Số 21 đường 30/4 - phường 1 - TP Mỹ Tho - tỉnh Tiền Giang               Hotline: 0273 3872 582               Email: tiengiang@gso.gov.vn

"CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG CỤC THỐNG KÊ TỈNH TIỀN GIANG SỐNG VÀ LÀM VIỆC THEO HIẾN PHÁP VÀ PHÁP LUẬT"

 

 

Tổng Cục Thống kê

Cổng Thông tin điện tử

tỉnh Tiền Giang

                                                                                     - Hướng dẫn Đăng ký tài khoản (Xem Clip)

                                                                                     - Hướng dẫn tra cứu thông tin (Xem Clip)

                                                                                  - Hướng dẫn đăng ký hộ kinh doanh (Xem Clip)

                                                                                     - Hướng dẫn đăng ký khai sinh (Xem Clip)

Thăm Dò Ý Kiến
Thông tin bạn quan tâm nhất trên trang web này





Năm 2018
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 - 2018
Thứ hai, Ngày 29 Tháng 10 Năm 2018

    I. Sản xuất nông nghiệp và thủy sản

    1. Nông nghiệp

    Cây lương thực có hạt: trong tháng gieo trồng 95 ha, thu hoạch 105 ha với sản lượng 377 tấn; ước tính đến cuối tháng 10/2018, toàn tỉnh gieo trồng được 205.606 ha, đạt 100,1% kế hoạch, giảm 4,3% so cùng kỳ, sản lượng thu hoạch 1.116.429 tấn, đạt 92% kế hoạch, tăng 1% so cùng kỳ chủ yếu do năng suất lúa vụ Đông Xuân tăng 13,5% so cùng kỳ; trong đó: cây lúa gieo sạ 201.301 ha, đạt 100,2% kế hoạch, giảm 4,5% so cùng kỳ với sản lượng thu hoạch 1.103.199 tấn, đạt 92,1% kế hoạch, tăng 1% so cùng kỳ (vụ Thu Đông chưa thu hoạch).

    Tình hình sản xuất cây lúa trong tháng như sau:

    * Vụ lúa Hè Thu: có 195 tuyến đê, 7 bờ bao ở một số xã của các huyện Cái Bè, Cai Lậy và Châu Thành với chiều dài 57.746 m bị tràn, các địa phương đã khắc phục xong. Nhờ củng cố hệ thống cống, đập và nâng cấp các tuyến đê thấp nên các vùng lúa này vẫn an toàn, tất cả diện tích đều không bị ngập. Năng suất bình quân ước khoảng 52 – 56 tạ/ha và giá bán cũng chỉ 5.500 - 5.800 đồng/kg. Nguyên nhân năng suất lúa không cao là do lượng nước ứ đọng trên đồng lúa, bệnh đốm vằn và nhiều loại bệnh lem lép hạt xuất hiện ở nhiều nơi kéo dài làm cho chất lượng hạt lúa bị giảm, số lượng hạt chắc cũng bị giảm sút.

    * Vụ lúa Thu Đông: chính thức xuống giống 28.125 ha, đạt 101,5% kế hoạch sản xuất của vụ; giảm 8,2% so cùng kỳ, tương ứng giảm 2.509 ha do chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lúa chuyển sang trồng rau màu và cây ăn quả. Vụ lúa thu đông trên địa bàn tỉnh gieo trồng chủ yếu ở các huyện hạ lưu sông Tiền không bị ảnh hưởng lũ như: Chợ Gạo, Gò Công Tây, Thị xã Gò Công, Gò Công Đông… Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng tình hình dịch bệnh có: 701 ha lúa có rầy nâu, giảm 335 ha so tháng trước, mật số trung bình 100-200 con/m2; 1.471 ha lúa có bệnh cháy bìa lá, tăng 1.361 ha so với tháng trước, tỷ lệ bệnh 3-5%; 772 ha lúa có bệnh khô cổ bông, tỷ lệ 2-3% và một số sâu, bệnh khác xuất hiện với mật số, tỷ lệ thấp.

    Cây ngô: trong tháng gieo trồng 95 ha, thu hoạch 105 ha với sản lượng 377 tấn. Mười tháng gieo trồng 4.305 ha, đạt 95,8% kế hoạch, thu hoạch 3.675 ha, năng suất quy thóc 36 tạ/ha với sản lượng 13.230 tấn, đạt 81,4% kế hoạch, tăng 4,8% so cùng kỳ.

    Cây rau đậu các loại: trong tháng gieo trồng 309 ha, thu hoạch 1.212 ha với sản lượng 23.425 tấn; mười tháng gieo trồng 55.858 ha, đạt 99,2% kế hoạch, tăng 4,5% so cùng kỳ, thu hoạch 46.441 ha với sản lượng 892.269 tấn, đạt 82,2% kế hoạch, tăng 10% so cùng kỳ.

    Chăn nuôi: trong tháng tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, dịch bệnh ít xảy ra. Ước thời điểm 01/10/2018 tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh như sau: đàn bò 120 ngàn con, giảm 5,2%; đàn lợn 603 ngàn con, giảm 4,9%; đàn gia cầm 11,7 triệu con, giảm 14,7% so cùng kỳ. Hiện nay, tại Tiền Giang giá lợn hơi đang tăng mạnh, thương lái thu mua khoảng 5 - 5,3 triệu đồng/tạ tùy phẩm chất và địa bàn, với mức giá này người chăn nuôi đang có lãi từ 1 triệu đến 1,3 triệu đồng/tạ so với cuối năm 2017. Cùng với sự gia tăng của giá lợn hơi thì giá lợn giống cũng tăng, giá lợn giống dao động từ 1 đến 1,2 triệu đồng/con loại 10 - 12kg/con, tùy theo trọng lượng con, trọng lượng ký càng lớn giá càng rẻ.

    2. Lâm nghiệp:

    Trong tháng, toàn tỉnh thực hiện trồng mới được 10,7 ngàn cây. Đến cuối tháng 10/2018, tổng số cây trồng 777,8 ngàn cây các loại, bằng 32,9 % so với cùng kỳ. Trong tháng không xảy ra cháy rừng.

