Số 21 đường 30/4 - phường 1 - TP Mỹ Tho - tỉnh Tiền Giang               Hotline: 0273 3872 582               Email: tiengiang@gso.gov.vn

"CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG CỤC THỐNG KÊ TỈNH TIỀN GIANG SỐNG VÀ LÀM VIỆC THEO HIẾN PHÁP VÀ PHÁP LUẬT"

 

 

Tổng Cục Thống kê

Cổng Thông tin điện tử

tỉnh Tiền Giang

                                                                                     - Hướng dẫn Đăng ký tài khoản (Xem Clip)

                                                                                     - Hướng dẫn tra cứu thông tin (Xem Clip)

                                                                                  - Hướng dẫn đăng ký hộ kinh doanh (Xem Clip)

                                                                                     - Hướng dẫn đăng ký khai sinh (Xem Clip)

Thăm Dò Ý Kiến
Thông tin bạn quan tâm nhất trên trang web này





Năm 2019
Tình hình kinh tế - xã hội Quý I - 2019
Thứ sáu, Ngày 29 Tháng 3 Năm 2019

    I. KINH TẾ

    1. Tăng trưởng kinh tế:

    Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) quý I năm 2019 ước đạt 15.196 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 6,8% so với quý I năm 2018, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,1%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,1% và khu vực dịch vụ tăng 6,6% (bao gồm thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm); nếu tách riêng thuế sản phẩm thì khu vực dịch vụ tăng 6,4% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,8% so cùng kỳ. Trong 6,8% tăng trưởng thì khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 17,2%, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 50,3%, khu vực dịch vụ đóng góp 27% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm là 5,5%. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) quý I/2019 theo giá hiện hành đạt 21.985 tỷ đồng. 

    - Cơ cấu kinh tế: chuyển dịch theo đúng định hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và giảm tỷ trọng nông nghiệp. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 37,2% (cùng kỳ 37,4%); khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 29,2% (cùng kỳ 27,9%); khu vực dịch vụ chiếm 28,8% (cùng kỳ 29,9); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,8%, tương đương so cùng kỳ.

    2. Tài chính - Ngân hàng:

    a. Tài chính: Tổng thu ngân sách nhà nước quý I được 3.447 tỷ đồng, đạt 27,3% kế hoạch, tăng 14,5% so cùng kỳ; trong đó: thu ngân sách trên địa bàn thực hiện 2.865 tỷ đồng, đạt 30,8% dự toán và tăng 17,5% so cùng kỳ; thu nội địa 2.786 tỷ đồng, đạt 31,2% dự toán, tăng 20,1% so cùng kỳ (trong thu ngân sách trên địa bàn: thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 996 tỷ đồng, đạt 36,7% dự toán, tăng 73,3% so cùng kỳ; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 395 tỷ đồng, đạt 30,6% dự toán, tăng 20,7% so cùng kỳ, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết 600 tỷ đồng, đạt 36,4% dự toán, giảm 14,3% so cùng kỳ...); Tổng chi ngân sách nhà nước quý I là 2.032 tỷ đồng, đạt 17,9% dự toán, giảm 1,2% so cùng kỳ; trong đó: chi đầu tư phát triển 400 tỷ đồng, đạt 10,4% dự toán, giảm 36,7% so cùng kỳ; chi hành chính sự nghiệp 1.525 tỷ đồng, đạt 24,4% dự toán và tăng 30% so cùng kỳ.

    b. Ngân hàng: Quý I/2019, các thành phần kinh tế có lợi nhuận từ kinh doanh trong dịp Tết gửi tiền vào Ngân hàng nên nguồn vốn huy động của các Ngân hàng tăng so cuối năm 2018; trong đó: tăng chủ yếu là nguồn tiền gửi tiết kiệm của các thành phần kinh tế, tiền gửi thanh toán và tiền gửi từ phát hành kỳ phiếu, riêng trái phiếu có giảm nhưng không đáng kể. Ước đến cuối quý I/2019, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 61.385 tỷ đồng, tăng 5,3% so cùng kỳ và tăng 1,7% so đầu năm 2019. Vào thời điểm Tết Nguyên đán, nhu cầu vốn tín dụng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh có xu hướng tăng nhưng sau Tết cũng là thời điểm thu nợ đối với khách hàng nên dư nợ cho vay trong tháng 2 có giảm nhưng không đáng kể và vẫn tăng trưởng so với đầu năm 2019. Ước đến cuối quý I/2019 tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh sẽ đạt 49.145 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ tăng tăng 1,5% so đầu năm 2019.

    3. Giá cả, lạm phát:

    Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2019 giảm 0,39% so tháng 02/2019 (thành thị tăng 0,21%, nông thôn giảm 0,44%), so cùng kỳ năm trước tăng 2,63%, so tháng 12 năm 2018 tăng 0,48%. Tháng 3 năm 2019 là tháng sau Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm của người dân trở lại như những tháng bình thường, tại Tiền Giang không có lễ hội đông người như những nơi khác... Vì vậy, giá cả hàng hóa và dịch vụ trên thị trường ổn định.

    Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 6 nhóm hàng giảm: giảm nhiều nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,81%; kế đến là nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,49%; hàng hoá và dịch vụ khác giảm 0,44%; bưu chính viễn thông giảm 0,33%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,17% và nhóm văn hoá, giải trí và du lịch giảm 0,05%. Có 4 nhóm hàng tăng: tăng cao nhất là nhóm giao thông tăng 2,68%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,72%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,1%; nhóm giáo dục tăng 0,02%. Chỉ có nhóm hàng đồ uống và thuốc lá là ổn định.

    Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2019 giảm so tháng 02/2019 do:

    - Hiện nay, lúa vụ Đông Xuân đang vào mùa thu hoạch rộ của tỉnh đang gặp khó khăn Công ty Lương thực Tiền Giang chưa có hợp đồng xuất khẩu gạo nên giá lúa thấp hơn cùng kỳ, tác động nhóm lương thực giảm 1,42%; thực phẩm giảm 2,19% tập trung vào các nhóm hàng như: thịt gia súc tươi sống giảm 3,43%, thịt gia cầm tươi sống giảm 1,48%, thịt chế biến giảm 1,22%, trứng gia cầm các loại giảm 7,51%, thuỷ hải sản tươi sống giảm 3,27% và rau tươi, khô và chế biến giảm 5,23%... vì nhu cầu tiêu dùng sau Tết giảm thịt lợn do ảnh hưởng dịch tả lợn Châu Phi, gia cầm kiểm soát dịch bệnh tốt nhưng sản lượng tăng, tác động chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,81% so tháng trước. Góp phần giảm chỉ số giá tiêu dùng chung 0,65%.

