Số 21 đường 30/4 - phường 1 - TP Mỹ Tho - tỉnh Tiền Giang               Hotline: 0273 3872 582               Email: tiengiang@gso.gov.vn

"CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG CỤC THỐNG KÊ TỈNH TIỀN GIANG SỐNG VÀ LÀM VIỆC THEO HIẾN PHÁP VÀ PHÁP LUẬT"

 

 

Tổng Cục Thống kê

Cổng Thông tin điện tử

tỉnh Tiền Giang

                                                                                     - Hướng dẫn Đăng ký tài khoản (Xem Clip)

                                                                                     - Hướng dẫn tra cứu thông tin (Xem Clip)

                                                                                  - Hướng dẫn đăng ký hộ kinh doanh (Xem Clip)

                                                                                     - Hướng dẫn đăng ký khai sinh (Xem Clip)

Thăm Dò Ý Kiến
Thông tin bạn quan tâm nhất trên trang web này





Năm 2020
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang tháng 02 năm 2020
Thứ sáu, Ngày 28 Tháng 2 Năm 2020

    I. SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP VÀ THỦY SẢN

    1. Nông nghiệp

    Trước diễn biến xâm nhập mặn phức tạp, ngay từ những tháng cuối năm 2019, UBND tỉnh đã triển khai công tác ứng phó; chỉ đạo các sở, ngành và địa phương theo dõi tình hình hạn, mặn, quan trắc và vận hành các công trình, tổ chức lấy gạn nước ngọt qua cống Xuân Hòa vào trữ nước trên các kênh trục chính trong vùng ngọt hóa Gò Công để đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ cho sản xuất lúa đông xuân 2019-2020. Tuy nhiên, qua khảo sát các tuyến kênh trục chính, mương nội đồng hiện nay bị cạn kiệt. Do tâm lý sợ thiếu nước nên nhiều người dân đã bơm chuyển từ các kênh, mương lên ruộng lúa để trữ nước. Đây là một trong những yếu tố khiến mực nước trên các kênh trục chính xuống thấp rất nhanh, nguy cơ xì phèn, mặn cao. Để đảm bảo đủ nước tưới cho trà lúa đông xuân 2019-2020 đang ở giai đoạn đứng cái, làm đòng, đòng trổ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, Chủ tịch UBND các huyện phía đông tiếp tục đẩy mạnh công tác truyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức về công tác phòng, chống hạn, mặn với phương châm sử dụng nước tiết kiệm, không để lãng phí nước và không bơm nước lên ruộng trữ khi cây lúa chưa có nhu cầu sử dụng nước. UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện phía đông phối hợp với các sở, ngành tỉnh khẩn trương tiếp tục bơm cung cấp thêm nước cho lúa ở giai đoạn đòng trổ, đối với những nơi trà lúa đang phát triển bình thường, lượng nước trên ruộng đảm bảo cung cấp, vận động nhân dân tạm ngưng bơm nước lên ruộng.

    Cây lương thực có hạt: trong tháng gieo trồng 10.494 ha, thu hoạch 32.637 ha với sản lượng 207.297 tấn; ước tính đến cuối tháng 02/2020, gieo trồng được 69.299 ha, đạt 39,8% kế hoạch, giảm 15,1% so cùng kỳ, sản lượng thu hoạch 210.000 tấn; trong đó: cây lúa gieo sạ 67.639 ha, thu hoạch 32.292 ha, sản lượng 206.068 tấn.

    - Cây lúa:

    + Vụ Đông Xuân 2019-2020: chính thức xuống giống 57.604, đạt 98% kế hoạch gieo trồng của vụ, giảm 11,2% so cùng kỳ do thực hiện đề án cắt vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với các vùng sản xuất lúa khó khăn do tình hình hạn, mặn kéo dài ở khu vực phía đông.

   + Vụ Hè Thu: ước trong tháng 2 gieo trồng 10.035 ha, vụ lúa này gieo trồng chủ yếu ở các huyện phía tây với tổng diện tích dự kiến khoảng 33.000 ha.

    - Cây ngô: trong tháng gieo trồng 459 ha, thu hoạch 345 ha với sản lượng 1.229 tấn. Vụ Đông Xuân đến nay gieo trồng 1.660 ha, đạt 42,3% kế hoạch, tăng 1% so cùng kỳ, thu hoạch 1.090 ha, năng suất quy thóc 36,1 tạ/ha với sản lượng quy thóc 3.932 tấn, đạt 27,8% kế hoạch, giảm 6,4% so cùng kỳ chủ yếu do chưa thu hoạch xong.

    Cây rau đậu các loại: trong tháng gieo trồng 8.040 ha, thu hoạch 7.297 ha với sản lượng 147.629 tấn; vụ Đông Xuân gieo trồng 25.711 ha, đạt 44,6% kế hoạch, giảm 4,7% so cùng kỳ, thu hoạch 20.606 ha với sản lượng 421.807 tấn, đạt 36,3% kế hoạch, tăng 2,1% so cùng kỳ (trong đó: rau các loại 25.664 ha, thu hoạch 20.583 ha với sản lượng 421.736 tấn).

    Cây lâu năm: hiện nay, giá thanh long ruột đỏ chỉ còn 15.000 - 20.000 đồng/kg, giảm 15.000 - 20.000 đồng/kg so với trước tết; thanh long ruột trắng 5.000 - 7.000 đồng/kg, giảm 5.000 - 10.000 đồng/kg so với trước tết; các loại trái cây khác như sầu riêng, mít, bưởi... giảm 10.000 - 40.000 đồng/kg so với trước tết, thậm chí một số nhà vườn không tìm được thương lái để tiêu thụ. Trái mít trong thời gian gần đây phát triển khá nhanh trên địa bàn tỉnh, sản lượng rất cao; trước tết, giá mít dao động 37.000 - 40.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 10.000 - 15.000 đồng/kg (mua xô); tuy vậy, thương lái cũng rất ít mua. Hằng năm, thời điểm này giá sầu riêng ở mức khoảng 65.000 - 75.000 đồng/kg, còn hiện nay giảm phân nửa nhưng đầu ra vẫn rất khó khăn; nếu giá bán 30.000 đồng/kg thì nông dân chỉ huề đến lỗ vốn.