    3. Thủy hải sản:

    Diện tích nuôi thủy sản các loại trong tháng 980 ha; ước tính 10 tháng nuôi 16.514 ha, đạt 104,6% kế hoạch, giảm 1,3% so cùng kỳ. Thủy sản nước ngọt nuôi được 6.781 ha, so cùng kỳ giảm 1,1% do các hộ nuôi nhỏ lẻ mang tính chất cải thiện đời sống. Thủy sản nước mặn, lợ nuôi được 9.733 ha, giảm 1,4% so cùng kỳ, chủ yếu là giảm diện tích nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng ở huyện Gò Công Tây do thời tiết không thuận lợi ở các vùng nuôi do cách xa cửa biển nên người dân chưa thả nuôi.

    Sản lượng thủy sản tháng 10 ước tính được 21.868 tấn; 10 tháng đạt 235.251 tấn, đạt 91,1% kế hoạch, tăng 5,2% so cùng kỳ; trong đó: sản lượng thu hoạch từ nuôi 139.412 tấn, đạt 89,4% kế hoạch, tăng 5,3% so cùng kỳ do hiện nay đang vào mùa thu hoạch chạy lũ; sản lượng khai thác 95.839 tấn, đạt 93,7% kế hoạch, tăng 5,2% so cùng kỳ, trong đó khai thác biển đạt 90.936,2 tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ do những tháng cuối năm thời tiết thuận lợi cho khai thác biển và ngư trường khai thác xuất hiện các loài cá có giá trị cao nên ngư dân rất phấn khởi.

    Tình hình dịch bệnh: nuôi thủy sản trong tháng ổn định.

    II. Sản xuất công nghiệp

    Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10/2018 giảm 1,1% so với tháng 9 và tăng 12,4% so cùng kỳ. Tính chung 10 tháng đầu năm 2018 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12,2% so cùng kỳ, bao gồm: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,4%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 9,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,3%. Chỉ số sản xuất sản phẩm trong tháng so cùng kỳ như sau:

    - Có 30/41 sản phẩm tăng so cùng kỳ: bia đóng chai tăng 45,5%; dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng tàu, thuyền tăng 42,3%; phi lê đông lạnh tăng 17,9%; bia đóng lon tăng 17,4%; thức ăn cho thủy sản tăng 14,1%; màn bằng vải khác tăng 10,6%; điện thương phẩm tăng 9,6%; nước uống được tăng 6,7%...

    - Có 11/41 sản phẩm giảm so cùng kỳ: máy gặt đập liên hợp giảm 40%; bao và túi (kể cả loại hình nón) từ plastic khác giảm 33,8%; thuốc chứa pênixilin hoặc kháng sinh khác dạng viên giảm 8,9%; giày, dép thể thao có mũ bằng da và có đế ngoài giảm 8,4%; thức ăn cho gia súc giảm 0,9%...

    * Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo:

    - Chỉ số tiêu thụ tháng 10/2018 so với tháng trước tăng 0,1% và tăng 10,5% so cùng kỳ. Chỉ số tiêu thụ cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng 10 năm 2018 tăng 11,4% so cùng kỳ. Trong 10 tháng đầu năm 2018, một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao như: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 10,5%, trong đó chế biến bảo quản thủy sản tăng 17,9%; sản xuất đồ uống tăng 27,4%, trong đó sản xuất bia tăng 27,4%; dệt tăng 25,4%, trong đó sản xuất sợi tăng 29,8%; sản xuất trang phục tăng 43,4%; sản xuất da tăng 3%, trong đó sản xuất giày dép tăng 20,5%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 12,2%; sản xuất kim loại tăng 25,5%... Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm so cùng kỳ là: chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 0,2%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 0,4%; sản xuất sản phẩm cao su và plastic giảm 25,3%; sản xuất máy móc thiết bị chưa phân vào đâu giảm 13,9%...

    - Chỉ số tồn kho tháng 10/2018 so với tháng trước tăng 11,8% và so với cùng kỳ tăng 59,2%. Trong tháng, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng kỳ là: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 105%, trong đó sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản bằng 2,2 lần; sản xuất đồ uống bằng 3,5 lần, trong đó sản xuất bia bằng 3,5 lần; sản xuất trang phục tăng 49,4%; sản xuất da tăng 48,7%, trong đó sản xuất giày dép tăng 60,2%; sản xuất kim loại tăng 64,1%; sản xuất thiết bị điện tăng 52,6%, trong đó sản xuất mô tơ tăng 52,2%... Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so cùng kỳ là: dệt giảm 2,6%, trong đó màn bằng vãi khác giảm 34,5%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 1,6%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 3,9%; công nghiệp chế biến chế tạo khác giảm 9,6%, trong đó sản xuất đồ chơi giảm 9,6%...

    * Tình hình thu hút đầu tư và phát triển các khu - cụm công nghiệp:

    Khu công nghiệp: trong tháng 10, Ban Quản lý các khu công nghiệp điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 7 dự án. Từ đầu năm đến nay, đã thu hút 7 dự án đầu tư, tăng 75% so cùng kỳ với tổng vốn đầu tư đăng ký dự án 72 triệu USD và 10 tỷ đồng, tăng 35,1% so cùng kỳ, đạt 70% kế hoạch năm 2018, diện tích cho thuê đất 24,2 ha; ngoài ra, Ban Quản lý các khu công nghiệp điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư 27 dự án, trong đó có 11 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng số vốn đầu tư tăng thêm là 99,1 triệu USD, tăng 146,7% so cùng kỳ. Đến cuối tháng 10/2018, tổng số dự án tại các khu công nghiệp là 98 dự án (trong đó có 71 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài) với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.815 triệu USD và 4.086 tỷ đồng, diện tích đất đã cho thuê 488,9/765,2 ha, đạt 63,9% diện tích đất của 4 khu công nghiệp đang hoạt động.

    Cụm công nghiệp: trên địa bàn tỉnh có 27 cụm công nghiệp được quy hoạch; trong đó có 4 cụm công nghiệp đang hoạt động. Trong tháng không thu hút dự án đầu tư mới. Tổng số dự án đầu tư tại các cụm công nghiệp hiện nay là 79 dự án (trong đó: có 7 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư 4.402 tỷ đồng, diện tích thuê đất là 78,6 ha, tỷ lệ lắp đầy đạt 96,9%.