    - Giá một số mặt hàng tiêu dùng trở về mặt bằng trước Tết Nguyên đán, dẫn đến chỉ số giá các nhóm hàng giảm như: may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,49%, thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,17%, văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,05% và hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,44%.

    - Qua Tết giá vé tàu hoả và ô tô khách giảm, tác động nhóm chỉ số giá dịch vụ giao thông công cộng giảm 2,35%.

    Bên cạnh đó, có một số mặt hàng chỉ số giá tăng nhưng tỷ trọng quyền số nhỏ nên tác động chưa đủ lớn đến chỉ số giá tiêu dùng chung như:

    - Giá xăng dầu điều chỉnh tăng vào ngày 02/3/2019, giá xăng tăng 940 đồng/lít, giá dầu diezen tăng 960 đồng/lít, tác động nhóm nhiên liệu tăng 5,22% so với tháng trước đóng góp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng chung 0,23%.

    - Giá gas tăng 5,95%, tăng tương ứng 17.000 đồng/bình 12 kg vào ngày 01/3/2019, do giá gas thế giới tăng thêm 50 USD/tấn so với tháng 02. Ngoài ra, thời tiết hiện nay thuận lợi cho hoạt động xây dựng, nên nhu cầu xây dựng tăng, dẫn đến chỉ số giá nhóm hàng vật liệu xây dựng tăng 0,47% (trong đó chủ yếu là mặt hàng xi măng, sắt, thép). Cùng với đó dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,61%... tác động nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,72%, đóng góp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng chung 0,1%.

    Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I/2019 so cùng kỳ tăng 2,74%; một số nhóm hàng có giá tăng nhiều trong quý I/2019 so cùng kỳ như: nhóm giáo dục tăng 5,6%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 5,31%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,76%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,63%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,42%...

    Chỉ số giá vàng 24 kara Ngọc Thẩm trong tháng 3/2019 giảm 0,62% so tháng trước; giá bình quân tháng 3/2019 là 3.672 ngàn đồng/chỉ, giảm 5 ngàn đồng/chỉ so cùng kỳ.

    Chỉ số giá đô la Mỹ trong tháng 3/2019 tăng 0,04% so tháng trước, giá bình quân 23.253 đồng/USD, tăng 466 đồng/USD so cùng kỳ.

    4. Đầu tư và Xây dựng:

    Vốn đầu tư toàn xã hội quý I/2019, ước thực hiện được 6.143,7 tỷ đồng, đạt 17,8% kế hoạch, tăng 8,8% so cùng kỳ (trong đó: vốn đầu tư xây dựng cơ bản 3.862,7 tỷ đồng, chiếm 62,9% vốn đầu tư toàn xã hội); bao gồm: vốn Nhà nước 577,9 tỷ đồng, tăng 13%; vốn ngoài Nhà nước 4.317,7 tỷ đồng, tăng 11,5%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 1.248,1 tỷ đồng, giảm 1% so cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý quý I/2019 là 368,7 tỷ đồng, đạt 11,4% kế hoạch, tăng 5% so cùng kỳ; gồm có: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 288,8 tỷ đồng, tăng 7,7%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 68,9 tỷ đồng, giảm 3,1%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 10,9 tỷ đồng, giảm 6,3% so cùng kỳ.

    5. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp:

    Tổng số doanh nghiệp thành lập mới từ 01/01 đến 12/3/2019 là 135 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 1.895 tỷ đồng, bao gồm vùng Trung tâm: 83 doanh nghiệp, vốn đăng ký 607,5 tỷ đồng; vùng phía Tây: 38 doanh nghiệp, vốn đăng ký 1.254 tỷ đồng và vùng phía Đông: 14 doanh nghiệp, vốn đăng ký 33,2 tỷ đồng. Ước quý 1/2019 có 182 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 2.554 tỷ đồng, đạt 24,5% kế hoạch năm 2019, tăng 8% về số doanh nghiệp và tăng 118% về vốn đăng ký so cùng kỳ. Vốn đầu tư bình quân 14 tỷ đồng/doanh nghiệp (cùng kỳ 2018 là 7 tỷ đồng/doanh nghiệp); có 102 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động (21 chi nhánh, 81 địa điểm kinh doanh), so cùng kỳ năm trước tăng 24,4%. Ước quý 1/2019 có 30 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn với số vốn tăng thêm là 264,3 tỷ đồng, tăng 9,7% so cùng kỳ.

    6. Sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản:

    a. Nông nghiệp:

    Cây lương thực có hạt: ước tính đến cuối quý I/2019, gieo trồng được 101.327 ha, đạt 51,4% kế hoạch, giảm 5,4% so cùng kỳ; sản lượng thu hoạch 464.198 tấn, đạt 39,2% kế hoạch, giảm 10,5% so cùng kỳ chủ yếu là do diện tích gieo trồng lúa vụ Đông Xuân 2018 - 2019 giảm 5,7% và năng suất thu hoạch sơ bộ giảm 5% so cùng kỳ do ảnh hưởng của thời tiết, nắng nóng, lúa trổ sớm, sương mù…; trong đó: cây lúa gieo sạ 99.397 ha, thu hoạch 64.860 ha với sản lượng 459.318 tấn.