    Chăn nuôi: ước thời điểm 01/02/2020 tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh như sau: đàn bò 119,5 ngàn con, giảm 0,4%; đàn lợn 359,7 ngàn con, giảm 36,6%; đàn gia cầm (không kể chim cút) 15,3 triệu con, tăng 7,7% so cùng kỳ. Chăn nuôi gia súc giảm đáng kể so cùng kỳ do dịch bệnh còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn và xảy ra trên diện rộng, con giống không đảm bảo; một số hộ nuôi thua lỗ trước đây chuyển sang vật nuôi khác.

    2. Lâm nghiệp:

    Tổng diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh đến 31/01/2020 là 1.968,55 ha (không bao gồm diện tích rừng thuộc đất an ninh quốc phòng), bao gồm: rừng phòng hộ 1.339,1 ha, rừng sản xuất 629,5 ha.

    Ước tháng 02/2020, toàn tỉnh thực hiện trồng mới được 0,1 ngàn cây phân tán, nâng tổng số cây trồng 1,2 ngàn cây các loại, so cùng kỳ giảm 3,3%. Hiện nay thời tiết trời nắng nóng, khô chưa phù hợp cho việc trồng cây phân tán (chủ yếu là do hộ dân trồng). Trong tháng không xảy ra cháy rừng.

    3. Thủy hải sản:

    Diện tích nuôi thủy sản các loại trong tháng 5.020 ha, giảm 5,8% so cùng kỳ; hai tháng thả nuôi 8.444 ha, đạt 53,8% kế hoạch và giảm 1,5% so cùng kỳ. Thủy sản nước ngọt nuôi 2.996 ha, giảm 4,8% so cùng kỳ do thời tiết bất thường kết hợp với mực nước nội đồng thấp nên các hộ nuôi nhỏ lẽ chưa tiến hành thả nuôi. Thủy sản nước mặn, lợ nuôi 5.448 ha, tăng 0,4% so cùng kỳ, diện tích tăng chủ yếu là nuôi tôm sú nuôi quảng canh. Hiện nay thời tiết bất thường và ảnh hưởng xâm nhập mặn nên các hộ nuôi tôm thâm canh đang cải tạo ao, đầm cho vụ nuôi mới, khi độ mặn và thời tiết thích hợp thì tiến hành thả giống, các hộ nuôi tôm thâm canh và quảng canh cải tiến rất thận trọng trong việc chọn mua giống. Tình hình nuôi nghêu ổn định ngành chức năng tăng cường thực hiện quan trắc môi trường tại vùng nuôi nghêu tập trung.

    Sản lượng thủy sản trong tháng ước tính thu hoạch 20.398 tấn, tăng 6,1% so cùng kỳ. Hai tháng thu hoạch 39.089 tấn, đạt 12,7% kế hoạch, tăng 3,6% so cùng kỳ; trong đó: sản lượng thu hoạch từ nuôi 19.759 tấn, đạt 11,4% kế hoạch, tăng 4,2% so cùng kỳ do để tránh ảnh hưởng tình hình hạn mặn các hộ nuôi tranh thủ thu hoạch sớm; sản lượng khai thác 19.330 tấn, chủ yếu là khai thác biển, đạt 14,3% kế hoạch, tăng 2,9% so cùng kỳ. Thời tiết trong tháng thuận lợi cho hoạt động khai thác, ngư dân sau khi nghỉ tết âm lịch tiến hành ra khơi trong tháng 2.

    II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP

    Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 02/2020 giảm 8,1% so với tháng 01/2020 vì trong tháng 2 một số ngành sản xuất công nghiệp chủ yếu của tỉnh như sản xuất chế biến thực phẩm, đồ uống, dệt, trang phục, sản xuất kim loại... giảm so với tháng trước do ảnh hưởng dịch corona lượng hàng xuất còn tồn nên các cơ sở sản xuất giảm lại, đảm bảo lượng hàng không tồn kho nhiều (ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 8,6%, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 1,6%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 2%) và tăng 8,2% so cùng kỳ (ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,7%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 8,6%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 27,4%).

    Chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng năm 2020 tăng 6% so cùng kỳ năm trước do tháng 02 năm trước là thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán; trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,5%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 6,1%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 26,4%.

    III. ĐẦU TƯ - XÂY DỰNG

    Tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện trong tháng 02/2020 là 136 tỷ đồng, tăng 28,1% so cùng kỳ. Hai tháng đầu năm 2020 thực hiện 295 tỷ đồng, đạt 7,7% kế hoạch, tăng 19,5% so cùng kỳ. Để thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh chủ động quản lý, điều hành, bố trí sử dụng các khoản vốn chưa có bố trí danh mục công trình cụ thể trong Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh như: các dự án phục vụ đề án phát triển cây Thanh Long; các công trình nông nghiệp - thủy lợi khác; các cầu yếu trên các tuyến đường tỉnh và các công trình giao thông cấp thiết khác… nên khối lượng thưc hiện tăng cao hơn so cùng kỳ.

    Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh thực hiện 238 tỷ đồng, đạt 8% kế hoạch, tăng 22,6% so cùng kỳ, chiếm 80,7% tổng số; trong đó: vốn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 41 tỷ đồng, tăng 17,8%, vốn xổ số kiến thiết thực hiện 100 tỷ đồng, tăng 24,2% so cùng kỳ...

    Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp huyện thực hiện 49 tỷ đồng, đạt 10,8% kế hoạch, tăng 7,1% so cùng kỳ, chiếm 16,6% tổng số; trong đó: vốn tỉnh hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 17 tỷ đồng, tăng 7,8% so cùng kỳ...

    Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp xã thực hiện 8 tỷ đồng, đạt 2,1% kế hoạch, tăng 16,5% so cùng kỳ, chiếm 2,7% tổng số; trong đó: vốn huyện hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 2,3 tỷ đồng, tăng 13,5% so cùng kỳ...

    IV. THƯƠNG MẠI - GIÁ CẢ - DỊCH VỤ

    1. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng:

    Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong tháng thực hiện 5.232 tỷ đồng, giảm 7,8% so tháng trước do tháng 02/2020 là tháng sau Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, nhu cầu mua sắm của người dân giảm nên hầu hết các nhóm ngành hàng đều giảm so tháng trước; mặt khác, dịch bệnh virus corona bùng phát từ cuối tháng 01 đến nay đã cộng hưởng tác động doanh thu trong tháng 02 giảm. Hai tháng đầu năm 2020, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thực hiện 10.837,2 tỷ đồng, đạt 15,9% kế hoạch, tăng 9,8% so cùng kỳ. Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp 8.665,3 tỷ đồng, tăng 10,5%; lưu trú 18,1 tỷ đồng, giảm 13,6%; ăn uống 1.100,5 tỷ đồng, tăng 6,1%; du lịch lữ hành 18,1 tỷ đồng, giảm 15,4%; dịch vụ tiêu dùng khác 1.035,3 tỷ đồng, tăng 9,2% so cùng kỳ.

    Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Công Thương đã triển khai thực hiện các hoạt động nhằm tìm giải pháp tiêu thụ thanh long do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp do chủng mới virus Corona gây ra. Các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ doanh nghiệp, kết nối tiêu thụ với các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh để đẩy mạnh việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản, trong đó chủ yếu giải cứu trái thanh long tại thị trường nội địa. Song song đó, Sở Công thương tỉnh đã tiến hành khảo sát các nhà máy chế biến nông sản đang hoạt động trên địa bàn tỉnh và đề nghị các doanh nghiệp tăng cường các hoạt động hỗ trợ chế biến bảo quản các loại trái cây. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp đang tập trung để giải quyết các đơn hàng đã ký hợp đồng trong năm 2019, cung cấp trong năm 2020. Đến nay, các kho bảo quản lạnh của các doanh nghiệp chế biến đã chứa đầy, với sức chứa  khoảng 7.390 tấn, hiện các doanh nghiệp chế biến nông sản đang rà soát điều chỉnh kế hoạch sản xuất để có giải pháp bảo quản, chế biến các loại trái cây trên địa bàn tỉnh.

    2. Xuất - Nhập khẩu:

    a. Xuất khẩu:

    Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng thực hiện 201,7 triệu USD, tăng 1,6% so tháng trước; trong đó: kinh tế ngoài nhà nước 37 triệu USD, tăng 0,6%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 164 triệu USD, tăng 1,6% so tháng trước. Hai tháng xuất khẩu 400 triệu USD, đạt 11,8% kế hoạch, giảm 16% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế nhà nước 1 triệu USD, giảm 50,7%; kinh tế ngoài nhà nước 73,7 triệu USD, giảm 27,6%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 325,3 triệu USD, giảm 12,7% so cùng kỳ.

    Tình hình xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh như sau:

    - Thủy sản: ước tính tháng 02/2020 xuất 5.455 tấn, tăng 5,8%, về trị giá đạt 17,6 triệu USD, tăng 1,2% so tháng trước. Hai tháng xuất 10.610 tấn, giảm 40,6%, về trị giá đạt 34,9 triệu USD, giảm 36,6% so cùng kỳ.

    Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết: Hiện nay, tác động hủy đơn hàng với mặt hàng thủy sản do dịch cúm bởi virus Corona chưa có, nhưng đã có việc chậm đơn hàng, điều chỉnh đơn hàng. Các đối tác hứa từ ngày 16-2 mới bắt đầu nhận hàng. Khó khăn trước mắt là, một số hãng tàu biển lớn ngưng nhận các container hàng chở đi Trung Quốc. Các khách hàng lớn Nhật Bản đề nghị không đưa hàng qua Trung Quốc. Những doanh nghiệp có xuất sang Trung Quốc sản lượng lớn, hiện đang tồn kho, chi phí tồn kho lớn.

    - Gạo: ước tính tháng 02/2020 xuất 10.008 tấn, tăng 21,1%, về giá trị đạt 4,4 triệu USD, tăng 17,6% so tháng trước. Hai tháng xuất 18.271 tấn, tăng 237,1%, về trị giá đạt 8,2 triệu USD, tăng 201,7% so cùng kỳ.

    - May mặc: ước tính tháng 02/2020 xuất 12.835 ngàn sản phẩm, tăng 2,8%, về giá trị xuất đạt 36 triệu USD, giảm 0,6% so tháng trước. Hai tháng xuất 25.314 ngàn sản phẩm, tăng 67,4%, về giá trị đạt 72,2 triệu USD, giảm 31% so cùng kỳ.

