Số 21 đường 30/4 - phường 1 - TP Mỹ Tho - tỉnh Tiền Giang               Hotline: 0273 3872 582               Email: tiengiang@gso.gov.vn

"CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG CỤC THỐNG KÊ TỈNH TIỀN GIANG SỐNG VÀ LÀM VIỆC THEO HIẾN PHÁP VÀ PHÁP LUẬT"

 

 

Tổng Cục Thống kê

Cổng Thông tin điện tử

tỉnh Tiền Giang

                                                                                     - Hướng dẫn Đăng ký tài khoản (Xem Clip)

                                                                                     - Hướng dẫn tra cứu thông tin (Xem Clip)

                                                                                  - Hướng dẫn đăng ký hộ kinh doanh (Xem Clip)

                                                                                     - Hướng dẫn đăng ký khai sinh (Xem Clip)

Thăm Dò Ý Kiến
Thông tin bạn quan tâm nhất trên trang web này





Năm 2018
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 - 2018
Thứ năm, Ngày 29 Tháng 11 Năm 2018

    I. SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP VÀ THỦY SẢN

    1. Nông nghiệp

    Cây lương thực có hạt: trong tháng gieo trồng 176 ha, thu hoạch 245 ha với sản lượng 884 tấn; ước tính đến cuối tháng 11/2018, toàn tỉnh gieo trồng được 205.746 ha, đạt 100,1% kế hoạch, giảm 4,3% so cùng kỳ, sản lượng thu hoạch 1.124.165 tấn, đạt 92,6% kế hoạch, tăng 1,6% so cùng kỳ chủ yếu do năng suất lúa vụ Đông Xuân tăng 13,5% so cùng kỳ; trong đó: cây lúa gieo sạ 201.265 ha, đạt 100,1% kế hoạch, giảm 4,5% so cùng kỳ với sản lượng thu hoạch 1.110.051 tấn, đạt 92,7% kế hoạch (vụ Thu Đông chưa thu hoạch) và tăng 1,6% so cùng kỳ.

    Tình hình sản xuất cây lúa trong tháng như sau:

    * Vụ lúa Thu Đông: chính thức xuống giống 28.088 ha, đạt 101,3% kế hoạch sản xuất của vụ; giảm 8,3% so cùng kỳ, tương ứng giảm 2.576 ha do chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lúa chuyển sang trồng rau màu và cây ăn quả.  

    * Vụ Đông Xuân 2018-2019: gieo sạ 15.412 ha ở 2 huyện phía tây của tỉnh gồm Tân Phước và Cái Bè, các huyện còn lại chờ lũ rút và thu hoạch dứt điểm lúa Thu đông mới xuống giống. Uớc diện tích gieo sạ toàn tỉnh khoảng 68.800 ha, đây là vụ sản xuất chính trong năm của nông dân.

    Cây ngô: trong tháng gieo trồng 176 ha, thu hoạch 246 ha với sản lượng 884 tấn. Mười một tháng gieo trồng 4.481 ha, đạt 99,7% kế hoạch, thu hoạch 3.921 ha, năng suất quy thóc 36 tạ/ha với sản lượng 14.114 tấn, đạt 86,8% kế hoạch, tăng 3,5% so cùng kỳ; trong đó, huyện Chợ Gạo trồng ngô 2.941 ha, chiếm 65,6% diện tích ngô toàn tỉnh.

    Cây rau đậu các loại: trong tháng gieo trồng 1.118 ha, thu hoạch 3.585 ha với sản lượng 70.614 tấn; mười một tháng gieo trồng 56.976 ha, đạt 101,1% kế hoạch, tăng 5% so cùng kỳ, thu hoạch 50.026 ha với sản lượng 962.882 tấn, đạt 88,7% kế hoạch, tăng 10,1% so cùng kỳ.

    Chăn nuôi: trong tháng tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, dịch bệnh ít xảy ra. Thời điểm 01/10/2018 tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh như sau: đàn bò 120,8 ngàn con, giảm 0,6%; đàn lợn 583,9 ngàn con, tăng 0,3%; đàn gia cầm (không kể cút) 13 triệu con, tăng 14,4% so cùng kỳ. Hiện nay, tại Tiền Giang giá lợn hơi đang tăng mạnh, thương lái thu mua khoảng 5 - 5,3 triệu đồng/tạ tùy phẩm chất và địa bàn, với mức giá này người chăn nuôi đang có lãi từ 1 triệu đến 1,3 triệu đồng/tạ so với cuối năm 2017. Cùng với sự gia tăng của giá lợn hơi thì giá lợn giống cũng tăng, giá lợn giống dao động từ 1 đến 1,2 triệu đồng/con loại 10 - 12kg/con, tùy theo trọng lượng con, trọng lượng ký càng lớn giá càng rẻ. Đàn gà 11,4 triệu con, tăng 16,8% so cùng kỳ do bà con đang tích cực tái đàn để bán vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới với các giống gà phát triển nhanh như gà Lương Phượng, gà Bến Tre…

    2. Lâm nghiệp:

    Trong tháng, toàn tỉnh thực hiện trồng mới được 5,1 ngàn cây phân tán. Đến cuối tháng 11/2018, tổng số cây trồng 782,8 ngàn cây phân tán các loại, bằng 31,5 % so với cùng kỳ. Trong tháng không xảy ra cháy rừng

    3. Thủy hải sản:

    Diện tích nuôi thủy sản các loại trong tháng 1.414 ha; ước tính 11 tháng nuôi 16.688 ha, đạt 105,7% kế hoạch, giảm 0,1% so cùng kỳ. Thủy sản nước ngọt nuôi được 6.785 ha, tương đương so cùng kỳ. Thủy sản nước mặn, lợ nuôi được 9.903 ha, giảm 0,1% so cùng kỳ, chủ yếu là giảm diện tích nuôi tôm sú ở huyện Gò Công Tây do thời tiết không thuận lợi và ở các vùng nuôi cách xa cửa biển nên người dân chưa thả nuôi.

    Sản lượng thủy sản trong tháng ước tính thu hoạch 24.091 tấn; 11 tháng thu hoạch 266.743 tấn, đạt 103,3% kế hoạch, tăng 6,2% so cùng kỳ; trong đó: sản lượng thu hoạch từ nuôi 159.244 tấn, đạt 102,1% kế hoạch, tăng 6,6% so cùng kỳ do nuôi cá tra công nghiệp đạt năng suất cao hơn so cùng kỳ; sản lượng khai thác 107.499 tấn, đạt 105,1% kế hoạch, tăng 5,5% so cùng kỳ, trong đó khai thác biển đạt 102.431 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ do những tháng cuối năm thời tiết thuận lợi cho khai thác biển và ngư trường khai thác xuất hiện các loài cá có giá trị kinh tế cao.