    - Cây lúa:

    * Vụ Đông Xuân 2018-2019: xuống giống 64.860 ha, đạt 97,7% kế hoạch gieo trồng của vụ, giảm 5,7% so cùng kỳ do thực hiện đề án cắt vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với các vùng sản xuất lúa khó khăn. Cơ cấu giống lúa: lúa đặc sản, chất lượng cao như OM 4900, OM 5451, VND 95-20, Nàng hoa 9... chiếm tỉ lệ 51,5%; giống lúa thường như IR 50404 chiếm tỉ lệ 28,4%; các giống lúa khác chiếm 20,1%. Năng suất sơ bộ 70,8 tạ/ha, sản lượng 459.318 tấn, giảm 10,5% so cùng kỳ. Giá lúa vụ Đông Xuân giảm, trong khi giá vật tư nông nghiệp đã đầu tư hồi đầu vụ tăng rất mạnh, làm cho lợi nhuận từ sản xuất lúa giảm so cùng kỳ. Các doanh nghiệp, hợp tác xã và thương nhân đã thực hiện ký kết hợp đồng liên kết sản xuất lúa với diện tích 3.157 ha, đã thu hoạch 471 ha; trong đó đã thu mua 358 ha, đạt 11,33% diện tích ký kết, số còn lại nông dân bán cho thương lái do không thống nhất giá của công ty đưa ra.

    * Vụ Hè Thu: ước trong quý I gieo sạ 34.537 ha với tổng diện tích xuống giống khoảng 100.485 ha, trà lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh.

    - Cây ngô: vụ Đông Xuân gieo trồng 1.930 ha, đạt 41,4% kế hoạch, giảm 9,6% so cùng kỳ, thu hoạch 1.353 ha, năng suất quy thóc 36,1 tạ/ha với sản lượng quy thóc 4.880 tấn, đạt 28,4% kế hoạch, giảm 8% so cùng kỳ chủ yếu do diện tích gieo trồng giảm.

    - Cây rau đậu các loại: vụ Đông Xuân, gieo trồng 29.794 ha, thu hoạch 25.938 ha với sản lượng 520.480 tấn, đạt 45,8% kế hoạch, tăng 6,7% so cùng kỳ; trong đó: rau các loại 29.686 ha, thu hoạch 25.902 ha với sản lượng 520.371 tấn, tăng 6,7% so cùng kỳ.

    - Chăn nuôi: ước thời điểm 01/3/2019 tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh như sau: đàn bò 120,1 ngàn con, tăng 1,6%; đàn lợn 567,4 ngàn con, giảm 5,9%; đàn gia cầm (không kể chim cút) 14,2 triệu con, tăng 12,9% so cùng kỳ. Tình hình dịch bệnh chung cả nước đã ảnh hưởng đến giá thịt lợn rất lớn sau khi vừa tăng trở lại, hiện nay tại Tiền Giang giá lợn hơi được thương lái thu mua khoảng 4,2 - 4,5 triệu đồng/tạ, với mức giá này người chăn nuôi hòa vốn hoặc có lãi nhưng không nhiều so với cuối năm 2018; do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên các hộ chăn nuôi chưa tái đàn, người tiêu dùng lo ngại thời gian tới, giá thịt lợn sẽ tăng cao do nguồn cung khan hiếm. Đàn gà 12,2 triệu con, tăng 20,8% so cùng kỳ do giá gà tương đối ổn định và các giống gà phát triển nhanh như gà Lương Phượng, gà Bến Tre… khả năng phòng bệnh tương đối tốt.

    b. Lâm nghiệp:

    Quý I/2019, thực hiện trồng mới được 1,3 ngàn cây phân tán các loại, giảm 0,8% so với cùng kỳ do thời tiết nóng, khô chưa phù hợp để trồng và quỹ đất của tỉnh không còn đất trống để trồng, cây trồng phân tán hiện nay chủ yếu là do hộ dân trồng. Tổng diện tích rừng trên địa bàn tỉnh hiện có 1.997,1 ha (không gồm diện tích rừng thuộc đất an ninh quốc phòng); gồm: diện tích rừng phòng hộ 1.297,6 ha và rừng sản xuất 699,5 ha; đã giao khoán quản lý bảo vệ rừng phòng hộ ven biển năm 2019 với diện tích giao khoán là 1.000 ha. Trong quý không xảy ra cháy rừng.

    c. Thủy hải sản:

    Diện tích nuôi thủy sản các loại trong quý I thả nuôi được 8.170 ha, đạt 51,2% kế hoạch, tăng 0,1% so cùng kỳ. Thủy sản nước ngọt nuôi 3.325,1 ha, tương đương cùng kỳ. Thủy sản nước mặn, lợ nuôi 4.845,3 ha, tăng 0,1% so cùng kỳ; Sản lượng thủy sản thu hoạch trong quý I/2018 là 57.757 tấn, đạt 20,1% kế hoạch, tăng 16,7% so cùng kỳ; trong đó: sản lượng thu hoạch từ nuôi 28.862 tấn, đạt 17,2% kế hoạch, tăng 5,5% so cùng kỳ; sản lượng khai thác 28.895 tấn (khai thác biển 27.866 tấn), đạt 24,1% kế hoạch, tăng 30,5% so cùng kỳ

    7. Sản xuất công nghiệp:

    Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3/2019 tăng 12,1% so tháng trước, so cùng kỳ tăng 11%. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2019 tăng 11,1% so với cùng kỳ; trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,4% (tập trung ở một số ngành chủ yếu sau: sản xuất trang phục tăng 80,4%, sản xuất đồ uống tăng 22,8%, sản xuất kim loại tăng 14%...); ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 6,1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10%.

    Có 29/42 sản phẩm tăng so cùng kỳ: bộ com lê, quần áo đồng bộ, áo jacket, quần dài, quần yếm, quần soóc cho người lớn dệt kim hoặc đan móc tăng 111%; cáp đồng trục và dây dẫn điện đồng trục tăng 82,7%; bia đóng chai tăng 18,1%; thức ăn cho thủy sản tăng 10,6%; thức ăn cho gia súc tăng 10,1%; phi lê đông lạnh tăng 6,3%...; Có 13/42 sản phẩm giảm so cùng kỳ: giày, dép thể thao có mũ bằng da và có đế ngoài giảm 26,7%; tàu thuyền lớn chuyên chở người và hàng hóa có động cơ đẩy giảm 18,1%; thuốc diệt cỏ, thuốc chống nảy mầm và thuốc điều hòa sinh trưởng cây trồng giảm 6,1%; áo khoác dài, áo khoác không tay, áo khoác có mũ, áo gió cho người lớn dệt kim hoặc đan móc giảm 2,2%; thuốc chứa pênixilin hoặc kháng sinh khác dạng viên giảm 0,8%...

    Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 03/2019 tăng 9,7% so với tháng trước và tăng 8,2% so cùng kỳ. Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng 03/2019 tăng 9,4%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 9,3%; sản xuất đồ uống tăng 22,8%; sản xuất trang phục tăng 68,9%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 4,5%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 16,8%... Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm so cùng kỳ là: dệt giảm 19,5%; sản xuất da giảm 17,3%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 0,1%...

    Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 03/2019 tăng 19,9% so tháng trước và so cùng kỳ tăng 53,5%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng kỳ là: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 24,2%; sản xuất đồ uống tăng 55,4%; dệt tăng 147,5%; sản xuất da tăng 8,34%… Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so cùng kỳ là: sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 11,1%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 5,5%; công nghiệp chế biến chế tạo khác giảm 4%...

    Tình hình thu hút đầu tư và phát triển các khu - cụm công nghiệp:

    - Khu công nghiệp: đến nay tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương quy hoạch 7 khu công nghiệp với tổng diện tích 2.083,5 ha; trong đó có 4 khu công nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động. Quý I/2019, thu hút đầu tư 2 dự án đạt 20% chỉ tiêu kế hoạch 2019, tổng vốn đầu tư đăng ký 222,4 triệu USD và 498 tỷ đồng gấp 19,7 lần so cùng kỳ và đạt 196,5% chỉ tiêu kế hoạch, diện tích đất cho thuê 32,2 ha gấp 8,7 lần so với cùng kỳ; điều chỉnh một dự án tăng thêm vốn đầu tư là 8 triệu USD, diện tích thuê đất tăng thêm 2,9 ha.

    - Cụm công nghiệp: trên địa bàn tỉnh có 27 cụm công nghiệp được quy hoạch; trong đó có 4 cụm công nghiệp đang hoạt động. Trong quý I/2019 không thu hút dự án đầu tư mới. Tổng số dự án đầu tư tại các cụm công nghiệp đến nay là 79 dự án (trong đó: có 7 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư 4.417 tỷ đồng, diện tích thuê đất là 78,6 ha, tỷ lệ lắp đầy đạt 96,9%.

    8. Thương mại, dịch vụ:

    a. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng:

    Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng quý I/2019 thực hiện 14.704,5 tỷ đồng, đạt 23,7% kế hoạch, tăng 7,2% so cung kỳ. Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp 11.561,6 tỷ đồng, tăng 5,9%; lưu trú 32,8 tỷ đồng, giảm 3,1%; ăn uống 1.543,5 tỷ đồng, tăng 9,2%; du lịch lữ hành 29 tỷ đồng, tăng 9%; dịch vụ 1.537,6 tỷ đồng, tăng 16% so cùng kỳ.

    Hoạt động thương mại và xúc tiến thương mại: Ngày 14/2/2019, UBND tỉnh Tiền Giang phối hợp Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường và Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) tổ chức Lễ Công bố đưa xoài cát Hòa Lộc phục vụ các chuyến bay của Vietnam Airlines. Xoài cát Hòa Lộc, một trong những loại trái cây đặc sản nổi tiếng của Tiền Giang, là loại quả được ưa chuộng bởi màu sắc hấp dẫn, hương vị thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng cao. Theo đó, các hành khách hạng thương gia trên các chuyến bay giữa Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh và các chuyến bay quốc tế xuất phát từ Hà Nội hoặc TP. Hồ Chí Minh sẽ được phục vụ sản phẩm xoài cát Hòa Lộc và bưởi da xanh. Đây là hoạt động nằm trong chương trình dài hạn “Bốn mùa cây trái - Bốn mùa yêu thương” của Vietnam Airlines với mục đích tạo đầu ra cho các vùng đặc sản và quảng bá sản phẩm truyền thống của Việt Nam, trong đó có sản phẩm của Tiền Giang.

    b. Xuất - Nhập khẩu:

    Xuất khẩu: Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý I/2019 ước đạt 642,8 triệu USD, đạt 21,4% kế hoạch, tăng 14,5% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế nhà nước 3,1 triệu USD, giảm 89,4%; kinh tế ngoài nhà nước 148,2 triệu USD, tăng 14,1%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 491,5 triệu USD, tăng 22,2% so cùng kỳ. Trị giá xuất khẩu hàng hóa tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo, quý I xuất 638 triệu USD, tăng 21,5% so cùng kỳ (trong đó: sản xuất chế biến thực phẩm đạt 86,3 triệu USD, tăng 9,3%; sản xuất trang phục đạt 129 triệu USD tăng 30,2%; sản xuất da và sản phẩm có liên quan đạt 191 triệu USD, tăng 4,8%; sản xuất kim loại đạt 133,76 triệu USD, tăng 0,4%), ngành thương nghiệp đạt 4,8 triệu USD, tăng 12,9% so cùng kỳ.

    Tình hình xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh như sau:

    - Thủy sản: ước tính quý 1/2019 xuất 25.081 tấn, giảm 8,6% so cùng kỳ, về giá trị đạt 68,1 triệu USD, giảm 2% so cùng kỳ.

    Trái ngược với cảnh hân hoan của năm 2017-2018, giá cá tra nguyên liệu tăng mạnh, người nuôi lãi đậm. Ngay những tháng đầu của năm 2019, thị trường cá tra nguyên liệu đã bất ngờ lao dốc mạnh. Hiện nay, giá cá tra nguyên liệu được các nhà máy và thương lái hỏi mua đã sụt giảm chỉ còn khoảng 23.500 - 24.000 đồng/kg, giảm bình quân từ 5.000 - 5.500 đồng/kg so thời điểm cuối năm 2018 do thị trường trung Quốc tiêu thụ chậm, hợp đồng xuất sang Mỹ giảm, với mức giá này người nuôi cá không có lãi, làm cho ít hộ nuôi lo lắng và phân vân trong việc đầu tư nuôi cá. Mặt khác, dựa vào tình hình xuất khẩu cùng kỳ năm trước, người nuôi cá nuôi đón đầu, từ sau Tết, cá đến lứa thu hoạch người nuôi bán ra nhiều, các nhà máy không mua hết, thậm chí một số công ty lớn tuyên bố không mua, người dân hoảng loạn, giá bán giảm mạnh. Trước đây, thương lái Trung Quốc trực tiếp sang Việt Nam gom mua cá tra nguyên liệu mỗi ngày, cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp xuất khẩu trong nước để gia công xuất qua đường biên mậu nên chất lượng kém, không có kiểm soát, khi đưa hàng về nước không bán được. Vì vậy, từ sau Tết đến nay họ không qua thu mua nữa cũng làm giá giảm.