    Thực tế khó khăn nhất hiện nay với công ty ngành may là nguồn nguyên vật liệu đầu vào bị ảnh hưởng tiến độ, nhiều đơn hàng đặt nguyên vật liệu dù không đặt từ Trung Quốc cũng bị nhà cung cấp báo chậm tiến độ và tăng giá do ảnh hưởng chung của chuỗi cung ứng toàn cầu, qua đó ảnh hưởng đến tiến độ và kế hoạch sản xuất thành phẩm. Hiện rất nhiều nhà máy sản xuất nguyên liệu của Trung Quốc đều đóng cửa, chưa biết khi nào sản xuất lại, mà kể cả có sản xuất rồi cũng chưa biết đường đi của nguyên liệu ra sao để về Việt Nam, vì các chủ trương về xuất nhập khẩu trong thời điểm này chưa rõ ràng, xem như cách ly cả nguyên liệu, nguồn nguyên liệu sẽ cạn kiệt, thiếu hụt, vì đa phần đều từ Trung Quốc, nơi có giá thành phù hợp cho các ngành cơ bản của Việt Nam như dệt may.

    b. Nhập khẩu:

    Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng 02/2020 đạt 96,7 triệu USD, giảm 2,1% so tháng trước. Hai tháng, kim ngạch nhập khẩu đạt 195,5 triệu USD, đạt 9,8% kế hoạch, tăng 6,8% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế ngoài nhà nước nhập 14,3 triệu USD, giảm 13,4%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhập 181,2 triệu USD, tăng 8,8% so cùng kỳ. Nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu các mặt hàng như vải các loại 27,6 triệu USD, tăng 5,5%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày 30 triệu USD, giảm 43%; kim loại thường khác 80 triệu USD, tăng 56,6%... so cùng kỳ.

    3. Chỉ số giá:

    Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2020 giảm 0,17% so tháng 01/2020 (thành thị giảm 0,19%, nông thôn tăng 0,17%); so cùng kỳ tăng 4,61%.

    So với tháng 01/2020, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 4 nhóm có chỉ số giá tăng: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,2%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,29%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,3%. Có 6 nhóm giảm: đồ uống và thuốc lá giảm 0,1%; may mặc, mũ, nón, giày dép giảm 0,02%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,12%; giao thông giảm 2,83%; bưu chính viễn thông giảm 0,04%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,22%. Riêng nhóm hàng giáo dục tháng này chỉ số giá ổn định.

    Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2020 giảm so tháng 01/2020 do:

    - Các mặt hàng thực phẩm tươi sống giảm từ 1,5% đến 6,5% so với tháng trước Tết lượng hàng bán ra giảm đi do tiêu dùng giảm, trong đó: giá thịt lợn giảm 0,81%; mặc khác dịch bệnh hô hấp cấp Corona đang ảnh hưởng đến sức tiêu thụ một số loại trái cây của tỉnh giá giảm mạnh như: thanh long, mít, sầu riêng, dứa... tác động nhóm thực phẩm giảm 0,1%, góp phần giảm (CPI) chung khoảng 0,03%.

   - Nhu cầu mua sắm về hàng hoá, dịch vụ của người dân sau Tết Nguyên đán giảm kéo theo giá các mặt hàng may mặc, mũ nón, giầy dép, đồ uống, thuốc lá trở về mặt bằng giá trước Tết Nguyên đán.

   - Do tác động giảm của giá xăng dầu thế giới, các doanh nghiệp trong nước điều chỉnh:

   + Giá gas giảm 5,08% từ ngày 01/02/2020 tương ứng với mức giảm 17.000 đồng/bình 12 kg, vì giá gas thế giới công bố ở mức 525 USD/tấn, giảm 52,5 USD/tấn so với tháng 01/2020.

   + Giảm giá xăng dầu vào ngày 30/01/2020 và ngày 14/02/2020; trong đó, giá xăng A95 bình quân giảm 1.530 đồng/lít, xăng E5 giảm 1.340 đồng/lít, dầu diezel 0,05S giảm 1.370 đồng/lít so với tháng trước làm cho chỉ số giá nhóm giao thông giảm 2,83%, góp phần giảm (CPI) chung khoảng 0,24%.

    Bên cạnh đó, có một số mặt hàng chỉ số giá tăng nhưng tỷ trọng quyền số nhỏ nên tác động chưa đủ lớn đến chỉ số giá tiêu dùng chung như:

   - Giá rau tươi, khô và chế biến tăng 10,46% do năm nay tình trạng xâm nhập mặn trong mùa khô đến sớm hơn mọi năm, nguồn nước phục vụ sản xuất đang khan hiếm làm ảnh hưởng đến chất lượng sinh trưởng cây trồng, làm cho nguồn cung bị giảm, tác động đến giá rau tươi tăng cao như: cà chua tăng 1,67%, dưa chuột tăng 58,16%, bí xanh tăng 22,58%, rau muống tăng 18,29%...

    - Thời tiết nắng nóng kéo dài nên nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt tăng, tác động giá bình quân trong tháng điện, nước tăng lần lượt là 0,34% và 0,41%.

    Chỉ số giá vàng 24 kara Ngọc Thẩm trong tháng 02/2020 tăng 2,58% so tháng trước do trùng vào ngày thần tài (mùng 10 tháng giêng âm lịch) sức mua tăng; giá bình quân tháng 02/2020 là 4.421 ngàn đồng/chỉ, tăng 726 ngàn đồng/chỉ so cùng kỳ.

    Chỉ số giá đô la Mỹ trong tháng 02/2020 tăng 0,26% so tháng trước, giá bình quân 23.294 đồng/USD, tăng 50 đồng/USD so cùng kỳ.

    4. Du lịch:

    Khách du lịch đến trong tháng 02/2020 được 156,6 ngàn lượt khách, giảm 5,2% so tháng trước và giảm 4,6% so cùng kỳ; trong đó: khách du lịch quốc tế 49,9 ngàn lượt khách, giảm 8,8% so tháng trước và giảm 4,4% so cùng kỳ. Doanh thu lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ tiêu dùng khác trong tháng 02 đạt 1.042 tỷ đồng, giảm 7,7% so tháng trước và tăng 1,6% so cùng kỳ.