    III. Đầu tư – Xây dựng

    Tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện trong tháng 358,8 tỷ đồng, tăng 14,9% so cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay thực hiện 2.158,9 tỷ đồng, đạt 76,1% kế hoạch, tăng 14,1% so cùng kỳ. Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh thực hiện 1.715,1 tỷ đồng, đạt 74% kế hoạch, tăng 15,6% so cùng kỳ, chiếm 79,4% trong tổng số; trong đó: vốn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 329,8 tỷ đồng, tăng 31,2%, vốn xổ số kiến thiết thực hiện 779,4 tỷ đồng, tăng 20%... Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp huyện thực hiện 280,3 tỷ đồng, đạt 91,9% kế hoạch, tăng 3,7% so cùng kỳ, chiếm 13% tổng số; trong đó: vốn tỉnh hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 181,5 tỷ đồng, tăng 16,1% so cùng kỳ. Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp xã thực hiện 163,5 tỷ đồng, đạt 75,7% kế hoạch, tăng 18,1% so cùng kỳ, chiếm 7,6% tổng số; trong đó: vốn huyện hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 129,4 tỷ đồng, tăng 24,5% so cùng kỳ...

    IV. Thương mại - Giá cả - Dịch vụ

    1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội:

    Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trong tháng thực hiện 4.780,6 tỷ đồng, tăng 9,1% so cùng kỳ; trong đó: tổng mức bán lẻ hàng hóa 3.801,9 tỷ đồng, tăng 8,7% so cùng kỳ. Mười tháng đầu năm thực hiện 46.867,4 tỷ đồng, đạt 79,4% kế hoạch, tăng 8,9% so cùng kỳ; chia ra: kinh tế nhà nước thực hiện 4.024,3 tỷ đồng, tăng 17,9%; kinh tế ngoài nhà nước 42.473,6 tỷ đồng, tăng 7,9%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 369,5 tỷ đồng, tăng 47,6% so cùng kỳ. Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp 37.133,3 tỷ đồng, tăng 7,7%; lưu trú 98,3 tỷ đồng, tăng 14,3%; ăn uống 4.909,5 tỷ đồng, tăng 14,4%; du lịch lữ hành 86,3 tỷ đồng, tăng 10,7%; dịch vụ 4.640 tỷ đồng, tăng 13,2% so cùng kỳ.

    2. Xuất - Nhập khẩu:

    a. Xuất khẩu:

    Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng thực hiện 253,2 triệu USD, tăng 4% so tháng trước; 10 tháng xuất khẩu 2.110,9 triệu USD, đạt 79,7% kế hoạch, tăng 2,5% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế nhà nước 87,7 triệu USD, tăng 34,4%; kinh tế ngoài nhà nước 534,4 triệu USD, giảm 9,1%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 1.488,8 triệu USD, tăng 5,9%. Trị giá hàng hóa xuất khẩu phân theo ngành sản xuất chính bao gồm 2 ngành: công nghiệp chế biến chế tạo và thương nghiệp. Mười tháng đầu năm 2018, ngành công nghiệp chế biến chế tạo xuất 1.984,6 triệu USD, tăng 2,2% so cùng kỳ, trong đó: sản xuất chế biến thực phẩm đạt 293,2 triệu USD, giảm 21,9%, sản xuất trang phục đạt 437,7 triệu USD, tăng 11,7%, sản xuất da và sản phẩm có liên quan đạt 672,2 triệu USD, giảm 10,7%, sản xuất kim loại đạt 408,6 triệu USD, tăng 29,9%; ngành thương nghiệp đạt 126,4 triệu USD, tăng 6,0% so cùng kỳ.

    Tình hình xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh như sau:

    - Thủy sản: ước tính tháng 10 xuất 10.231 tấn, tăng 2,3% so tháng trước; 10 tháng xuất 93.125 tấn, giảm 20,8% so cùng kỳ, về trị giá đạt 254,4 triệu USD, giảm 25,1% so cùng kỳ. Giá cá tra trong tháng 10/2018 dao động ở mức từ 33.500 đồng đến 34.000 đồng/kg. Thị trường đứng đầu là Trung Quốc vẫn có dấu hiệu khả quan vì họ nhập hàng nhiều, dự báo từ nay đến cuối năm nhu cầu tiêu dùng của thị trường Trung Quốc thường tăng, do cuối năm là mùa đông nên hoạt động chăn nuôi sẽ khó khăn; tuy nhiên thị trường này vẫn rất khó dự đoán vì hiện nay cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không ít nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủy sản sẽ bị ảnh hưởng.

    - Gạo: ước tính tháng 10 xuất 19.602 tấn, tăng 60,2% so tháng trước; 10 tháng xuất 238.688 tấn, giảm 7,7% so cùng kỳ, về trị giá đạt 126,3 triệu USD, tăng 6% so cùng kỳ. Trong quý 4/2018, xuất khẩu gạo có xu hướng tăng do nhu cầu nhập khẩu gạo từ thị trường Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Iraq và các nước châu Phi, trong đó: Philippines có nhu cầu nhập khẩu thêm 500 - 800 ngàn tấn từ nay đến cuối năm để bổ sung kho dự trữ và ổn định giá gạo trong nước.

    - May mặc: ước tính tháng 10 xuất 10.718 ngàn sản phẩm, tăng 1,3% so tháng trước; 10 tháng xuất 67.078 ngàn sản phẩm, giảm 0,4% so cùng kỳ, về giá trị đạt 436,1 triệu USD, tăng 11% so cùng kỳ. May mặc trong tỉnh tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thuận lợi của các doanh nghiệp này có sự hỗ trợ từ các công ty mẹ, do đó các doanh nghiệp may mặc trong tỉnh chịu áp lực cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ từ các nước trong khu vực như Trung Quốc, Myanmar, Campuchia... trên thực tế, các nước này không chỉ đột phá về thị phần xuất khẩu mà ngay tại thị trường trong nước, các chính sách về bảo hiểm, đất đai, thuế... đều thấp hơn so với Việt Nam.

    b. Nhập khẩu:

    Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng đạt 100 triệu USD, tăng 11,8% so tháng trước; 10 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu đạt 1.156,8 triệu USD, đạt 100,6% kế hoạch, tăng 27% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế ngoài nhà nước nhập 112,8 triệu USD, giảm 9,1%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhập 1.044 triệu USD, tăng 32,6% so cùng kỳ. Trị giá nhập khẩu phân theo ngành sản xuất kinh doanh chính gồm 2 ngành: công nghiệp chế biến chế tạo và thương nghiệp bán buôn bán lẻ. Cộng dồn 10 tháng đầu năm, ngành công nghiệp chế biến chế tạo nhập 1.152 triệu USD, tăng 27,3% so cùng kỳ, trong đó: nhập khẩu cho sản xuất chế biến thực phẩm 75,9 triệu USD, giảm 18,3%, may mặc 287,1 triệu USD, tăng 37,1%, sản xuất da và các sản phẩm liên quan 317,7 triệu USD, tăng 20,4%, sản xuất kim loại 379 triệu USD, tăng 42% so cùng kỳ. Nhập khẩu hàng hóa đạt 4,8 triệu USD, giảm 23,7% so cùng kỳ.