    - Gạo: ước tính quý 1/2019 xuất 8.919 tấn, giảm 87,1% so cùng kỳ, về giá trị đạt 4,8 triệu USD, giảm 87,1% so cùng kỳ.

    Từ cuối 2018 đến nay, tình hình xuất khẩu gạo cũng gặp khó khăn làm cho giá gạo giảm. Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc giảm, các thị trường khác chưa có nhiều khởi sắc; trong khi đó sản lượng dồi dào vì đang bước vào thu hoạch vụ Đông Xuân - vụ lúa lớn nhất trong năm. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính thu mua đưa vào dự trữ quốc gia năm 2019 với lượng 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa. Đồng thời, một số doanh nghiệp Trung Quốc đã trao đổi, thống nhất với các đối tác của Việt Nam về nhu cầu nhập khẩu gạo của Việt Nam. Hai bên sẽ thực hiện ngay bản ghi nhớ này trong nửa đầu năm 2019. Nhưng sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cấp bộ ngành và cộng đồng doanh nghiệp góp phần làm giảm áp lực thị trường, giá lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long có diễn biến tích cực, giá lúa có tăng nhưng không đáng kể (khoảng 100 đồng/kg) trong khi đó đa phần người dân đã nhận cọc của thương lái trước đó nên phải bán với giá cũ.

    - May mặc: ước tính quý 1 xuất 21.702 ngàn sản phẩm, tăng 23,8%, trị giá đạt 122 triệu USD, tăng 23,8% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc chiếm tỷ trọng cao (gần 19% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh). Mặc dù giá gia công không biến động nhiều do các doanh nghiệp cơ bản đã có nguồn hàng gia công đến hết quý 1/2019.

    Ngoài các mặt hàng chủ yếu, trị giá xuất khẩu mặt hàng như giày dép, túi xách, ống đồng đang phát triển mạnh. Quý I/2019, sản phẩm giày dép các loại xuất 102,6 triệu USD, tăng 1,0%; túi xách sản phẩm bằng nhựa xuất 96,8 triệu USD, tăng 11%; kim loại thường và các sản phẩm xuất 117,8 triệu USD, giảm 6,3% so cùng kỳ.

    Nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa quý I/2019 thực hiện 258,9 triệu USD, đạt 14,4% kế hoạch, giảm 29,6% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế ngoài nhà nước 22,8 triệu USD, giảm 17,6%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 236,1 triệu USD, giảm 30,6% so cùng kỳ. Giá trị hàng nhập khẩu tập trung chủ yếu ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 99,7% tổng giá trị nhập khẩu, giá trị đạt 225,5 triệu USD, giảm 29,3% so cùng kỳ; trong đó trị giá hàng nhập khẩu cho ngành sản xuất chế biến thực phẩm 22,2 triệu USD, tăng 19,4%, ngành may mặc nhập 46,6 triệu USD, giảm 32,9%, sản xuất da và các sản phẩm liên quan nhập 64,8 triệu USD, giảm 46,6% so cùng kỳ...

    c. Vận tải:

    Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải quý I/2019 thực hiện 612,6 tỷ đồng, tăng 9,2% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu vận tải hành khách thực hiện 186,4 tỷ đồng, tăng 3,2% so cùng kỳ; vận tải hàng hóa thực hiện 384 tỷ đồng, tăng 14,9% so cùng kỳ. Vận tải đường bộ thực hiện 346,6 tỷ đồng, tăng 8,6%; vận tải đường thủy thực hiện 223,8 tỷ đồng, tăng 14,5%; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải 42,2 tỷ đồng, giảm 8,9% so cùng kỳ.

    Vận chuyển hành khách đạt 8.196 ngàn hành khách, tăng 3,7% và luân chuyển được 327.047 ngàn hành khách.km, tăng 2% so cùng kỳ; trong đó: vận chuyển đường bộ 5.404 ngàn hành khách, tăng 2,9% và luân chuyển 322.023 ngàn hành khách.km, tăng 2% so cùng kỳ; vận chuyển đường thủy 2.792 ngàn hành khách, tăng 5,4% và luân chuyển 5.024 ngàn hành khách.km, tăng 3,9% so cùng kỳ.

    Vận tải hàng hóa đạt 4.327 ngàn tấn, tăng 10,7% và luân chuyển được 477.634 ngàn tấn.km, tăng 14,4% so cùng kỳ; trong đó: vận tải đường bộ thực hiện 1.267 ngàn tấn, tăng 8,4% và luân chuyển được 117.607 ngàn tấn.km, tăng 18,5% so cùng kỳ; vận tải đường thủy thực hiện 3.060 ngàn tấn, tăng 11,6% và luân chuyển được 360.027 ngàn tấn.km, tăng 13,2% so cùng kỳ.

    d. Du lịch:

    Ước tính lượng khách du lịch đến tỉnh trong quý I/2019 đạt 489,2 ngàn lượt, đạt đạt 23,3% kế hoạch, tăng 5,8% so cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt 162,7 ngàn lượt, đạt 19,4% kế hoạch, tăng 5,5% so cùng kỳ. Doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành đạt 1.605,2 tỷ đồng, tăng 9%; trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 98,2%. Từ ngày 02/02 đến ngày 08/02/2019 (nhằm ngày 28 tháng Chạp đến mùng 4 Tết), khách du lịch đến tỉnh Tiền Giang là 116 nghìn lượt, tăng 28% so cùng kỳ năm 2018, trong đó: khách quốc tế là 28 nghìn lượt, tăng 5,2% so cùng kỳ. Khu du lịch cù lao Thới Sơn khách tăng 6,6%; khu du lịch biển Tân Thành khách tăng 12,8%; khu du lịch Cái Bè khách tăng 5,1%; khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười kết hợp hành hương Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác thu hút hơn 50.000 lượt khách, tăng 65% so Tết năm 2018. Riêng Bến tàu thủy du lịch Mỹ Tho chỉ đón 15.839 lượt khách (chủ yếu là khách quốc tế), giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2018.