    Tính chung hai tháng đầu năm 2020, lượt khách du lịch đến Tiền Giang là 321,7 ngàn lượt khách, đạt 14,6% kế hoạch, giảm 1,9% so cùng kỳ; trong đó: khách quốc tế 104,6 ngàn lượt khách, đạt 11,6% kế hoạch, giảm 4,4% so cùng kỳ. Tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch đạt 2.172 tỷ đồng, tăng 7,1% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu dịch vụ ăn uống chiếm tỉ trọng 50,6%, ước đạt 1.100 tỷ đồng, tăng 6,1%, dịch vụ lưu trú đạt 18 tỷ đồng, giảm 13,6% so cùng kỳ... Do ảnh hưởng của dịch bệnh virus corona, tình hình khách lưu trú và du lịch trên địa bàn tỉnh giảm, dẫn đến doanh thu hoạt động lưu trú ăn uống du lịch giảm. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và các điểm du lịch cũng đã hạn chế một số hoặc hủy tour, từ đó dự báo với tình hình dịch bệnh hiện nay, ngành du lịch chỉ phục hồi sau thời gian khoảng quý II/2020 nếu dịch bệnh được kiểm soát.

    5. Vận tải:

    Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải trong tháng thực hiện 214 tỷ đồng, giảm 5,5% so tháng trước và tăng 8,8% so cùng kỳ. Hai tháng thực hiện 440,7 tỷ đồng, tăng 9% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu vận tải hành khách thực hiện 149,3 tỷ đồng, tăng 7,5%; doanh thu vận tải hàng hóa thực hiện 251,8 tỷ đồng, tăng 9,5% so cùng kỳ. Doanh thu vận tải đường bộ thực hiện 231,8 tỷ đồng, tăng 6,3%; doanh thu vận tải đường thủy thực hiện 169,3 tỷ đồng, tăng 12,3%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải 39,6 tỷ đồng, tăng 11,9% so cùng kỳ. Nguyên nhân doanh thu hành khách giảm là do sau thời gian nghỉ tết nguyên đán và ổn định việc làm trở lại thì nhu cầu đi lại của người dân giảm; mặc khác do dịch cúm virus corona bùng phát, người dân e ngại đi lại bằng phương tiện công cộng; riêng vận tải hàng hóa tăng do tháng trước có tết, đa số các phương tiện tạm nghỉ hoạt động trong thời gian dài, hết thời gian nghỉ thì hoạt động trở lại; các phương tiện chở vật liệu xây dựng, phương tiện vận tải hàng hoá tuyến đường ngắn vẫn hoạt động bình thường, không bị ảnh hưởng của tình hình dịch cúm virus corona.

    Vận tải hành khách trong tháng đạt 3.271 ngàn hành khách, giảm 13,9% so tháng trước và tăng 7% so cùng kỳ; luân chuyển 66.349 ngàn hành khách.km, giảm 11,5% so tháng trước và tăng 2% so cùng kỳ. Hai tháng, vận chuyển 7.071 ngàn hành khách, tăng 9,6% so cùng kỳ; luân chuyển 141.325 ngàn hành khách.km, tăng 9,2% so cùng kỳ; trong đó: vận tải đường bộ 3.203 ngàn hành khách, tăng 7,2% và luân chuyển 133.155 ngàn hành khách.km, tăng 9,4% so cùng kỳ; vận tải đường thủy 3.868 ngàn hành khách, tăng 11,7% và luân chuyển 8.170 ngàn hành khách.km, tăng 7% so cùng kỳ.

    Vận tải hàng hóa trong tháng đạt 1.177 ngàn tấn, tăng 3,1% so tháng trước và tăng 13,6% so cùng kỳ; luân chuyển 158.009 ngàn tấn.km, tăng 2,4% so tháng trước và tăng 12,2% so cùng kỳ. Hai tháng, vận tải 2.318 ngàn tấn hàng hóa, tăng 7,7% so cùng kỳ; luân chuyển 312.275 ngàn tấn.km, tăng 8,7% so cùng kỳ; trong đó: vận tải đường bộ 544 ngàn tấn, tăng 6,2% và luân chuyển 71.461 ngàn tấn.km, tăng 2% so cùng kỳ; vận tải đường thủy 1.774 ngàn tấn, tăng 8,1% và luân chuyển 240.814 ngàn tấn.km, tăng 10,9% so cùng kỳ.

    6. Bưu chính viễn thông:

    Doanh thu trong tháng 02/2020 đạt 245 tỷ đồng, tăng 0,2% so tháng trước và tăng 6% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu bưu chính đạt 19 tỷ đồng, tăng 1,1% và viễn thông 226 tỷ đồng, tăng 0,1% so tháng trước. Hai tháng doanh thu dịch vụ bưu chính, viễn thông đạt 489,7 tỷ đồng, tăng 7,4% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu bưu chính đạt 37,5 tỷ đồng, tăng 20,6% và viễn thông 452,2 tỷ đồng, tăng 6,4% so cùng kỳ.

    Tổng số thuê bao điện thoại có trên mạng đến cuối tháng 02/2020 là 111.356 thuê bao, mật độ bình quân đạt 6,3 thuê bao/100 dân (chỉ tính thuê bao cố định và di động trả sau). Thuê bao internet có trên mạng cuối tháng 02/2020 là 230.384 thuê bao, mật độ internet bình quân đạt 13,1 thuê bao/100 dân.

    V. TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG

    1. Tài chính:

    Tổng thu ngân sách nhà nước trong tháng thực hiện 1.791 tỷ đồng; trong đó: thu ngân sách trên địa bàn 930 tỷ đồng, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 280 tỷ đồng. Hai tháng, thu 3.734,4 tỷ đồng, đạt 25,1% kế hoạch, tăng 48% so cùng kỳ; trong đó: thu ngân sách trên địa bàn thực hiện 2.210,4 tỷ đồng, đạt 19,9% dự toán và tăng 3,5% so cùng kỳ; thu nội địa 2.167,5 tỷ đồng, đạt 20,1% dự toán, tăng 3,9% so cùng kỳ (trong thu ngân sách trên địa bàn: thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 717 tỷ đồng, đạt 17% dự toán, giảm 9,9% so cùng kỳ; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 338 tỷ đồng, đạt 24,2% dự toán, tăng 7,5% so cùng kỳ, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết 395 tỷ đồng, đạt 23,9% dự toán, giảm 10,2% so cùng kỳ...).