    3. Chỉ số giá:

    Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2018 tăng 0,24% so tháng 9/2018 (thành thị tăng 0,20%, nông thôn tăng 0,25%), so cùng kỳ năm trước tăng 4,39%, so tháng 12 năm 2017 tăng 3,18%.

    Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 6 nhóm hàng tăng so tháng trước, trong đó: tăng cao nhất là nhóm giao thông tăng 1,75%; kế đến là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,27%; nhóm hàng hoá dịch vụ khác tăng 0,07%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép và nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình cùng tăng 0,04%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%. Có 02 nhóm giảm: nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,02%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,13%. Có 03 nhóm chỉ số giá ổn định: nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng và nhóm giáo dục.

    Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng so tháng trước chủ yếu do:

    - Hiện nay đang cuối vụ thu hoạch lúa Hè Thu; mặt khác tình hình xuất khẩu đang thuận lợi nên giá gạo nội địa tăng 0,13%, tác động nhóm lương thực tăng 0,12%.

    - Tại Tiền Giang do mưa nhiều và triều cường dâng cao ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng thu hoạch của một số loại rau xanh bị giảm, tác động giá tăng từ 5 - 10% so tháng trước; cùng với đó, đang vào mùa cưới hỏi nên nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng, tác động giá thịt lợn, thịt bò, thủy hải sản tươi sống và thịt chế biến tăng... dẫn đến chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 0,37%, đóng góp tăng 0,09% vào mức tăng chung của (CPI) tháng 10/2018.

    - Đầu tháng 10/2018 giá gas trong nước tăng 1.000 đồng/ bình 12 kg, tăng 0,3%; giá dầu hỏa tăng 2,86%, tác động đến chỉ số giá nhóm gas và các loại chất đốt khác tăng 0,26% so tháng trước.

    - Mặc dù mới đây ngày 22/10/2018 giá xăng A95 trong nước được điều chỉnh giảm 140 đồng/lít, xăng E5 giảm 220 đồng/lít, nhưng do ảnh hưởng mức tăng giá mạnh ngày 06/10/2018 (xăng A95 tăng 570 đồng/lít, xăng E5 tăng 670 đồng/lít) nên tác động đến chỉ số giá nhóm nhiên liệu tháng này vẫn còn tăng 3,34%, cùng với đó, do xăng dầu thời gian qua giá tăng liên tục, tác động giá cước Taxi Mai Linh tháng này điều chỉnh tăng 3,45%, đẩy chỉ số giá nhóm hàng giao thông tăng 1,75%, đóng góp tăng 0,14% vào mức tăng chung của (CPI) tháng 10/2018.

    Bên cạnh đó, có một số nhóm hàng chỉ số giá giảm nhưng tỷ trọng quyền số nhỏ nên tác động chưa đủ lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung như: giá trứng gia cầm giảm 2,52% do qua mùa làm bánh trung thu, thịt gia cầm khác (thịt vịt tươi sống) giảm 2,44% do vào mùa lũ, vịt chạy đồng xuất bán nhiều, nguồn cung trong nước dồi dào giá giảm; trong tháng 10, thời tiết mưa nhiều, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng điện sinh hoạt giảm làm cho giá điện giảm 0,25%; giá vé ô tô khách giảm 1,81%, giá tuor du lịch trong nước giảm 1,32%, do tháng trước nghỉ Lễ Quốc khánh 02/9/2018, Công ty Cổ phần vận tải ô tô Tiền Giang tăng thêm phụ thu 40% giá vé trong 02 ngày (ngày 03 và ngày 4/9), giá tuor du lịch tăng 04 ngày từ ngày 01/9 đến ngày 04/9/2018, qua Lễ giá vé ô tô khách và giá tuor du lịch trở lại như những ngày bình thường...

    Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng năm 2018 so cùng kỳ tăng 4,36%; một số nhóm hàng có giá tăng nhiều trong 10 tháng đầu năm 2018 so cùng kỳ như: nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 27,2% do tăng phí khám chữa bệnh, nhóm giao thông tăng 8,44% do giá xăng liên tục điều chỉnh tăng, nhóm giáo dục tăng 6,07% do tăng học phí, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,76%, nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,13%...

    Chỉ số giá vàng 24 kara Ngọc Thẩm trong tháng 10 tăng 0,26% so tháng trước, giảm 3,6% so cùng kỳ, giảm 2,91% so tháng 12 năm 2017; chỉ số giá vàng bình quân 10 tháng đầu năm 2018 tăng 3,68% so cùng kỳ. Giá bình quân tháng 10/2018 là 3.423 ngàn đồng/chỉ, giảm 127 ngàn đồng/chỉ so cùng kỳ.

    Chỉ số giá đô la Mỹ trong tháng tăng 0,21% so tháng trước, tăng 2,74% so cùng kỳ, tăng 2,78 so tháng 12 năm 2017; chỉ số giá đô la Mỹ bình quân 10 tháng đầu năm 2018 tăng 0,98% so cùng kỳ. Giá bình quân 23.380 đồng/USD, tăng 620 đồng/USD so cùng kỳ.

    4. Du lịch:

    Khách du lịch đến trong tháng 10 được 156,3 ngàn lượt khách, tăng 2% so tháng trước và tăng 15,8% so cùng kỳ; trong đó: khách du lịch quốc tế 48,6 ngàn lượt khách, tăng 2,1% so tháng trước và tăng 11,4% so cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch trong tháng 10 đạt 528,9 tỷ đồng, tăng 1,9% so tháng trước và tăng 19,4% so cùng kỳ.

    Tính chung 10 tháng đầu năm, lượt khách du lịch đến Tiền Giang là 1.579,4 ngàn lượt khách, đạt 80% kế hoạch, tăng 13,5 so cùng kỳ; trong đó: khách quốc tế 524 ngàn lượt khách, đạt 67% kế hoạch, tăng 11,8% so cùng kỳ. Tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch đạt 5.094 tỷ đồng, tăng 14,3% so cùng kỳ, trong đó: doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 98,3%.