    e. Bưu chính viễn thông:

    Quý I/2019, doanh thu dịch vụ bưu chính, viễn thông đạt 686 tỷ đồng, tăng 19,2% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu bưu chính 47,2 tỷ đồng, tăng 32,8%; doanh thu viễn thông 638,8 tỷ đồng, tăng 18,3%; doanh thu tăng tập trung vào tháng 01 và tháng 02/2018 là tháng có Tết Dương lịch, Nguyên Đán và ngày lễ tình nhân 14/02… dẫn đến nhu cầu sử dụng dịch vụ tăng, tác động doanh thu tăng lên. Trong quý I/2019, số thuê bao điện thoại giảm 2.846 thuê bao (trong đó: cố định giảm 2.490 thuê bao, di động trả sau giảm 356 thuê bao); tổng số thuê bao điện thoại có trên mạng đến cuối tháng 3/2019 là 112.379 thuê bao (chỉ tính thuê bao cố định và di động trả sau); thuê bao điện thoại bình quân đạt 6,4 thuê bao/100 dân. Tổng số thuê bao Internet trên mạng phát triển mới trong quý I/2019 là 6.722 thuê bao; số thuê bao Internet trên mạng có đến tháng 3/2019 là 194.825 thuê bao; mật độ Internet bình quân ước đạt 11 thuê bao/100 dân.

    II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

    1. Lao động, giải quyết việc làm:  

    Tình hình tiền lương năm 2018 và kế hoạch thưởng tết năm 2019: tiền lương bình quân của doanh nghiệp năm 2018, bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác là 7,3 triệu đồng/người/tháng, tăng 13,4% so với năm 2017; trong đó: mức lương bình quân năm 2018 không bao gồm phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác là 5,5 triệu động/người/tháng, tăng 7% so với năm 2017. Mức thưởng Tết Âm lịch năm 2019, qua thống kê số liệu của 61 doanh nghiệp với 88.580 lao động thì mức tiền thưởng Tết Âm lịch bình quân khoảng 6,2 triệu đồng/người, tăng 14,9% so với năm trước; mức thưởng thấp nhất là 322 triệu đồng ở công ty bia Heineiken, mức thưởng cao nhất là 500 ngàn đồng. Từ đầu năm đến nay có 69 lao động xuất cảnh (đạt 124% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 46% so với kế hoạch năm), trong đó xuất cảnh qua Nhật Bản: 36 lao động, Đài Loan: 32 lao động và thị trường khác: 1 lao động; có 2.068 người đăng ký thất nghiệp, đã giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 2.255 người với tổng số tiền chi trả 30.163 triệu đồng.

    2. Đời sống dân cư và an sinh xã hội:

    Quý 1/2019 là thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Trong điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, giá cả luôn biến động, thời tiết nắng nóng, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm còn xảy ra… ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và đời sống nhân dân. Được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh cùng với ban ngành đoàn thể các cấp đã kịp thời có những chính sách phù hợp giúp người dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Xuân Kỷ Hợi 2019 các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh tổ chức 12 đoàn lãnh đạo cấp tỉnh đến thăm tặng quà cho người có công với cách mạng cho 38.285 người với tổng kinh phí trên 7,7 tỷ đồng (quà của Chủ tịch nước); trợ cấp cho người có công với cách mạng cho 40.414 người với số tiền trên 8,5 tỷ đồng…

    Công tác giảm nghèo: Sở Lao động - Thương binh và xã hội tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kết quả điều tra hộ nghèo năm 2018: có 16.097 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,4% giảm 0,8% so với cuối năm 2017, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra là 0,3%; có 2.709 hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội, tỷ lệ 16,8% tổng số hộ nghèo và 18.024 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,8%. Phấn đấu đến cuối năm 2019, giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn 3% so với số hộ toàn tỉnh

    Bảo trợ xã hội: thăm và tặng quà Tết nguyên đán 2019 cho 1.711 người cao tuổi với kinh phí trên 796 triệu đồng (trong đó tặng quà Chủ tịch nước cho 68 người cao tuổi 100 tuổi với số tiền 73,1 triệu đồng, tặng quà Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho 1.643 người cao tuổi 90 tuổi, số tiền 722,9 triệu đồng); tặng quà từ nguồn xã hội hóa cho 3.002 người cao tuổi, số tiền 814,4 triệu đồng.

    Công tác cấp bảo hiểm y tế miễn phí trên địa bàn tỉnh tiếp tục được thực hiện, từ đầu năm đến cuối tháng 2 toàn tỉnh đã cấp thẻ bảo hiểm cho người nghèo là 46.449 thẻ cho người nghèo và 55.827 thẻ cho người cận nghèo, trẻ em từ 0 - 6 tuổi là 151.168 thẻ. Đồng thời, hỗ trợ cho hộ bãi ngang ở các thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông có điều kiện khó khăn là 94.459 thẻ; Quỹ Bảo trợ trẻ em vận động trên 263 triệu đồng, trong đó có 107 triệu đồng tiền mặt và trên 156 triệu đồng là hàng hóa, hỗ trợ cho 750 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn qua các hoạt động tặng quà tết, tặng học bổng.

    3. Hoạt động giáo dục:

    Trong quý 1, ngành Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch đã đề ra, tổ chức Hội nghị sơ kết học kỳ 1 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm học kỳ 2 năm học 2018-2019.

    Tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia Trung học phổ thông (THPT) năm 2019 từ ngày 13/1 đến ngày 15/1/2019. Tiếp các đoàn coi thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2019 tại tỉnh Tiền Giang của Sở GDĐT Bình Thuận, Hậu Giang và Cần Thơ. Cử đoàn cán bộ, giáo viên tham gia coi thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2019 tại tỉnh Đồng Tháp, An Giang và Đồng Nai. Kết quả: Đạt 8 giải/56 học sinh dự thi, trong đó có 1 giải nhất, 1 giải nhì, 2 giải ba, 4 giải khuyến khích thuộc các trường THPT Chuyên 6 giải, THPT Chợ Gạo 1 giải, THPT Đốc Binh Kiều 1 giải. Xếp hạng 60/69 đơn vị dự thi toàn quốc; xếp hạng 7/13 tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long.