    II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP

    Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2018 giảm 2% so với tháng 10 và tăng 12,65% so cùng kỳ. Tính chung 11 tháng năm 2018 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12,3% so cùng kỳ, (trong đó: sản xuất đồ uống tăng 28,1%, dệt tăng 20,5%, sản xuất trang phục tăng 57%, sản xuất kim loại tăng 22,8%...) bao gồm: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,5%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 9,5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,8%.

    Chỉ số sản xuất sản phẩm trong tháng so cùng kỳ như sau:

    - Có 32/42 sản phẩm tăng so cùng kỳ: bộ com lê, quần áo đồng bộ, áo jacket, quần dài, quần yếm, quần soóc cho người lớn dệt kim hoặc đan móc tăng 75,5%; thuốc chứa pênixilin hoặc kháng sinh khác dạng bột/cốm tăng 52,1%; bia đóng chai tăng 43,7%…

    - Có 10/42 sản phẩm giảm so cùng kỳ: bao và túi (kể cả loại hình nón) từ plastic khác giảm 32,1%; máy gặt đập liên hợp giảm 30%; phân vi sinh giảm 8,1%; giày, dép thể thao có mũ bằng da và có đế ngoài giảm 4,9%; thức ăn cho gia súc giảm 0,5%...

    Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 11/2018 so với tháng trước tăng 0,5%. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp cộng dồn 11 tháng so với cùng kỳ tăng 8,7%; trong đó: doanh nghiệp nhà nước giảm 2,6%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm 2,1%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 12,7%.

    * Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo:

    - Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 11/2018 so với tháng trước giảm 4% và tăng 9,5% so cùng kỳ. Chỉ số tiêu thụ cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng 11 năm 2018 tăng 11,3% so cùng kỳ. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 10,2%, sản xuất đồ uống tăng 27,8%, dệt tăng 24,06%, sản xuất da tăng 3,1%... Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm so cùng kỳ là: chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 1,4%, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 0,03%, sản xuất máy móc thiết bị chưa phân vào đâu giảm 9,9%...

    - Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 11/2018 so với tháng trước tăng 15% và so với cùng kỳ tăng 28,7%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng kỳ là: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 31,1%, sản xuất đồ uống bằng 3,4 lần, sản xuất da tăng 72%, sản xuất kim loại tăng 68,5%, sản xuất thiết bị điện tăng 55,8%... Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so cùng kỳ là: dệt giảm 0,2%, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 1,3%, công nghiệp chế biến chế tạo khác giảm 17,7%...

    * Tình hình thu hút đầu tư và phát triển các khu - cụm công nghiệp:

    Khu công nghiệp: Trong tháng 11, Ban Quản lý các khu công nghiệp cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh lần thứ 4 cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Hàng Thủ Công Xin Dong Ya Việt Nam (khu công nghiệp Long Giang) về việc điều chỉnh bổ sung mục tiêu thực hiện dự án đầu tư, tăng quy mô thực hiện dự án đầu tư, tăng vốn đầu tư thực hiện dự án từ 1 triệu USD lên 1,6 triệu USD, bổ sung tiến độ thực hiện dự án phần dự án mở rộng.

    Từ đầu năm đến nay, đã thu hút 7 dự án đầu tư, tăng 75% so cùng kỳ với tổng vốn đầu tư đăng ký dự án 72 triệu USD và 10 tỷ đồng, tăng 35,1% so cùng kỳ, đạt 70% kế hoạch năm 2018, diện tích cho thuê đất 24,2 ha; ngoài ra, Ban Quản lý các khu công nghiệp điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư 27 dự án, trong đó có 12 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng số vốn đầu tư tăng thêm là 99,8 triệu USD, tăng 120,8% so cùng kỳ. Đến cuối tháng 11/2018, tổng số dự án tại các khu công nghiệp là 98 dự án (trong đó có 71 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài) với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.815 triệu USD và 4.086 tỷ đồng, diện tích đất đã cho thuê 488,9/765,2 ha, đạt 63,9% diện tích đất của 4 khu công nghiệp đang hoạt động.

    Cụm công nghiệp: trên địa bàn tỉnh có 27 cụm công nghiệp được quy hoạch; trong đó có 4 cụm công nghiệp đang hoạt động. Trong tháng không thu hút dự án đầu tư mới. Tổng số dự án đầu tư tại các cụm công nghiệp hiện nay là 79 dự án (trong đó: có 7 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư 4.402 tỷ đồng, diện tích thuê đất là 78,6 ha, tỷ lệ lắp đầy đạt 96,9%.

    III. ĐẦU TƯ - XÂY DỰNG

    Tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện trong tháng 417,5 tỷ đồng, tăng 10,7% so cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay thực hiện 2.586,2 tỷ đồng, đạt 91,1% kế hoạch, tăng 14% so cùng kỳ. Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh thực hiện 2.068,2 tỷ đồng, đạt 89,3% kế hoạch, tăng 14,7% so cùng kỳ, chiếm 80% trong tổng số; trong đó: vốn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 391,3 tỷ đồng, tăng 33%, vốn xổ số kiến thiết thực hiện 958,7 tỷ đồng, tăng 16,3%... Để đạt kế hoạch năm 2018 các ngành các cấp cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư, tập trung đối với các dự án lớn, dự án trọng điểm nhằm có biện pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là việc đền bù giải phóng mặt bằng... bảo đảm dự án triển khai nhanh, đúng tiến độ, sớm đưa công trình vào sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư. Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp huyện thực hiện 320,6 tỷ đồng, đạt 105,1% kế hoạch, tăng 8,1% so cùng kỳ, chiếm 12,4% tổng số; trong đó: vốn tỉnh hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 91,1 tỷ đồng, giảm 12,2% so cùng kỳ...; các Ban quản lý dự án huyện tập trung điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình chuyển tiếp, đối với các công trình mới trong kế hoạch năm 2018 sớm hoàn chỉnh hồ sơ để thực hiện nhằm hạn chế tình trạng ứ động vốn phải chuyển sang năm sau. Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp xã thực hiện 197,4 tỷ đồng, đạt 91,4% kế hoạch, tăng 16,7% so cùng kỳ, chiếm 7,6% tổng số; trong đó: vốn huyện hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 157 tỷ đồng, tăng 21,9% so cùng kỳ... đối với các công trình do xã làm chủ đầu tư thực hiện chủ yếu từ nguồn vốn phân cấp để thực hiện các công trình giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng.