    5. Vận tải:

    Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải trong tháng thực hiện 201,9 tỷ đồng, tăng 2,5% so tháng trước. Mười tháng thực hiện 1.908,1 tỷ đồng, tăng 11,9% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu vận tải hành khách thực hiện 574,9 tỷ đồng, tăng 6,2%; doanh thu vận tải hàng hóa thực hiện 1.168,3 tỷ đồng, tăng 11%. Doanh thu vận tải đường bộ thực hiện 1.053,1 tỷ đồng, tăng 9,9%; doanh thu vận tải đường thủy nội địa thực hiện 690,1 tỷ đồng, tăng 8,4%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải 164,9 tỷ đồng, tăng 48,3% so cùng kỳ.

    Vận chuyển hành khách trong tháng đạt 2.422 ngàn hành khách, tăng 3,6% so tháng trước; luân chuyển 91.301 ngàn hành khách.km, giảm 0,01% so tháng trước. Mười tháng, vận chuyển 25.263 ngàn hành khách, tăng 1,8% so cùng kỳ; luân chuyển 996.439 ngàn hành khách.km, tăng 11,6 so cùng kỳ. Trong đó: vận chuyển đường bộ 16.449 ngàn hành khách, giảm 1,1% và luân chuyển 980.430 ngàn hành khách.km, tăng 11,6% so cùng kỳ; vận chuyển đường thủy nội địa 8.814 ngàn hành khách, tăng 7,6% và luân chuyển 16.009 ngàn hành khách.km, tăng 15,6% so cùng kỳ.

    Vận tải hàng hóa trong tháng đạt 1.427 ngàn tấn, tăng 2,2% so tháng trước; luân chuyển 153.637 ngàn tấn.km, tăng 1,3% so tháng trước. Mười tháng, vận tải 13.621 ngàn tấn hàng hóa, tăng 8,5% so cùng kỳ; luân chuyển 1.425.960 ngàn tấn.km, tăng 19% so cùng kỳ. Trong đó: vận tải đường bộ 4.134 ngàn tấn, tăng 7,6% và luân chuyển 334.216 ngàn tấn.km, tăng 15,7% so cùng kỳ; vận tải đường thủy nội địa 9.487 ngàn tấn, tăng 8,9% và luân chuyển 1.091.744 ngàn tấn.km, tăng 20,1% so cùng kỳ.

    6. Bưu chính viễn thông:

    Doanh thu trong tháng đạt 211,9 tỷ đồng, tăng 2,2% so tháng trước. Mười tháng đầu năm doanh thu dịch vụ bưu chính, viễn thông đạt 2.015,4 tỷ đồng, tăng 21,5% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu bưu chính đạt 95 tỷ đồng, tăng 12,8% và viễn thông 1.920,4 tỷ đồng, tăng 22% so cùng kỳ.

    Thuê bao điện thoại phát triển mới trong tháng 1.722 thuê bao; trong đó: thuê bao cố định giảm 2.100 thuê bao, di động trả sau tăng 3.822 thuê bao. Tổng số thuê bao điện thoại có trên mạng đến cuối tháng 10 là 120.308 thuê bao, mật độ bình quân đạt 6,9 thuê bao/100 dân (chỉ tính thuê bao cố định và di động trả sau). Thuê bao internet trong tháng phát triển mới 4.274 thuê bao, thuê bao internet có trên mạng cuối tháng 10 là 189.554 thuê bao, mật độ internet bình quân đạt 10,8 thuê bao/100 dân.

    V. Tài chính - Ngân hàng

    1. Tài chính:

    Tổng thu ngân sách nhà nước trong tháng thực hiện 908 tỷ đồng; trong đó: thu ngân sách trên địa bàn 760 tỷ đồng, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 320 tỷ đồng. Mười tháng đầu năm thu 10.819 tỷ đồng, đạt 97% kế hoạch, tăng 5,3% so cùng kỳ; trong đó: thu ngân sách trên địa bàn thực hiện 7.054,3 tỷ đồng, đạt 88,4% dự toán và tăng 14,5% so cùng kỳ; thu nội địa 6.770,7 tỷ đồng, đạt 89% dự toán, tăng 14,3% so cùng kỳ (trong thu ngân sách trên địa bàn: thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 2.247,5 tỷ đồng, đạt 97,4% dự toán, tăng 22,5% so cùng kỳ; thu thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 844 tỷ đồng, đạt 64,4% dự toán, tăng 4,1% so cùng kỳ).

    Tổng chi ngân sách nhà nước trong tháng 1.245 tỷ đồng; trong đó: chi đầu tư phát triển 450 tỷ đồng. Mười tháng đầu năm chi 8.148,2 tỷ đồng, đạt 79,9% dự toán, tăng 9,3% so cùng kỳ; trong đó: chi đầu tư phát triển 2.636 tỷ đồng, đạt 77,9% dự toán, tăng 28,8% so cùng kỳ; chi hành chính sự nghiệp 4.865,2 tỷ đồng, đạt 82,6% dự toán và tăng 9,7% so cùng kỳ.

    2. Ngân hàng:

    Trong tháng, công tác huy động vốn của các ngân hàng tiệp tục có khởi sắc, nguồn tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi thanh toán tăng do nhu cầu chuyển tiền thanh toán hàng hóa chuẩn bị hoạt động sản xuất kinh doanh cuối năm. Đến 08/10/2018, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 59.542 tỷ đồng, tăng 582 tỷ đồng so cuối tháng 9/2018, tỷ lệ tăng 1%. Ước đến cuối tháng 10/2018, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 59.844 tỷ đồng, tăng 884 tỷ đồng so cuối tháng 9/2018, tỷ lệ tăng 1,5%; so cùng kỳ tăng 4.258 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 7,7%...