    Tổng chi ngân sách nhà nước trong tháng 730 tỷ đồng; trong đó: chi đầu tư phát triển 400 tỷ đồng. Hai tháng, chi 1.981,5 tỷ đồng, đạt 14,4% dự toán, tăng 82,1% so cùng kỳ; trong đó: chi đầu tư phát triển 858 tỷ đồng, đạt 19,1% dự toán, gấp 4 lần so cùng kỳ; chi hành chính sự nghiệp 1.064 tỷ đồng, đạt 15,2% dự toán và tăng 33,4% so cùng kỳ.

    2. Ngân hàng:

    Mặt bằng lãi suất tiếp tục được duy trì ổn định nên vốn huy động tiếp tục tăng. Lãi suất tối đa bằng VND đối với tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng là 5,5%/năm. Đến cuối tháng 01/2020, vốn huy động đạt 70.746 tỷ đồng, tăng 1.477 tỷ đồng so với cuối năm 2019, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính đến cuối tháng 02/2020, nguồn vốn huy động đạt 70.973 tỷ đồng, tăng 1.704 tỷ đồng, tăng 2,5% so với cuối năm 2019.

    Do đặc thù của yếu tố mùa vụ trong những tháng đầu năm cộng với tình trạng xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn và dịch nCoV nên nhiều mặt hàng xuất khẩu của tỉnh không được thông quan dẫn đến thiệt hại về các loại nông sản như lúa, hoa màu nhất là các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao của tỉnh như thanh long, dưa hấu, mít. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng nhất là tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn trong khi đây là lĩnh vực chiếm tỷ trọng rất lớn (gần 50%) trong tổng dư nợ. Đến cuối tháng 01/2020, tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh đạt 56.044 tỷ đồng, giảm 270 tỷ đồng so với cuối năm 2019, giảm 0,5%.

    VI. KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

    Trong tháng, Hội đồng tư vấn tuyển chọn đánh giá, nghiệm thu 1 nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp tỉnh, đề tài: Xây dựng mô hình du lịch sinh thái và tâm linh vùng Đồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang; nghiệm thu giai đoạn 2 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, đề tài: nghiên cứu đa dạng hóa các sản phẩm nguồn nguyên liệu cây sả và tinh dầu sả, đề tài: ứng dụng sinh học và công nghệ gen để chọn lọc, bảo toàn và phát triển một số nguồn gen quý phục vụ công tác sản xuất cây giống Xoài cát Hòa Lộc và Vú sữa Vĩnh Kim ở Tiền Giang. Đến tháng 02/2020, thẩm định nội dung 01 nhiệm vụ KH&CN, nghiệm thu kết thúc 04 nhiệm vụ KH&CN, nghiệm thu giai đoạn 02 nhiệm vụ KH&CN, quyết định triển khai 07 nhiệm vụ KH&CN; công nhận kết quả 11 nhiệm vụ KH&CN… Trong đó, tập trung cho các nội dung tư vấn đánh giá, hướng dẫn lập hồ sơ sở hữu trí tuệ và cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ; đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ KH&CN: kiểm định phương tiện đo; kiểm nghiệm mẫu môi trường; sản xuất các sản phẩm composite, nấm các loại...

    VII. CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI

    1. Lao động việc làm:

    Trong tháng đã tư vấn cho 956 lượt lao động; giới thiệu việc làm cho 76 lượt lao động; có 33 lao động có được việc làm ổn định; có 25 lao động xuất cảnh; có 599 người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp và giải quyết hồ sơ trợ cấp thất nghiệp cho 941 người với tổng số tiền chi trả tương đương 14.935 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay đã tư vấn cho 3.027 lượt lao động, trong đó tư vấn nghề cho 168 lao động, tư vấn việc làm 562 lao động, tư vấn việc làm cho lao động thất nghiệp là 2.137 lao động, tư vấn Pháp luật lao động và tư vấn khác cho 160 lao động; giới thiệu việc làm cho 272 lượt lao động; có 131 lao động có việc làm ổn định; có 53 lao động xuất cảnh sang Nhật Bản 49 lao động và Đài Loan 4 lao động; có 2.167 người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp và giải quyết hồ sơ trợ cấp thất nghiệp cho 2.395 người với tổng số tiền chi trả tương đương 35.897 triệu đồng.

    Theo tổng hợp từ Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh, Tiền Giang có 630 lao động là người Trung Quốc làm việc trên địa bàn tỉnh; rời Việt Nam về Trung Quốc nghỉ Tết là 576 người và đã trở lại Việt Nam từ Trung Quốc là 343 người; sau kỳ nghỉ Tết số người dự kiến sẽ trở lại Việt Nam từ Trung Quốc là 231 người. Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh đã lập danh sách người lao động quay trở lại tỉnh để làm việc sau Tết, gửi Sở Y tế để phối hợp theo dõi sức khỏe, phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh.

    Các doanh nghiệp có người lao động nước ngoài (đặc biệt là lao động Trung Quốc) đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch như: trang bị khẩu trang y tế cho tất cả người lao động, thực hiện đo thân nhiệt 02 lần/ngày cho người lao động nước ngoài; thậm chí có một số doanh nghiệp tự cách ly người lao động nước ngoài để theo dõi trong vòng 14 ngày kể từ ngày quay lại Việt Nam làm việc.