    Tổ chức kiểm tra học kỳ 1 khối 9 năm học 2018-2019 các môn do Sở GDĐT ra đề. Điểm trung bình các bài kiểm tra học kỳ 1 khối 9: môn Ngữ văn (6,6 điểm), Toán  (4,3 điểm), Tiếng Anh (5,8 điểm). Tỷ lệ trên trung bình các bài kiểm tra học kỳ 1 khối 9: môn Ngữ văn đạt 88,8%, Toán đạt 43,2%, Tiếng Anh đạt 58,7%.

    4. Hoạt động y tế:

    Công tác phòng chống dịch bệnh được ngành y tế trang bị đầy đủ các phương tiện, vật tư, hóa chất, nhân lực để phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh. Trong quý có 1.416.981 lượt người khám bệnh, giảm 4,5% so cùng kỳ, trong đó: điều trị nội trú 62.394 lượt người, tăng 3,6%. Công suất sử dụng giường bệnh bình quân của các cơ sở điều trị đạt 102,2%, bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đạt 127,2%, các bệnh viện chuyên khoa đạt 96%, bệnh viện tuyến huyện đạt 63,9%; Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được ngành y tế quan tâm, có 3.141 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được kiểm tra, kết quả có 97,4% lượt cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, không có trường hợp ngộ độc thực phẩm.

    Ngành Y tế tiếp tục tăng cường các biện pháp tuyên truyền, đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh. Cụ thể, ngành Y tế các địa phương đã xử lý các ổ dịch sốt xuất huyết; trạm y tế các xã, phường, thị trấn phối hợp với các trường học tổ chức xử lý bằng nhiều biện pháp như cách ly bệnh, phun thuốc thanh trùng, rửa dụng cụ, học cụ, giám sát chặt chẽ các ca bệnh truyền nhiễm, bệnh dịch; thường xuyên tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ đối với các bệnh có vắc xin chủng ngừa... Đặc biệt trong tháng 2/2019, Trung tâm Y tế thành phố Mỹ Tho tập trung thực hiện chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Sởi-Rubella cho trẻ từ 1 - 5 tuổi trong vùng có nguy cơ cao trên địa bàn thành phố. Tình hình dịch bệnh quý I so với cùng kỳ có 12 bệnh tăng (bệnh tay-chân-miệng tăng 123,9%, bệnh sốt xuất huyết Dengue tăng 120,4%, bệnh ho gà tăng 100%,bệnh dại tăng 100%, bệnh tiêu chảy tăng 22%,...); có 8 bệnh giảm (bệnh do liên cầu lợn ở người giảm 100%, bệnh lao phổi giảm 39,7%, bệnh quai bị giảm 24,6%, bệnh thủy đậu giảm 13,6%,...); các bệnh khác tương đương hoặc không xảy ra; có 3 trường hợp tử vong do bệnh sốt xuất huyết, tay-chân-miệng và dại. Nhiễm HIV/AIDS: phát hiện 80 cas mới nhiễm, số cas mới nhiễm AIDS là 5 cas, tử vong do AIDS là 2 cas. Lũy kế đến nay số người nhiễm HIV là 5.198 người, số cas AIDS là 1.754 người và tử vong do AIDS là 944 cas.

    5. Hoạt động văn hóa - thể thao:

    Trong quý I/2019, tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn như: kỷ niệm 89 năm ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và Mừng Xuân Kỷ Hợi năm 2019; kỷ niệm 60 năm ngày Truyền thống Bộ đội Biên phòng và 30 năm ngày Biên phòng toàn dân; kỷ niệm 56 năm Chiến thắng Ấp Bắc; 234 năm Chiến thắng Rạch Gầm Xoài Mút; ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3… Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức 4 Hội thi, Liên hoan, triển lãm: hội thi và trưng bày hoa lan; liên hoan các ban nhạc đồng bằng sông Cửu Long 2019; 2 cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề “Sắc màu cuộc sống” và “Sức sống”; tổ chức 7 chương trình văn nghệ tổng hợp như: chương trình nghệ thuật chào đón Tết Dương lịch 2019; chương trình Múa bóng rỗi, ảo thuật; giao lưu biểu diễn khiêu vũ “Những đôi nhảy đẹp”… thu hút trên 7 ngàn lượt người đến xem và cổ vũ. Đội Thông tin lưu động tỉnh tổ chức biểu diễn 19 buổi, phục vụ nhân dân các huyện, thành, thị trong tỉnh. Thực hiện trên 600 cờ các loại và 14 lượt xe loa cổ động. Ngoài ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ thiết thực diễn ra đáp ứng nhu cầu công chúng trong dịp đón Xuân. Có 11/11 huyện, thành, thị tổ chức Hội Xuân. Đặc biệt, năm nay là năm đầu tiên tỉnh tổ chức thêm cụm điểm vui chơi, giải trí phức hợp tại khu vực Quảng trường trung tâm tỉnh được du khách trong và ngoài tỉnh đánh giá cao, nhất là các hạng mục trang trí tổng thể và vận hành dàn nhạc nước hiện đại; công trình Đường hoa, Chợ hoa xuân đã thu hút khoảng 200 ngàn lượt khách đến tham quan thưởng lãm. Toàn tỉnh có 6 điểm bắn pháo hoa vào đêm giao thừa, bảo đảm an toàn, tạo không khí vui tươi. Một số địa phương không tổ chức bắn pháo hoa thì chủ động tổ chức múa lân, bố trí màn hình Led khổ lớn có phát băng hình bắn pháo hoa lúc giao thừa, tạo không khi vui tươi trong nhân dân vui xuân đón Tết.