    Vào thời điểm đầu tháng, do có một số món vay ngắn hạn đến hạn trả nợ nên dẫn đến dư nợ tín dụng sụt giảm nhưng không đáng kể, đến 08/10/2018, tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh đạt 47.276 tỷ đồng, giảm 91 tỷ đồng so với cuối tháng 9/2018, tỷ lệ giảm 0,4%. Dự kiến thời gian tới nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh sẽ tiếp tục tăng, ước đến cuối tháng 10/2018, tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh đạt 47.840 tỷ đồng, tăng 473 tỷ đồng so với cuối tháng 9/2018, tỷ lệ tăng 1%, so cùng kỳ tăng 7.595 tỷ đồng, tăng 18,9

    VII. Các vấn đề xã hội

    1. Lao động việc làm:

    Trong tháng đã giới thiệu việc làm cho 290 lượt lao động, có 151 lao động có được việc làm ổn định, có 14 lao động xuất cảnh chính thức, có 1.401 người đăng ký thất nghiệp và đã giải quyết hồ sơ thất nghiệp cho 1.599 người với tổng số tiền chi trả tương đương 20.145 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay đã giới thiệu việc làm cho 2.929 lao động, có 1.523 lao động có việc làm ổn định, có 165 lao động xuất cảnh (Nhật Bản: 142 lao động, Đài Loan: 22 lao động và thị trường khác: 1 lao động), có 12.741 người đăng ký thất nghiệp và giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 12.630 người với số tiền chi trả 151,9 tỷ đồng.

    Trung tâm dịch vụ việc làm đã tổ chức được 1 phiên giao dịch, với 5 doanh nghiệp tham gia phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp với nhu cầu tuyển dụng 39 lao động, thu hút 49 lượt lao động tham gia trực tiếp. Từ đầu năm đến nay, đã tổ chức được 15 phiên giao dịch việc làm, với 53 doanh nghiệp tham gia phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp với nhu cầu tuyển dụng 8.397 lao động, thu hút trên 1.025 lượt lao động tham gia trực tiếp và hàng trăm lượt tham gia gián tiếp qua website Trung tâm Dịch vụ việc làm. Tuy nhiên, số lượng lao động đến tham gia các phiên giao dịch quá ít - chỉ chiếm 12,2% so với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, nên không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

    2. Chính sách xã hội:

    Thực hiện tốt các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, các chính sách đối với gia đình người có công với cách mạng. Trong tháng vận động quỹ đền ơn đáp nghĩa được 400 triệu đồng, xây dựng 3 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 120 triệu đồng, sửa chữa 9 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 180 triệu đồng từ nguồn vận động. Mười tháng vận động quỹ đền ơn đáp nghĩa được 11 tỷ đồng, đạt 110% kế hoạch năm, xây dựng 137 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 5.480 triệu đồng, đạt 105,4% kế hoạch năm, sửa chữa 80 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 1.600 triệu đồng, đạt 228,6% kế hoạch năm từ nguồn vận động; thẩm định thông qua Tổ xét duyệt 37 hồ sơ người có công, gồm 29 hồ sơ người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; 06 hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 2 hồ sơ trợ cấp 1 lần theo Quyết định số 57/2013/QĐ-TTg; lập quyết định trợ cấp 1 lần cho 31 thân nhân thờ cúng liệt sĩ theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, chuyển trợ cấp thờ cúng liệt sĩ là 16 trường hợp.

    Công tác giảm nghèo – Bảo trợ xã hội: tổ chức thăm và tặng quà người cao tuổi nhân Tháng hành động vì người cao tuổi (1/10) năm 2018 cho 150 cụ với kinh phí 75 triệu đồng.

    Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em: Nhân dịp Tết Trung thu Sở lao động – Thương binh xã hội, phối hợp cùng Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức đoàn đến thăm, tặng quà Trung thu cho 1.700  trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại 11 xã (mỗi xã 100 phần quà); Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Sở lao động – Thương binh xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên đã đến thăm và tặng 800 phần quà cho 800 em có hoàn cảnh đặc biệt với tổng kinh phí 176,8 triệu đồng; Ngoài ra, các huyện, thành, thị cũng đã chủ động tổ chức thăm và tặng quà cho gần 20 ngàn trẻ em với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng.

    Tệ nạn xã hội: Cơ sở cai nghiện ma túy hiện đang quản lý tại Cơ sở là 659 học viên trong đó có 639 học viên cai nghiện bắt buộc, 08 học viên cai nghiện tự nguyện và 12 học viên lưu trú ở khu xã hội; duy trì hoạt động 4 điểm điều trị nghiện và 2 điểm cấp phát thuốc Methadone cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện, tính đến tháng 10, Tiền Giang đã có 206 người tham gia điều trị bằng Methadone.

    3. Hoạt động y tế:

    Công tác khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao và hoạt động đi vào nề nếp đúng với quy định của ngành, tạo niềm tin cho nhân dân. Trong tháng đã khám bệnh cho 483.472 lượt, giảm 8,9%. Từ đầu năm đến nay đã khám bệnh cho 4.745.188 lượt người, giảm 0,1% so cùng kỳ; trong đó: số lượt người điều trị nội trú là 194.795 lượt người, giảm 3,3%. Công suất sử dụng giường bệnh bình quân của các cơ sở điều trị trong tháng đạt 110,8%, trong đó công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đạt 140,5%, các bệnh viện chuyên khoa đạt 93,6%, các bệnh viện tuyến huyện đạt 67,5%....

    Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được ngành y tế quan tâm, trong tháng có 1.412 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được kiểm tra; kết quả có 1.376 cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt 97,5%; trong tháng xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm với 12 người mắc tại công ty Trách nhiệm hữu hạn thực phẩm BALALA VN (huyện Tân Phước).

    Công tác phòng chống dịch bệnh: Tiếp tục tuyên truyền phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, bệnh truyền nhiễm và bệnh tay chân miệng... xử lý kịp thời, không để lây lan và bùng phát thành dịch, một số bệnh phát sinh trong kỳ, cụ thể:

    + Sốt xuất huyết: mắc 325 cas, tăng 131 cas so với tháng trước; tổng số cộng dồn là 1.367 cas, giảm 47,6% so cùng kỳ.

    + Tiêu chảy: 416 cas, giảm 51 cas so với tháng trước (giảm tương đương 10,9%); tổng số cộng dồn là 4.292 cas, tăng 24.5% so cùng kỳ.

    + Viêm gan virus (B): 06 cas, tăng 02 cas so với tháng trước; tổng số cộng dồn là 71 cas, giảm 75,2% so với cùng kỳ.

    + Thủy đậu: 13 cas, giảm 07 cas so với tháng trước (giảm tương đương 35%); tổng số cộng dồn là 312 cas, giảm 21% so cùng kỳ.