    2. Chính sách xã hội:

    Lập quyết định trợ cấp 1 lần cho thân nhân thờ cúng liệt sĩ theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, số lượng 21 hồ sơ, chuyển thờ cúng 02 hồ sơ; lập quyết định trợ cấp mai táng phí theo các Quyết định 290/2005/QĐ-TTg, 62/2011/QĐ-TTg. 49/2015/QĐ-TTg: 40 trường hợp; lập Quyết định giải quyết chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học: 04 trường hợp; người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày: 12 trường hợp; lập quyết định giải quyết chế độ tuất hàng tháng: 6 trường hợp; lập quyết định trợ cấp mai táng phí: 86 trường hợp; chuyển hồ sơ người có công đi tỉnh khác và tiếp nhận hồ sơ người có công do tỉnh khác chuyển đến: 18 trường hợp; cấp lại 19 giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ…

    Quỹ bảo trợ trẻ em vận động được 236 triệu đồng, trong đó có 200 triệu đồng tiền mặt và hàng hóa trị giá 36 triệu đồng. Phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam tổ chức trao tặng 200 suất học bổng, mỗi suất 1 triệu đồng tiền mặt và 100 phần quà nhu yếu phẩm, mỗi phần trị giá: 300 ngàn đồng cho 250 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh, tổng kinh phí: 230 triệu đồng; phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh Tiền Giang, tổ chức đoàn đi thăm và tặng quà cho 71 trẻ em cô nhi do các cơ sở Tôn giáo và Trung tâm Công tác Xã hội Tiền Giang Nuôi đưỡng, mỗi em 01 phần quà trị giá: 305 ngàn đồng, tổng kinh phí trên : 21,6 triệu đồng; phối hợp với Nhà Thiếu nhi Tiền Giang tặng 50 phần quà cho trẻ em nghèo trên địa bàn thành phố Mỹ Tho (mỗi phần quà 10 kg gạo), tổng trị giá: 6 triệu đồng.

    3. Hoạt động y tế:

    Từ những ngày đầu tháng 02, khi cả nước ghi nhận các ca nhiễm đầu tiên do những người di chuyển từ vùng dịch về, Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona gây ra, trong đó Sở Y tế là bộ phận thường trực BCĐ đã ban hành rất nhiều văn bản để tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn giám sát người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh do Covid-19 gây ra và người về từ vùng dịch; hướng dẫn đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho nhân viên y tế,phòng chống lây nhiễm; công bố danh sách và địa chỉ các cơ sở y tế thu dung và điều trị Covid-19; thành lập các đội ứng phó, phòng chống dịch bệnh tại các bệnh viện chuyên khoa; quy định thực hiện báo cáo hàng ngày hoạt động phòng chống dịch bệnh; đảm bảo công tác hậu cần cho công tác phòng chống dịch bệnh do Covid-19 gây ra; triển khai hướng dẫn chẩn đoán, cách ly và điều trị Covid-19.

    Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở Y tế phối hợp tốt với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh về các hoạt động phòng, chống dịch bệnh do Covid-19 gây ra, giúp nâng cao tinh thần cảnh giác ứng phó với dịch trong cộng đồng dân cư nhưng cũng tránh hoang mang dư luận; đặc biệt tổ chức tốt việc tuyên truyền sâu rộng để nhân dân biết và thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

    Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh và người có dấu hiệu bệnh từ Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam trong vòng 14 ngày. Tính đến ngày 16/02/2020, ngành Y tế đang theo dõi tiếp tục ngày thứ 8 đối với 03 người về từ Trung Quốc và 06 người có tiếp xúc gần. Tất cả hiện có sức khỏe bình thường.

    Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đang theo dõi thông tin về 03 trường hợp là người Tiền Giang đã có đến Trung Quốc và trở về Việt Nam; nhưng hiện đang được cách ly tại Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh.

    4. Hoạt động giáo dục:

    Trong tháng, ngành Giáo dục và Đào tạo hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra, tổ chức Hội nghị sơ kết học kỳ 1 và triển khai phương hướng nhiệm vụ trọng tâm học kỳ 2 năm học 2019-2020.

    Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng với các tỉnh, thành trong cả nước do ảnh hưởng dịch corona, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Công văn chỉ đạo cho toàn thể học sinh trên địa bàn tỉnh tạm thời nghỉ học đến hết tháng 02. Đồng thời tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tất cả các cơ sở trường học; bố trí lịch trực đối với đội ngũ giáo viên để kịp thời ứng phó khi có yêu cầu.

    5. Hoạt động văn hóa - thể thao:

    Trong tháng tổ chức tuyên truyền các hoạt động trọng tâm như: kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; kỷ niệm 235 năm chiến thắng Rạch Gầm-Xoài Mút và lễ kỷ niệm 149 năm ngày hy sinh của Tứ kiệt Cai Lậy… Thông qua các hoạt động này đội thông tin lưu động tỉnh tổ chức biểu diễn 17 buổi, thu hút trên 10.000 lượt người xem; thực hiện 15 buổi chiếu phim lưu động trên địa bàn các huyện Cái Bè và Cai Lậy; biểu diễn nhạc nước tại quảng trường tỉnh vào các ngày tết…

    Thư viện Tiền Giang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà Báo tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội báo Xuân Canh Tý 2020, với chủ đề “Mừng Đảng, mừng Xuân Canh Tý 2020”. Hội báo xuân năm nay, trưng bày trên 1.300 loại báo, với các thể loại: thiếu nhi, ngoại giao, văn hoá xã hội và báo của 63 tỉnh thành trong cả nước và đặc biệt, có trên 100 quyển sách viết về Đảng cộng sản Việt Nam và Đảng bộ Tiền Giang. Tất cả đều được trưng bày theo từng cụm chủ đề: Chính trị - xã hội, Y học, Văn học nghệ thuật - thể thao, Kinh tế, Khoa học kỹ thuật, Ngoại văn, Thiếu nhi, Báo Xuân các địa phương. Nổi bật, Hội báo xuân năm nay còn bố trí góc thư viện thông minh, chương trình giáo dục Stem, khoảng 338 bản sách và 2 bộ đồ chơi Lego, 3 máy tính bảng, nhằm trang bị cho học sinh về tư duy phản biện tư duy sáng tạo… phục vụ 1.200 lượt người xem; tổ chức Phố sách xuân tại Quảng trường tỉnh, từ ngày 20/1/2020 đến ngày 1/2/2020 có trên 15 nghìn lượt người xem.