    IV. THƯƠNG MẠI - GIÁ CẢ - DỊCH VỤ

    1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội:

    Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trong tháng thực hiện 4.792,9 tỷ đồng, tăng 11,1% so cùng kỳ; trong đó: tổng mức bán lẻ hàng hóa 3.773,2 tỷ đồng, tăng 9,7% so cùng kỳ. 11 tháng năm 2018 thực hiện 51.616,3 tỷ đồng, đạt 87,5% kế hoạch, tăng 8,8% so cùng kỳ; chia ra: kinh tế nhà nước thực hiện 4.519,4 tỷ đồng, tăng 14,9%; kinh tế ngoài nhà nước 46.682,7 tỷ đồng, tăng 8%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 414,2 tỷ đồng, tăng 49,4% so cùng kỳ. Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp 40.837,6 tỷ đồng, tăng 7,8%; lưu trú 106,5 tỷ đồng, tăng 10,8%; ăn uống 5.385,6 tỷ đồng, tăng 14%; du lịch lữ hành 91,9 tỷ đồng, tăng 9,9%; dịch vụ 5.194,7 tỷ đồng, tăng 11,4% so cùng kỳ.

    Ngày 14/11/2018, trung tâm thương mại dịch vụ GO! Mỹ Tho đã chính thức khai trương và đi vào hoạt động tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Đây là mô hình bán lẻ chuyên nghiệp được Tập đoàn Central Group Việt Nam lần đầu tiên đưa vào hoạt động với ba tầng thương mại và bãi giữ xe hoàn toàn miễn phí với sức chứa hơn 1.500 xe máy và 150 xe ô tô, tổng diện tích mặt sàn lên đến 18.742 m2. Ước tính, trung tâm thương mại GO! Mỹ Tho có thể đón tiếp hơn 200.000 lượt khách tiêu dùng mỗi tháng trong bán kính 15km. Trung tâm này được kỳ vọng đáp ứng mọi nhu cầu từ cơ bản đến nâng cao; từ các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng tiêu dùng nhanh, cho đến quần áo phụ kiện thời trang, đồ điện máy gia dụng và dịch vụ ẩm thực, vui chơi giải trí mang tính sáng tạo… 

    Hoạt động thương mại và xúc tiến thương mại: Sở Công thương tỉnh đã tổ chức lớp tập huấn kiến thức về soạn thảo ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản tại xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy, có 63 đại biểu tham dự; tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm tại chợ cho các hộ sản xuất kinh doanh, Ban quản lý chợ, tổ quản lý chợ và doanh nghiệp khai thác quản lý chợ; thực hiện đánh giá mức độ đạt chỉ tiêu về an toàn thực phẩm trên địa bàn 12 xã của tỉnh.

    2. Xuất - Nhập khẩu:

    a. Xuất khẩu:

    Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng thực hiện 269,4 triệu USD, tăng 4% so tháng trước; 11 tháng xuất khẩu 2.386 triệu USD, đạt 90% kế hoạch, tăng 5,5% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế nhà nước 91,1 triệu USD, tăng 27,8%; kinh tế ngoài nhà nước 600,6 triệu USD, giảm 6,5%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 1.694,3 triệu USD, tăng 9,5%. Trị giá hàng hóa xuất khẩu phân theo ngành sản xuất chính bao gồm 2 ngành: công nghiệp chế biến chế tạo và thương nghiệp. 11 tháng năm 2018, ngành công nghiệp chế biến chế tạo xuất 2.256,1 triệu USD, tăng 5,8% so cùng kỳ, trong đó: sản xuất chế biến thực phẩm đạt 324 triệu USD, giảm 19,1%, sản xuất trang phục đạt 486,5 triệu USD, tăng 11,2%, sản xuất da và sản phẩm có liên quan đạt 731,1 triệu USD, giảm 11,3%, sản xuất kim loại đạt 429,3 triệu USD, tăng 23%; ngành thương nghiệp đạt 129,9 triệu USD, giảm 0,1% so cùng kỳ.

    Tình hình xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh như sau:

    - Thủy sản: ước tính tháng 11 xuất 10.089 tấn, tăng 4% so tháng trước; 11 tháng xuất 102.683 tấn, giảm 19,9% so cùng kỳ, về trị giá đạt 281,8 triệu USD, giảm 22% so cùng kỳ. Tính đến cuối tháng 10, giá cá tra nguyên liệu dao động ở mức từ 35.000 - 36.000 đồng/kg. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra thiếu nguyên liệu trầm trọng cho chế biến, trễ đơn hàng hoặc buộc phải hủy nhiều đơn hàng, giá cá nguyên liệu tăng nhanh đẩy giá xuất khẩu tăng theo. Tuy nhiên, một số thị trường (trong đó có thị trường Mỹ) yếu tố giá tăng cũng đang là một bất lợi khi một số doanh nghiệp e dè nhập hàng.

    - Gạo: ước tính tháng 11 xuất 7.308 tấn, giảm 60,9% so tháng trước; 11 tháng xuất 245.058 tấn, giảm 22,9% so cùng kỳ, về trị giá đạt 129,9 triệu USD, giảm 0,1% so cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu gạo nếp vào Trung Quốc bị áp thuế đến 50% dẫn đến khó khăn trong việc tiếp cận thị trường, tuy nhiên vẫn là thị trường chính của Việt Nam về xuất khẩu gạo, trong 11 tháng 2018, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đạt 179.012,5 tấn chiếm 73% sản lượng gạo xuất của tỉnh, về trị giá tương đương 94,2 triệu USD, chiếm 72,5%; xuất sang Indonesia trong những tháng cuối năm 2018 cũng được dự báo chững lại khi Chính phủ Indonesia vừa hủy quyết định nhập 600.000 tấn gạo khi Bộ Nông nghiệp nước này dự báo sản lượng gạo năm nay đạt 83 triệu tấn, tăng 2 triệu tấn so với năm trước; thị trường Philippines chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm gạo phẩm cấp thấp.