    + Quai bị: 09 cas, giảm 12 cas so với tháng trước (tăng tương đương 57,14%); tổng số cộng dồn là 481 cas, giảm 1,6% so cùng kỳ.

    + Tay – Chân – Miệng: 719 cas, tăng 543 cas so với tháng trước (tăng tương đương 308,5%); tổng số cộng dồn là 1.471 cas, giảm 32,8% so cùng kỳ.

    Tính đến thời điểm báo cáo toàn tỉnh có 5.052 người nhiễm HIV, 1.746 người chuyển sang AIDS, tử vong do AIDS là 942 người.

    4. Hoạt động giáo dục:

    Công tác dạy và học trong ngành tiếp tục ổn định và đi vào nền nếp; tiếp tục thực hiện Chỉ thị 2919/CT-BGDDT ngày 10/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2018-2019; các cơ sở giáo dục và đào tạo tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc tổ chức học tập về những nội dung cơ bản các cuộc vận động và xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.

    Trong hai ngày 2 và 3 tháng 10, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức coi thi lập đội tuyển học sinh giỏi trung học phổ thông chuẩn bị dự thi cấp quốc gia năm 2018. Trong tháng cũng đã kiểm tra công nhận 3 trường đạt chuẩn quốc gia gồm: THPT Cái Bè; THCS Mỹ Phong; THCS Tân Mỹ Chánh.

    5. Hoạt động văn hóa - thể thao:

    Trong tháng, tập trung tuyên truyền Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2018 – 2023 và các ngày lễ lớn trong tháng. Hoạt động thư viện phục vụ hơn 8.545 lượt bạn đọc, với 21.637 lượt sách báo lưu hành; tiếp nhận 3.275 bản sách các loại và luân chuyển được 500 bản sách cho các Thư viện và phòng đọc sơ sở. Đội thông tin lưu động tỉnh tổ chức biểu diễn được 17 đêm (18/9-9/10), tuyên truyền với chủ đề “Bảo vệ môi trường” thu hút khoảng 2.474  lượt người xem, tại một số xã thuộc huyện Châu Thành, Cái Bè, Gò Công Đông, Tân Phước, Chợ Gạo và thị xã Gò Công.

    Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang tham gia liên hoan với vở cải lương "Bão dậy trời Long Hưng" (soạn giả Huỳnh Anh, đạo diễn Kim Phương, cố vấn nghệ thuật Nghệ sĩ nhân dân Trần Ngọc Giàu) đã đạt Huy chương Bạc dành cho vở diễn, Nghệ sĩ ưu tú Đào Vũ Thanh và Nghệ sĩ ưu tú Nhơn Hậu xuất sắc đạt Huy chương Vàng; Nghệ sĩ Võ Huỳnh Mơ đạt Huy chương Bạc. "Bão dậy trời Long Hưng" là vở cải lương có đề tài chiến tranh cách mạng, dựa trên cuộc đời hoạt động cách mạng của bà Nguyễn Thị Thập (Mười Thập) - người con ưu tú của vùng đất Long Hưng (tỉnh Tiền Giang).

    Phong trào thể dục - thể thao trên địa bàn tỉnh luôn được duy trì và phát triển với nhiều hình thức đa dang. Đội Taekwondo tham dự giải Taekwondo Cúp các CLB mạnh toàn quốc năm 2018 từ ngày 14 – 22/9/2018 tại tỉnh Bình Phước, kết quả đạt: 2 HCV, 3 HCĐ; đội KichBoxing tham dự giải vô địch KichBoxing toàn quốc năm 2018, từ ngày 19/9 – 27/9/2018 tại Bình Dương, kết quả đạt: 1 HCV, 5 HCĐ; đội Bóng bàn tham dự Giải Bóng bàn các đội mạnh toàn quốc năm 2018 từ ngày 25/9 – 4/10/2018 tại tỉnh ĐăkLăk, kết quả đạt: hạng III đồng đội nữ;…

    6. Tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội: (Theo báo cáo của Ngành công an).

    Tình hình an ninh được đảm bảo. Trong tháng xảy ra 1 vụ đình công, có 60 công nhân công ty IL-Sung thuộc khu công nghiệp Tân Hương, huyện Châu Thành tham gia, nguyên nhân do mâu thuẫn giữa lãnh đạo công ty và công nhân trong việc tăng ca; có 7 lần, 88 lượt người tập trung đi khiếu kiện ở các cấp, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự.

    Tội phạm về trật tự an toàn xã hội xảy ra 54 vụ, làm chết 4 người, bị thương 5 người, tài sản thiệt hại trị giá khoảng 2 tỷ đồng; xảy ra 4 vụ giết người (tại huyện Cái Bè, Châu Thành, Gò Công Tây và thành phố Mỹ Tho), 3 vụ cố ý gây thương tích, 1 vụ hiếp dâm, 1 vụ chống người thi hành công vụ và 45 vụ tội phạm xâm phạm sở hữu (cướp tài sản 3 vụ, trong đó có 1 vụ cướp ngân hàng, 2 vụ cướp giật tài sản; 1 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 1 vụ hủy hoại tài sản và 38 vụ trộm cắp tài sản). Điều tra khám phá ban đầu đạt 64,8% (35vụ), bắt xử lý 47 đối tượng, thu hồi tài sản thiệt hại trị giá khoảng 856 triệu đồng.

    Tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy, kinh tế, môi trường: phát hiện 12 vụ, 125 đối tượng tàng trữ, mua bán và sử dụng trái phép chất ma túy; 16 vụ với 17 đối tượng vận chuyển, kinh doanh hàng hóa cấm, hàng hóa không hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc; 2 trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường và 11 trường hợp khai thác cát trái phép.

    7. Trật tự an toàn giao thông: (Theo báo cáo của Ngành công an)

    Giao thông đường bộ: tai nạn xảy ra 27 vụ, làm chết 17 người, bị thương 18 người; so tháng trước tai nạn tương đương, số người chết giảm 5 người, số người bị thương tương đương; so cùng kỳ tai nạn giảm 23 vụ, số người chết giảm 9 người, số người bị thương giảm 18 người. Tổng số vụ từ đầu năm đến nay xảy ra 262 vụ, làm chết 174 người, bị thương 163 người; so cùng kỳ tai nạn giảm 34 vụ, số người chết giảm 22 người, số người bị thương giảm 21 người. Vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong tháng xảy ra 8.179 vụ, giảm 1.792 vụ so tháng trước và giảm 3.072 vụ so cùng kỳ, đã xử lý tạm giữ giấy tờ và phương tiện 4.971 vụ, tước giấy phép lái xe 372 vụ, phạt tiền 3.208 vụ với số tiền phạt 3.984 triệu đồng. Tổng số vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ từ đầu năm đến nay xảy ra 84.708 vụ, tăng 10.220 vụ so cùng kỳ, đã xử lý tạm giữ giấy tờ và phương tiện 49.754 vụ, tước giấy phép lái xe 3.180 vụ, phạt tiền 33.181 vụ với số tiền phạt 33.288 triệu đồng.

