GIANG
21 đường 30/4, phường 1, Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang
ĐT: 0273. 3872582 - Fax: 0273. 3886 952 - Email:tiengiang@gso.gov.vn