    6. Tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội: (Theo báo cáo của Ngành công an).

    Tình hình an ninh được đảm bảo. Trong tháng kịp thời nắm tình hình, phối hợp giải quyết 02 vụ, có 770 công nhân đình công về việc phản đối chất lượng bữa ăn và tiền lương sản phẩm; vận động 36 lượt người dân khiếu kiện tập trung đến các cơ quan Đảng, Nhà nước cấp tỉnh về nơi cư trú.

    Tội phạm về trật tự xã hội xảy ra 74 vụ, làm bị thương 9 người, làm chết 01 người, tài sản thiệt hại trị giá khoảng 1,8 tỷ đồng; đã xảy ra 01 vụ giết người, 7 vụ cố ý gây thương tích do mâu thuẫn bộc phát nhất thời trong sinh hoạt hàng ngày và 66 vụ tội phạm xâm phạm sở hữu. Điều tra khám phá ban đầu đạt 63,5% (47 vụ), bắt xử lý 44 đối tượng, thu hồi tài sản thiệt hại trị giá khoảng 114 triệu đồng; trong đó, đã triệt xóa 01 nhóm với 06 đối tượng chuyên thực hiện hành vi cướp tài sản, điều tra mở rộng 8 vụ cướp trên địa bàn thành phố Mỹ Tho và Chợ Gạo. Xảy ra 01 vụ, có 31 học viên ở Cơ sở cai nghiện tỉnh lợi dụng sơ hở của nhân viên chuyển cơm, trực cổng đã xô ngã nhân viên, sau đó trốn khỏi cơ sở cai nghiện; Công an tỉnh, huyện đã triển khai lực lượng đảm bảo anh ninh, trật tự và truy bắt số học viên bỏ trốn (đến nay đã truy bắt được 24/31 học viên, tiếp tục truy bắt 7 học viên còn lại). Phát hiện, xử lý 41 tụ điểm với 210 đối tượng tham gia cờ bạc.

    7. Trật tự an toàn giao thông: Theo báo cáo của Ngành công an

    Giao thông đường bộ: xảy ra 28 vụ, làm chết 19 người, bị thương 17 người; so tháng trước tai nạn tương đương, số người chết giảm 03 người, số người bị thương tăng 01 người; so cùng kỳ tai nạn giảm 01 vụ, số người chết giảm 03 người, số người bị thương tăng 04 người. Vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong tháng xảy ra 7.471 vụ giảm 1.225 vụ so tháng trước và giảm 257 vụ so cùng kỳ. Đã xử lý tạm giữ giấy tờ và phương tiện 3.404 vụ, tước giấy phép lái xe 328 vụ, phạt tiền 4067 vụ với số tiền phạt 2.990 triệu đồng.

    Giao thông đường thủy: trong tháng xảy ra 01 vụ tai nạn, tăng 01 vụ so tháng trước và cùng kỳ. Vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy trong tháng xảy ra 1.958 vụ giảm 47 vụ so tháng trước và giảm 77 vụ so cùng kỳ. Đã xử lý vi phạm: Lập biên bản tạm giữ giấy tờ 321 vụ và phạt tiền 1.637 vụ với số tiền phạt: 533 triệu đồng.

    8. Tình hình cháy nổ, môi trường:

    Trong tháng xảy ra 2 vụ cháy trên địa bàn thành phố Mỹ Tho. Tài sản thiệt hại ước tính khoảng 122 triệu đồng, nguyên nhân do sự cố điện 01 vụ, đang điều tra làm rõ 01 vụ; Từ đầu năm đến nay xảy ra 7 vụ cháy, tài sản thiệt hại trên 16,1 tỷ đồng. Vi phạm môi trường: kiểm tra, phát hiện  và xử lý 01 vụ vi phạm, tổng số tiền nộp vào ngân sách nhà nước là 30 triệu đồng; Từ đầu năm đến nay, tổng số vụ vi phạm môi trường được phát hiện và xử lý 4 vụ với tổng số tiền phạt 74,3 triệu đồng. Nội dung vi phạm chủ yếu phát hiện qua kiểm tra là do khoan thăm dò và khai thác nước dưới đất không giấy phép; khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường không giấy phép.

SL ước tháng 02-2020

Các tin cùng chuyên mục:
Hiển thị kết quả 1-10 (của 21)
Trang:1 - 2 - 3Trang đầu « Lùi · Tới » Trang cuối

Một số chỉ tiêu chủ yếu tháng 02 năm 2024 (tăng/giảm) so với cùng kỳ năm 2023 của tỉnh Tiền Giang (%)

Chỉ số sản xuất công nghiệp(*)

-18,0

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

+8,9

Khách quốc tế đến Tiền Giang

+25,9

Thực hiện vốn đầu tư ngân sách nhà nước

-12,3

Chỉ số giá tiêu dùng (*)

+1,05

(*): so với tháng trước.

1. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024 (xem chi tiết):

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (theo giá so sánh 2010) tăng từ 7,0 – 7,5% so với năm 2023;

- Cơ cấu kinh tế: khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 35,1%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 29,6%, khu vực dịch vụ (bao gồm thuế sản phẩm) chiếm 35,3%.

- GRDP bình quân đầu người đạt 75,8 - 76,2 triệu đồng/người/năm;

- Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 5 tỷ USD;

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 50.400 – 50.650 tỷ đồng;

- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 8.801 tỷ đồng;

- Tổng chi ngân sách địa phương 14.456 tỷ đồng;

- Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 890 doanh nghiệp.

Tìm kiếm thông tin
Thông tin người dùng
User Online: 20
Truy cập: 1.936.660
Truy cập tháng: 50.337
User IP: 3.236.217.172

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH TIỀN GIANG
21 đường 30/4, phường 1, Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang
ĐT: 0273. 3872582 - Fax: 0273. 3886 952 - Email:tiengiang@gso.gov.vn