    - May mặc: ước tính tháng 11 xuất 8.773 ngàn sản phẩm, tăng 5% so tháng trước; 11 tháng xuất 73.486 ngàn sản phẩm, tăng 0,6% so cùng kỳ, về giá trị đạt 484,7 triệu USD, tăng 10,4% so cùng kỳ. Trị giá xuất khẩu hàng may mặc chiếm 20,3% giá trị xuất khẩu của tỉnh, theo quy luật cho thấy lượng đơn hàng thường rơi vào các tháng cuối năm sẽ tăng thêm giá trị cho ngành may mặc. Hiện nay, hàng may mặc tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thuận lợi của các doanh nghiệp này có sự hỗ trợ từ các công ty mẹ, cộng với áp lực cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ từ các nước trong khu vực như Trung Quốc, Myanmar, Campuchia... vì trên thực tế, các nước này không chỉ đột phá về thị phần xuất khẩu mà ngay tại thị trường trong nước, các chính sách về bảo hiểm, đất đai, thuế... đều thấp hơn so với Việt Nam.

    b. Nhập khẩu:

    Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng đạt 111,1 triệu USD, tăng 9% so tháng trước; 11 tháng năm 2018, kim ngạch nhập khẩu đạt 1.269,8 triệu USD, đạt 110,4% kế hoạch, tăng 28,4% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế ngoài nhà nước nhập 127,5 triệu USD, giảm 9,2%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhập 1.142,3 triệu USD, tăng 34,6% so cùng kỳ. Trị giá nhập khẩu phân theo ngành sản xuất kinh doanh chính gồm 2 ngành: công nghiệp chế biến chế tạo và thương nghiệp bán buôn bán lẻ. Cộng dồn 11 tháng, ngành công nghiệp chế biến chế tạo nhập 1.264,6 triệu USD, tăng 28,7% so cùng kỳ; trong đó: nhập khẩu cho sản xuất chế biến thực phẩm 88,5 triệu USD, giảm 9,5%, may mặc 311,7 triệu USD, tăng 37,1%, sản xuất da và các sản phẩm liên quan 317,7 triệu USD, tăng 34,6%, sản xuất kim loại 406,2 triệu USD, tăng 35,4% so cùng kỳ. Nhập khẩu hàng hóa đạt 5,2 triệu USD, giảm 20,7% so cùng kỳ.

    3. Chỉ số giá:

    Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2018 tăng 0,17% so tháng 10/2018 (thành thị tăng 0,26%, nông thôn tăng 0,14%), so cùng kỳ năm trước tăng 4,32%, so tháng 12 năm 2017 tăng 3,35%.

    Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 6 nhóm hàng tăng so tháng trước, trong đó: tăng cao nhất là nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,51%; kế đến là nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,14%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,1%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,06%... Có 3 nhóm hàng có chỉ số giảm: nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,72%; nhóm giao thông giảm 2,16% và nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,03%. Tháng này, có 2 nhóm hàng có chỉ số giá ổn định đó là nhóm hàng thuốc, dịch vụ y tế và nhóm giáo dục.

    Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng so tháng trước chủ yếu do:

    - Giá nhóm rau tươi và chế biến tăng 0,93%, giá rau tăng do mưa nhiều bị ngập úng, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng thu hoạch; mặt khác trùng vào tháng 10 âm lịch rằm lớn trong năm, người dân ăn chay, sức mua tăng, tác động giá tăng; giá quả tươi và chế biến tăng 2,69%, trong đó mặt hàng thanh long giá tăng mạnh, tăng từ 30 - 40% so tháng trước, nguyên nhân là do hết mùa vụ ra trái tự nhiên, sản lượng thu hoạch giảm.

    - Nhu cầu về dịch vụ sửa chữa nhà ở và nhà ở thuê từ nay đến Tết nguyên đán tăng, dẫn đến dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 1,05%, giá nhà ở thuê tăng 0,04%. Cùng với đó, giá nước sinh hoạt bình quân trong tháng 11 tăng 0,32%.

    - Giá vật dụng tang lễ, thờ cúng như nhang, đèn tăng 0,88% do sức mua rằm tháng 10 âm lịch tăng.

    Bên cạnh đó, có một số nhóm hàng chỉ số giá giảm nhưng tỷ trọng quyền số nhỏ nên tác động chưa đủ lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung như:

    - Giá thịt lợn giảm 0,2%, do trùng vào tháng ăn chay, sức mua giảm dẫn đến giá giảm. Cùng với đó, nhóm thịt gia cầm tươi sống giảm 1,7%, trong đó: giá thịt gà giảm 0,1%, thịt gia cầm khác giảm 3,91%, trứng gia cầm các loại giảm 1,5%, cá tươi giảm 0,64%.

    - Trong tháng, giá xăng dầu điều chỉnh giảm 2 lần vào ngày 6/11 và ngày 21/11/2018, dẫn đến giá xăng A95 giảm thêm 2.230 đồng/lít, xăng E5 sinh học giảm 2.060 đồng/lít và giá dầu Diezen 0,05S giảm 980 đồng/lít so tháng trước, tác động chỉ số giá nhóm nhiên liệu giảm 4,01%, đóng góp giảm 0,13% vào mức giảm chung của chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2018.

     - Giá điện sinh hoạt giảm 0,41% vì còn trong mùa mưa nhu cầu sử dụng điện giảm, dẫn đến giá điện sinh hoạt bình quân trong tháng giảm; từ ngày 01/11/2018 giá gas trong nước điều chỉnh giảm 40.000 đồng/bình 12kg tương ứng giảm 11,68%, do giá gas thế giới giảm 122,5 USD/tấn so tháng 10/2018, mức gas thế giới dao dịch tháng 11/2018 được duy trì mức 540 USD/tấn.

    Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng năm 2018 so cùng kỳ tăng 4,36%; một số nhóm hàng có giá tăng nhiều trong 11 tháng năm 2018 so cùng kỳ như: nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 25,67% do tăng phí khám chữa bệnh, nhóm giao thông tăng 8,3% do giá xăng liên tục điều chỉnh tăng làm cho giá dịch vụ tăng nhưng khi giá xăng điều chỉnh giảm thì giá dịch vụ không giảm, nhóm giáo dục tăng 6,02% do tăng học phí, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,74%, nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3%...

    Chỉ số giá vàng 24 kara Ngọc Thẩm trong tháng 11 tăng 1,63% so tháng trước, giảm 1,67% so cùng kỳ, giảm 1,33% so tháng 12 năm 2017; chỉ số giá vàng bình quân 11 tháng năm 2018 tăng 3,18% so cùng kỳ. Giá bình quân tháng 11/2018 là 3.500 ngàn đồng/chỉ, giảm 37 ngàn đồng/chỉ so cùng kỳ.