    Giao thông đường thủy: trong tháng không xảy ra. Từ đầu năm đến nay xảy ra 6 vụ, giảm 1 vụ so cùng kỳ, làm chết 1 người tương đương so cùng kỳ. Vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy trong tháng xảy ra 2.034 vụ, tăng 37 vụ so tháng trước và tăng 83 vụ so cùng kỳ, đã xử lý lập biên bản tạm giữ giấy tờ 512 vụ và phạt tiền tại chỗ 1.522 vụ với số tiền phạt 153 triệu đồng. Tính từ đầu năm đến nay tổng số vụ vi phạm an toàn giao thông đường thủy là 20.961 vụ, tăng 2.802 vụ so cùng kỳ, đã xử lý lập biên bản tạm giữ giấy tờ 4.539 vụ và phạt tiền 18.640 vụ với số tiền phạt 3.342 triệu đồng.  

    Tình hình trật tự an toàn giao thông của tỉnh trong tháng trên các tuyến lưu thông được đảm bảo thông suốt, ổn định, nhưng trong lĩnh vực đường bộ tuy số vụ và số người chết có giảm so với tháng trước nhưng số người chết trong tháng vẫn còn ở mức cao (17 người). Tuyến xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường bộ chủ yếu trên tuyến Quốc lộ 1, 50 và các tuyến đường tỉnh.

    8. Tình hình cháy nổ, môi trường:

    Trong tháng xảy ra 1 vụ cháy tại huyện Châu Thành, tài sản thiệt hại ước tính khoảng 245 triệu đồng, nguyên nhân do trong quá trình vận chuyển, hột quẹt ga phát nổ gây ra cháy. Từ đầu năm đến nay xảy ra 30 vụ cháy, tài sản thiệt hại ước tính trên 235 tỷ đồng.

    Vi phạm môi trường phát hiện 11 vụ, đã xử lý 2 vụ với tổng số tiền xử phạt là 31 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay phát hiện 45 vụ, đã xử lý 34 vụ với tổng số tiền xử phạt trên 920 triệu đồng. Nội dung vi phạm chủ yếu do thực hiện không đúng kế hoạch bảo vệ môi trường, xả khí thải, nước thải, gây tiếng ồn vượt quy chuẩn cho phép, khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường không giấy phép, khoan thăm dò nước dưới đất không giấy phép, thi công giếng khoan không đúng thiết kế được phê duyệt...

    9. Công tác phòng chống lũ, triều cường:

    Trong tháng có 195 tuyến đê, 7 bờ bao ở một số xã của các huyện Cái Bè, Cai Lậy và Châu Thành với chiều dài 57.746 m bị tràn, các địa phương đã khắc phục xong. Riêng thành phố Mỹ Tho, triều cường ngày 10/10/2018 và rạng sáng 11/10/2018 dâng cao đã làm ngập khoảng 73 ha vườn tạp (khu vực Phường 10 và xã Trung An) và 2.250 m đường giao thông (đường ấp Thới Thạnh, Thới Thuận xã Thới Sơn, Quốc lộ 1A đoạn qua ngã ba Trung Lương, đường Hùng Vương nối dài). Thời gian, triều cường lên 45 phút và sau đó rút nên không có ảnh hưởng và gây thiệt hại.

    Về tình hình xử lý sạt lở: Từ đầu năm đến nay trên địa bàn các huyện, thị phía Tây đã xảy ra 99 điểm sạt lở với chiều dài 23.648 m, tổng kinh phí xử lý 80.525 triệu đồng. Đã xử lý được 97 điểm, các điểm còn lại các huyện, thị xã đang tiếp tục khẩn trương thực hiện.

    Tình hình gia cố, nâng cấp đê bao: Các huyện, thị xã đã triển khai thực hiện gia cố, nâng cấp 74 tuyến đê bao với chiều dài 148.841m, kinh phí 26.522 triệu đồng. Kết quả sửa chữa cống, đắp đập tạm: đến nay, các huyện, thị xã phía Tây đã đắp xong 133 đập và sửa chữa, gia cố xong 119 cống để ngăn lũ và triều cường

SL ước tháng 10-2018

Các tin cùng chuyên mục:
Hiển thị kết quả 1-10 (của 17)
Trang:1 - 2Trang đầu « Lùi · Tới » Trang cuối

Một số chỉ tiêu chủ yếu tháng 02 năm 2024 (tăng/giảm) so với cùng kỳ năm 2023 của tỉnh Tiền Giang (%)

Chỉ số sản xuất công nghiệp(*)

-18,0

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

+8,9

Khách quốc tế đến Tiền Giang

+25,9

Thực hiện vốn đầu tư ngân sách nhà nước

-12,3

Chỉ số giá tiêu dùng (*)

+1,05

(*): so với tháng trước.

1. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024 (xem chi tiết):

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (theo giá so sánh 2010) tăng từ 7,0 – 7,5% so với năm 2023;

- Cơ cấu kinh tế: khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 35,1%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 29,6%, khu vực dịch vụ (bao gồm thuế sản phẩm) chiếm 35,3%.

- GRDP bình quân đầu người đạt 75,8 - 76,2 triệu đồng/người/năm;

- Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 5 tỷ USD;

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 50.400 – 50.650 tỷ đồng;

- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 8.801 tỷ đồng;

- Tổng chi ngân sách địa phương 14.456 tỷ đồng;

- Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 890 doanh nghiệp.

Tìm kiếm thông tin
Thông tin người dùng
User Online: 19
Truy cập: 1.935.030
Truy cập tháng: 48.707
User IP: 34.204.3.195

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH TIỀN GIANG
21 đường 30/4, phường 1, Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang
ĐT: 0273. 3872582 - Fax: 0273. 3886 952 - Email:tiengiang@gso.gov.vn