    Chỉ số giá đô la Mỹ trong tháng giảm 0,05% so tháng trước, tăng 2,74% so cùng kỳ, tăng 2,73% so tháng 12 năm 2017; chỉ số giá đô la Mỹ bình quân 11 tháng năm 2018 tăng 1,14% so cùng kỳ. Giá bình quân 23.370 đồng/USD, tăng 621 đồng/USD so cùng kỳ.

    4. Du lịch:

    Khách du lịch đến trong tháng 11 được 162 ngàn lượt khách, tăng 1,3% so tháng trước và tăng 12,3% so cùng kỳ; trong đó: khách du lịch quốc tế 51 ngàn lượt khách, tăng 0,6% so tháng trước và tăng 11,6% so cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch trong tháng 11 đạt 509,8 tỷ đồng, tăng 0,1% so tháng trước và tăng 14,2% so cùng kỳ.

    Tính chung 11 tháng đầu năm, lượt khách du lịch đến Tiền Giang là 1.745,1 ngàn lượt khách, đạt 88,4% kế hoạch, tăng 13,6 so cùng kỳ; trong đó: khách quốc tế 577 ngàn lượt khách, đạt 73,8% kế hoạch, tăng 11,6% so cùng kỳ. Tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch đạt 5.584 tỷ đồng, tăng 13,9% so cùng kỳ, trong đó: kinh tế nhà nước tăng 11,9%, kinh tế cá thể tăng 14% và kinh tế tư nhân tăng 12,6%. Phân theo nhóm ngành hàng: doanh thu hoạt động ăn uống chiếm tỉ trọng 96,4%, ước đạt 5.385,6 tỷ đồng, tăng 14%, hoạt động lưu trú đạt 106,5 tỷ đồng, tăng 10,8% và hoạt động lữ hành đạt 91,9 tỷ đồng, tăng 9,1% so cùng kỳ.

    5. Vận tải:

    Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải trong tháng thực hiện 203,8 tỷ đồng, tăng 1,3% so tháng trước. Mười một tháng thực hiện 2.111,3 tỷ đồng, tăng 10,2% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu vận tải hành khách thực hiện 631 tỷ đồng, tăng 6%; doanh thu vận tải hàng hóa thực hiện 1.304,9 tỷ đồng, tăng 8,8%. Doanh thu vận tải đường bộ thực hiện 1.170,3 tỷ đồng, tăng 7,6%; doanh thu vận tải đường thủy thực hiện 765,6 tỷ đồng, tăng 8,4%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải 175,4 tỷ đồng, tăng 44,2% so cùng kỳ.

    Vận chuyển hành khách trong tháng đạt 2.539 ngàn hành khách, tăng 1,9% so tháng trước; luân chuyển 98.474 ngàn hành khách.km, tăng 1,6% so tháng trước. Mười một tháng, vận chuyển 27.873 ngàn hành khách, tăng 2,3% so cùng kỳ; luân chuyển 1.100.509 ngàn hành khách.km, tăng 12,3 so cùng kỳ. Trong đó: vận chuyển đường bộ 18.075 ngàn hành khách, giảm 0,9% và luân chuyển 1.082.783 ngàn hành khách.km, tăng 12,2% so cùng kỳ; vận chuyển đường thủy 9.798 ngàn hành khách, tăng 8,8% và luân chuyển 17.726 ngàn hành khách.km, tăng 16,4% so cùng kỳ.

    Vận tải hàng hóa trong tháng đạt 1.300 ngàn tấn, tăng 0,9% so tháng trước; luân chuyển 147.799 ngàn tấn.km, tăng 1,3% so tháng trước. Mười một tháng, vận tải 14.784 ngàn tấn hàng hóa, tăng 5,9% so cùng kỳ; luân chuyển 1.566.075 ngàn tấn.km, tăng 11,9% so cùng kỳ. Trong đó: vận tải đường bộ 4.547 ngàn tấn, tăng 7% và luân chuyển 379.749 ngàn tấn.km, tăng 3,8% so cùng kỳ; vận tải đường thủy 10.237 ngàn tấn, tăng 5,4% và luân chuyển 1.186.326 ngàn tấn.km, tăng 14,8% so cùng kỳ.

    6. Bưu chính viễn thông:

    Doanh thu trong tháng đạt 219,8 tỷ đồng, tăng 1,4% so tháng trước. Mười một tháng doanh thu dịch vụ bưu chính, viễn thông đạt 2.240,2 tỷ đồng, tăng 7,8% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu bưu chính đạt 104,4 tỷ đồng, tăng 12,5% và viễn thông 2.135,8 tỷ đồng, tăng 7,6% so cùng kỳ.

    Thuê bao điện thoại phát triển mới trong tháng 875 thuê bao; trong đó: thuê bao cố định giảm 2.995 thuê bao, di động trả sau tăng 3.870 thuê bao. Tổng số thuê bao điện thoại có trên mạng đến cuối tháng 11 là 114.436 thuê bao, mật độ bình quân đạt 6,5 thuê bao/100 dân (chỉ tính thuê bao cố định và di động trả sau). Thuê bao internet trong tháng phát triển mới 3.995 thuê bao, thuê bao internet có trên mạng cuối tháng 11 là 190.729 thuê bao, mật độ internet bình quân đạt 10,9 thuê bao/100 dân.

    V. TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG

    1. Tài chính:

    Tổng thu ngân sách nhà nước trong tháng thực hiện 1.028 tỷ đồng; trong đó: thu ngân sách trên địa bàn 880 tỷ đồng, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 350 tỷ đồng. Mười một tháng thu 12.084,2 tỷ đồng, đạt 108,3% kế hoạch, tăng 4,7% so cùng kỳ; trong đó: thu ngân sách trên địa bàn thực hiện 8.033,7 tỷ đồng, đạt 100,7% dự toán và tăng 18,5% so cùng kỳ; thu nội địa 7.724,7 tỷ đồng, đạt 101,5% dự toán, tăng 17,8% so cùng kỳ (trong thu ngân sách trên địa bàn: thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 2.659,9 tỷ đồng, đạt 115,2% dự toán, tăng 32,6% so cùng kỳ; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 929,5 tỷ đồng, đạt 71% dự toán, tăng 5,6% so cùng kỳ, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết 1.602,6 tỷ đồng, đạt 111,3% dự toán, tăng 14,1% so cùng kỳ...).

    Tổng chi ngân sách nhà nước trong tháng 1.305 tỷ đồng; trong đó: chi đầu tư phát triển 500 tỷ đồng. Mười một tháng chi 8.953,8 tỷ đồng, đạt 87,8% dự toán, tăng 10,2% so cùng kỳ; trong đó: chi đầu tư phát triển 2.943,5 tỷ đồng, đạt 87% dự toán, tăng 26,4% so cùng kỳ; chi hành chính sự nghiệp 5.455,2 tỷ đồng, đạt 92,6% dự toán và tăng 18,3% so cùng kỳ.

    2. Ngân hàng:

    Đến 08/11/2018, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 59.544 tỷ đồng, tăng 7 tỷ đồng so cuối tháng 10/2018, tỷ lệ tăng 0,01%. Ước đến cuối tháng 11/2018, nguồn vốn huy động của các ngân hàng sẽ tiếp tục tăng nhưng mức tăng thấp và tăng chủ yếu ở nguồn tiền gửi tiết kiệm của dân cư, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 60.133 tỷ đồng, tăng 595 tỷ đồng so cuối tháng 10/2018, tỷ lệ tăng 1%; so cùng kỳ tăng 4.175 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 7,5%...

    Đến 08/11/2018, tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh đạt 47.660 tỷ đồng, tăng 2 tỷ đồng so với cuối tháng 10/2018. Dự kiến thời gian tới nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh sẽ tiếp tục tăng, ước đến cuối tháng 11/2018, tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh đạt 47.943 tỷ đồng, tăng 285 tỷ đồng so với cuối tháng 10/2018, tỷ lệ tăng 0,6%, so cùng kỳ tăng 6.524 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 15,8%.

    Đến 08/11/2018, nợ xấu chiếm tỷ lệ 0,56% trên tổng dư nợ cho vay, với số dư 268 tỷ đồng, tăng 2,5 tỷ đồng so với cuối tháng 10/2018.

     VI. KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

    Trong tháng, Sở Khoa học và Công nghệ đã kiểm tra tiến độ, nghiệm thu giai đoạn 3 nhiệm vụ khoa học và công nghệ (1 cấp tỉnh, 2 cấp cơ sở); hội đồng tư vấn tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã đánh giá hồ sơ tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện 4 nhiệm vụ khoa học và công nghệ (2 cấp tỉnh và 2 cấp cơ sở). Đến tháng 11/2018, đã thực hiện kiểm tra tiến độ, nghiệm thu giai đoạn 12 nhiệm vụ khoa học và công nghệ (8 cấp tỉnh và 4 cấp cơ sở); nghiệm thu kết thúc 9 nhiệm vụ khoa học và công nghệ (5 cấp tỉnh và 4 cấp cơ sở); tư vấn tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện 24 nhiệm vụ khoa học và công nghệ (12 cấp tỉnh và 12 cấp cơ sở).

    VII. CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI

    1. Lao động việc làm:

    Trong tháng đã giới thiệu việc làm cho 257 lượt lao động (nữ là 140 lượt lao động, chiếm 54,5%), có 229 lao động có được việc làm ổn định, có 17 lao động xuất cảnh chính thức, có 1.040 người đăng ký thất nghiệp và đã ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 1.123 người với tổng số tiền chi trả tương đương 14.056 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay giới thiệu việc làm cho 3.186 lượt lao động (nữ là 1.715 lao động, chiếm 53,8%), có 1.752 lao động có được việc làm ổn định, có 182 lao động xuất cảnh (trong đó xuất cảnh sang Nhật Bản: 154 lao động, Đài Loan: 22 lao động, Hàn Quốc: 5 lao động và thị trường khác: 01 lao động), có 13.781 người đăng ký thất nghiệp và đã ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 13.753 người với tổng số tiền chi trả tương đương 39.780 triệu đồng.

    2. Chính sách xã hội:

    Trong tháng vận động quỹ “đền ơn đáp nghĩa” được 925 triệu đồng, xây dựng 50 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 2 tỷ đồng, sửa chữa 7 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 140 triệu đồng từ nguồn vận động. Mười một tháng vận động quỹ đền ơn đáp nghĩa trên 11,9 tỷ đồng, đạt 119,3% kế hoạch năm, xây dựng 187 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 7.480 triệu đồng, đạt 143,8% kế hoạch năm, sửa chữa 87 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí trên 1,740 triệu đồng, đạt 248,6% kế hoạch năm từ nguồn vận động.

    Công tác giảm nghèo: Hướng dẫn các đơn vị thực hiện các dự án thành phần của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tổ chức điều tra, rà soát và báo cáo kết quả hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2018.

    Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em: Quỹ Bảo trợ trẻ em vận động trên 108 triệu đồng, trong đó tổng số tiền mặt là 94 triệu đồng, và hàng hóa trên 14 triệu đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay Quỹ Bảo trợ trẻ em đã vận động trên 2,3 tỷ đồng, trong đó có trên 1,6 tỷ đồng tiền mặt và trên 781 triệu đồng là hàng hóa. Hỗ trợ cho khoảng 40 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn thông qua các hoạt động trao học bổng, trao “Mái ấm khuyến học”…

    Tệ nạn xã hội: Tính đến tháng 11, toàn tỉnh có 210 người tham gia điều trị bằng Methadone. Cơ sở cai nghiện ma túy đang quản lý 649 học viên trong đó 625 học viên cai nghiện bắt buộc, 8 học viên cai nghiện tự nguyện, 15 học viên lưu trú ở khu xã hội.

    3. Hoạt động y tế:

    Trong tháng đã khám chữa bệnh cho 493.487 lượt người, giảm 3,6% so cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay đã khám bệnh cho 5.238.675 lượt người, giảm 0,4% so cùng kỳ, trong đó: điều trị nội trú là 216.744 lượt người, giảm 3,4%. Tình trạng quá tải cục bộ vẫn xảy ra tại một số đơn vị khám, chữa bệnh tuyến tỉnh và đơn vị chuyên khoa. Công suất sử dụng giường bệnh bình quân của các cơ sở điều trị trong tháng đạt 108,5%; trong đó: các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đạt 133%, bệnh viện chuyên khoa đạt 94,1%, bệnh viện tuyến huyện đạt 65,4%...

    Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được ngành y tế quan tâm thực hiện, trong tháng tổng số lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được kiểm tra là 1.043 lượt, có 95,4% cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, trong tháng xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm với 16 người mắc tại công ty trách nhiệm hữu hạn NISSEI ELECTRIC MYTHO (Tân Phước), không có trường hợp tử vong.

    Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức phòng, ngừa dịch bệnh. Chủ động, giám sát phát hiện và xử lý có hiệu quả các bệnh truyền nhiễm không để lây lan và bùng phát thành dịch; một số bệnh phát sinh trong kỳ, cụ thể:

    + Sốt xuất huyết: mắc 374 cas, so với tháng trước số ca mắc tăng 41,1%, so với cộng dồn cùng kỳ số ca mắc giảm 38,8%, có 1 trường hợp tử vong.

    + Tiêu chảy: 448 cas, tăng 32 cas so với tháng trước (tăng tương đương 7,6 %); tổng số cộng dồn là 4.740 cas, tăng 24.3% so với cùng kỳ.

    + Viêm gan virus (B): 04 cas, giảm 02 cas so với tháng trước; tổng số cộng dồn là 75 cas, giảm 74,8% so với cùng kỳ.

    + Thủy đậu: 40 cas, tăng 27 cas so với tháng trước (tăng tương đương 207,6 cas); tổng số cộng dồn là 352 cas, giảm 19,5% so với cùng kỳ.

    + Quai bị: 09 cas, tương đương so với tháng trước; tổng số cộng dồn là 490 cas, giảm 6,7% so với cùng kỳ.

    + Tay – Chân – Miệng: 1.069 cas, tăng 350 cas so với tháng trước (tăng tương đương 48,67%); tổng số cộng dồn là 2.547 cas, giảm 4,7% so với cùng kỳ, có 1 trường hợp tử vong.

    Tính đến thời điểm báo cáo toàn tỉnh có 5.093 người nhiễm HIV, 1.746 người chuyển sang AIDS, tử vong do AIDS là 942 người...

    So với tháng trước 4 bệnh có số ca mắc tăng cao gồm sốt xuất huyết, thủy đậu, tiêu chảy và tay chân miệng. Trong tháng, toàn tỉnh ghi nhận 2 ca tử vong do sốt xuất huyết và tay – chân - miệng. Để chủ động ngăn chặn, không để dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng cũng như các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác bùng phát, lan rộng và kéo dài.

    4. Hoạt động giáo dục:

    Giáo dục mầm non: Công nhận 8 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, gồm: trường mầm non Ấp Bắc (Thị xã Cai Lậy), trường mầm non Long Tiên (huyện Cai Lậy), trường mầm non Thạnh Tân (huyện Tân Phước), trường mầm non Lương Hòa Lạc (huyện Chợ Gạo), trường mầm non Thạnh Trị (huyện Gò Công Tây), trường mầm non Phường 4 (Thị xã Gò Công) và trường mầm non Tân Tây (huyện Gò Công Đông).

    Giáo dục phổ thông:

    - Bậc Tiểu học: Công nhận Trường Tiểu học Tân Lý Tây (huyện Châu Thành), Tân Thành 1, Tân Thành 2 (huyện Gò Công Đông), Nguyễn Chí Liêm (huyện Cai Lậy), Trung An (Thành phố Mỹ Tho) đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và kiểm tra, thẩm định tái công nhận Trường Tiểu học Phú Mỹ (huyện Tân Phước) tiếp tục đạt chuẩn quốc gia sau 5 năm.

    - Bậc Trung học: Tổ chức ra đề thi và tổ chức thi chương trình “Đường đến vinh quang” tháng thứ nhất, năm thứ 10 năm học 2018-2019; Tổ chức tập huấn về dạy học tích cực và kỷ luật tích cực; giáo dục kỹ năng sống, giáo dục môi trường và các vấn đề xã hội cho cấp Trung học phổ thông; Tập huấn máy tính cầm tay bộ môn Toán, Lý, Hoá, Sinh ngày 06, 07 và  08/11/2018; Tập huấn Bơi lội cứu đuối cho cán bộ, giáo viên các trường trong tỉnh năm 2018.

    5. Hoạt động văn hóa - thể thao:

    Trong tháng đã tập trung tổ chức các hoạt động trọng tâm như: tổ chức thành công liên hoan “Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững”, Đội phòng chống bạo lực gia đình tỉnh Tiền Giang năm 2018; Tổ chức tổng kết công tác kiểm tra liên ngành 02 năm 2017-2018, kiện toàn nhân sự Đội kiểm tra liên ngành văn hóa, thể thao, du lịch, an ninh trật tự cấp tỉnh; xây dựng kế hoạch tiếp tục ra quân xử lý quảng cáo rác và vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, trung tâm Văn hóa tỉnh và Sở văn hóa - thể thao phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức Liên hoan "Hát Dân ca - Vọng cổ" dành cho cán bộ, hội viên, phụ nữ tỉnh năm 2018. Có 11 đơn vị huyện, thành, thị tham dự liên hoan, biểu diễn gần 50 tiết mục dân ca, vọng cổ với nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương, đất nước, truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Kết quả, Ban Tổ chức đã trao 29 giải thưởng chương trình và tiết mục. Đơn vị huyện Tân Phước đạt giải Nhất chương trình; thị xã Gò Công và thành phố Mỹ Tho đạt giải Nhì; thị xã Cai Lậy và huyện Cai Lậy đồng giải Ba.

    Hoạt động thư viện phục vụ hơn 8.531 lượt bạn đọc, với 20.355 lượt sách báo lưu hành; tiếp nhận 336 bản sách các loại và luân chuyển được 1.800 bản sách cho các Thư viện và phòng đọc sơ sở. Tổ chức ngày hội đọc sách lần thứ 3 năm 2018 tại trường Tiểu học Hưng Thạnh, huyện Tân Phước vào ngày 22/10/2018 với trên 519 học sinh tham dự và trên 55 phần quà trao tặng cho các em.

    6. Tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội: (Theo báo cáo của Ngành công an).

    Tình hình an ninh được đảm bảo. Trong tháng xảy ra 1 vụ đình công, có 3.400 công nhân Công ty TNHH Count ViNa và Công ty TNHH Hansae - Khu Công nghiệp Tân Hương, huyện Châu Thành tham gia, nguyên nhân do công ty thông báo không thưởng tiền khuyến khích quý III/2018, chất lượng bữa ăn; có 9 lần, 67 lượt người tập trung đi khiếu kiện ở các cấp, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự.

    Tội phạm về trật tự xã hội xảy ra 50 vụ, giảm 7,4% so với tháng trước, làm bị thương 9 người, tài sản thiệt hại trị giá khoảng 1,2 tỷ đồng. Trọng án không xảy ra; thường án xảy ra chủ yếu là tội phạm xâm phạm sở hữu (44 vụ, gồm: cướp tài sản 6 vụ, cướp giật tài sản 3 vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản 1 vụ, hủy hoại tài sản 2 vụ, trộm cắp tài sản 32 vụ) và 6 vụ cố ý gây thương tích. Điều tra khám phá ban đầu đạt 66% (33 vụ), bắt xử lý 26 đối tượng, thu hồi tài sản thiệt hại trị giá khoảng 578 triệu đồng.

    Tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy, kinh tế, môi trường: phát hiện, xử lý 23 vụ, 237 đối tượng cờ bạc; 8 vụ với 8 đối tượng tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy và xử lý hành chính 136 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy; củng cố hồ sơ xử lý 9 vụ, 13 đối tượng vi phạm pháp luật trên lĩnh vực kinh tế và 24 trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, vệ sinh an toàn thực phẩm.

    7. Trật tự an toàn giao thông: (Theo báo cáo của Ngành công an).

    Giao thông đường bộ: tai nạn xảy ra 26 vụ, làm chết 17 người, bị thương 13 người; so tháng trước tai nạn giảm 1 vụ, số người chết tương đương, số người bị thương giảm 5 người; so cùng kỳ tai nạn giảm 8 vụ, số người chết giảm 10 người, số người bị thương giảm 3 người. Tổng số vụ từ đầu năm đến nay xảy ra 288 vụ, làm chết 191 người, bị thương 176 người; so cùng kỳ tai nạn giảm 42 vụ, số người chết giảm 32 người, số người bị thương giảm 24 người. Vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong tháng xảy ra 7.479 vụ, giảm 700 vụ so tháng trước và giảm 1.715 vụ so cùng kỳ, đã xử lý tạm giữ giấy tờ và phương tiện 4.304 vụ, tước giấy phép lái xe 169 vụ, phạt tiền 3.175 vụ với số tiền phạt 2.493 triệu đồng. Tổng số vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ từ đầu năm đến nay xảy ra 92.187 vụ, tăng 8.505 vụ so cùng kỳ, đã xử lý tạm giữ giấy tờ và phương tiện 54.058 vụ, tước giấy phép lái xe 3.349 vụ, phạt tiền 36.356 vụ với số tiền phạt 35.781 triệu đồng.

    Giao thông đường thủy: trong tháng xảy ra 1 vụ tai nạn. Từ đầu năm đến nay xảy ra 7 vụ, tương đương so cùng kỳ, làm chết 1 người, tương đương so cùng kỳ. Vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy trong tháng xảy ra 2.545 vụ, tăng 511 vụ so tháng trước và tăng 720 vụ so cùng kỳ, đã xử lý lập biên bản tạm giữ giấy tờ 610 vụ và phạt tiền tại chỗ 1.935 vụ với số tiền phạt 194 triệu đồng. Tính từ đầu năm đến nay tổng số vụ vi phạm an toàn giao thông đường thủy là 23.506 vụ, tăng 3.522 vụ so cùng kỳ, đã xử lý lập biên bản tạm giữ giấy tờ 5.149 vụ và phạt tiền 20.575 vụ với số tiền phạt 3.536 triệu đồng.  

    Tình hình trật tự an toàn giao thông của tỉnh trong tháng nhìn chung đảm bảo, ùn tắc giao thông không xảy ra. Về tai nạn giao thông đường bộ so tháng trước giảm cả 02 mặt: số vụ (26/27) và số người bị thương (13/18). Riêng lĩnh vực giao thông đường thủy đảm bảo phương tiện lưu thông an toàn thông suốt, trong tháng xảy ra 01 vụ tai nạn, ước thiệt hại trị giá khoảng 18 triệu đồng.

    8. Tình hình cháy nổ, môi trường:

    Trong tháng trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ cháy tại huyện Cái Bè và huyện Chợ Gạo, nguyên nhân do chập điện gây ra cháy, tài sản thiệt hại ước tính khoảng 17 triệu đồng; từ đầu năm đến nay xảy ra 32 vụ cháy, tổng tài sản thiệt hại ước tính 235.092 triệu đồng. Vi phạm môi trường xử lý 10 vụ, tổng số tiền nộp vào ngân sách nhà nước là 161 triệu đồng; từ đầu năm đến nay phát hiện 54 vụ vi phạm, đã xử lý 44 vụ với tổng số tiền xử phạt trên 1.081 triệu đồng.

Sl ước tháng 11 -2018

Các tin cùng chuyên mục:
Hiển thị kết quả 1-10 (của 17)
Trang:1 - 2Trang đầu « Lùi · Tới » Trang cuối

Một số chỉ tiêu chủ yếu tháng 02 năm 2024 (tăng/giảm) so với cùng kỳ năm 2023 của tỉnh Tiền Giang (%)

Chỉ số sản xuất công nghiệp(*)

-18,0

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

+8,9

Khách quốc tế đến Tiền Giang

+25,9

Thực hiện vốn đầu tư ngân sách nhà nước

-12,3

Chỉ số giá tiêu dùng (*)

+1,05

(*): so với tháng trước.

1. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024 (xem chi tiết):

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (theo giá so sánh 2010) tăng từ 7,0 – 7,5% so với năm 2023;

- Cơ cấu kinh tế: khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 35,1%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 29,6%, khu vực dịch vụ (bao gồm thuế sản phẩm) chiếm 35,3%.

- GRDP bình quân đầu người đạt 75,8 - 76,2 triệu đồng/người/năm;

- Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 5 tỷ USD;

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 50.400 – 50.650 tỷ đồng;

- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 8.801 tỷ đồng;

- Tổng chi ngân sách địa phương 14.456 tỷ đồng;

- Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 890 doanh nghiệp.

Tìm kiếm thông tin
Thông tin người dùng
User Online: 19
Truy cập: 2.004.199
Truy cập tháng: 77.421
User IP: 3.140.185.123

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH TIỀN GIANG
21 đường 30/4, phường 1, Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang
ĐT: 0273. 3872582 - Fax: 0273. 3886 952 - Email:tiengiang@gso.gov.vn