    Trung tâm Thể dục Thể Thao tỉnh tổ chức thành công giải Việt dã Báo Ấp Bắc lần thứ 36 năm 2019; tổ chức giải Quần vợt heineken tỉnh vào ngày 19/1; tổ chức thành công Hội thi thể thao dân tộc tỉnh Tiền Giang từ ngày 11/2-12/2/2019 tại Nhà thi đấu đa môn Trung tâm tỉnh; đội Cầu lông tham dự giải Cầu lông các lứa tuổi Thành phố Cần Thơ mở rộng năm 2019 từ ngày 4/1-6/1/2019 tại nhà tập luyện và thi đấu Quang Sport Cần Thơ, kết quả đạt 1 HCV; giải vô địch các câu lạc bộ Bóng ném toàn quốc năm 2019 diễn ra từ ngày 14 đến 19-3 tại Nhà Thể thao đa năng thành phố Mỹ Tho.

    6. Trật tự an toàn giao thông: (Theo báo cáo của ngành Công an).

    Giao thông đường bộ: tai nạn xảy ra 54 vụ, làm chết 41 người, làm bị thương 26 người; so cùng kỳ tai nạn giảm 34 vụ, số người chết giảm 9 người, số người bị thương giảm 31 người. Nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông chủ yếu vẫn do ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ của người tham gia giao thông như: điều khiển xe khi có rượu bia, phóng nhanh vượt ẩu, không làm chủ tốc độ; đi không đúng phần đường, làn đường, lỗi do người đi bộ v.v…; Vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ xảy ra 13.319 vụ, giảm 4.911 vụ so cùng kỳ, đã xử lý tạm giữ giấy tờ và phương tiện 6.824 vụ, tước giấy phép lái xe 427 vụ, phạt tiền 6.495 vụ với số tiền phạt 5.017 triệu đồng.

    Giao thông đường thủy: Vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy xảy ra 2.755 vụ, giảm 681 vụ so cùng kỳ, đã lập biên bản tạm giữ giấy tờ 473 vụ và phạt tiền 2.282 vụ với số tiền phạt 1.043 triệu đồng.

    7. Tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội: Theo báo cáo của ngành Công an).

    Tình hình an ninh cơ bản được đảm bảo. Có 36 lần với 251 lượt người dân đi khiếu kiện ở các cấp; có 2 lần với 122 công nhân đình công yêu cầu thực hiện các chế độ phúc lợi xã hội làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự (xử lý hành chính 1 trường hợp khiếu kiện có hành vi gây rối trật tự công cộng).

    Triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh Ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về đảm bảo an ninh, trật tự; chủ động mở cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật và cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước, trong, sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 góp phần đảm bảo tình hình an ninh, trật tự, phục vụ nhân dân “Vui xuân, đón Tết”. Tội phạm về trật tự xã hội được kiềm chế, kéo giảm 25,1% so với cùng kỳ (155/207 vụ), làm bị thương 15 người, tài sản thiệt hại trị giá khoảng 4,2 tỷ đồng; trong đó, xảy ra 157 vụ tội phạm xâm phạm sở hữu (gồm: trộm cắp tài sản 103 vụ, cướp tài sản 10 vụ, cướp giật tài sản 18 vụ, hủy hoại tài sản 4 vụ,...), 15 vụ cố ý gây thương tích do mâu thuẫn xã hội, 1 vụ hiếp dâm dưới 16 tuổi và 2 vụ giao cấu người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; điều tra khám phá án 119 vụ, bắt xử lý 126 đối tượng, thu hồi tài sản trị giá khoảng 509 triệu đồng. Phát hiện, xử lý 103 tụ điểm, 597 đối tượng cờ bạc, mại dâm.

    Tập trung thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm trong dịp Tết và đẩy mạnh công tác điều tra, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng: Phát hiện, xử lý 35 trường hợp vi phạm trên lĩnh vực kinh tế, tham nhũng (đã khởi tố 4 vụ, 6 bị can và xử lý phạt tiền 17 trường hợp, tịch thu hàng hóa 7 trường hợp, giao ngành chức năng xử lý 1 trường hợp...). Tăng cường công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; phát hiện 61 vụ-xử lý 68 đối tượng tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy và xử lý vi phạm hành cính 662 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy;...

    8. Tình hình cháy nổ, môi trường:

    Từ đầu năm đến nay xảy ra 5 vụ cháy, với tổng giá trị tài sản thiệt hại trên 1,9 tỷ đồng; Vi phạm môi trường đã phát hiện và xử lý 6 vụ với tổng số tiền xử phạt 94 triệu đồng. Nhằm tiếp tục tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) trên địa bàn tỉnh, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH phối hợp Đài Phát thanh truyền hình, đài truyền thanh cơ sở mở chuyên mục “An toàn về PCCC và CNCH”; tổ chức tuyên truyền trực tiếp về PCCC cho cán bộ, công chức, nhân dân và người lao động tại các địa bàn trọng điểm; phối hợp với các ban, ngành và Công an các đơn vị, địa phương kiểm tra công tác PCCC theo chuyên đề, định kỳ, đột xuất; đồng thời duy trì bảo quản, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy, đảm bảo lực lượng, phương tiện thường trực sẵn sàng chiến đấu 24/24.

SL ước tháng 3 - 2019

Các tin cùng chuyên mục:
Hiển thị kết quả 1-10 (của 19)
Trang:1 - 2Trang đầu « Lùi · Tới » Trang cuối

Một số chỉ tiêu chủ yếu tháng 02 năm 2024 (tăng/giảm) so với cùng kỳ năm 2023 của tỉnh Tiền Giang (%)

Chỉ số sản xuất công nghiệp(*)

-18,0

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

+8,9

Khách quốc tế đến Tiền Giang

+25,9

Thực hiện vốn đầu tư ngân sách nhà nước

-12,3

Chỉ số giá tiêu dùng (*)

+1,05

(*): so với tháng trước.

1. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024 (xem chi tiết):

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (theo giá so sánh 2010) tăng từ 7,0 – 7,5% so với năm 2023;

- Cơ cấu kinh tế: khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 35,1%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 29,6%, khu vực dịch vụ (bao gồm thuế sản phẩm) chiếm 35,3%.

- GRDP bình quân đầu người đạt 75,8 - 76,2 triệu đồng/người/năm;

- Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 5 tỷ USD;

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 50.400 – 50.650 tỷ đồng;

- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 8.801 tỷ đồng;

- Tổng chi ngân sách địa phương 14.456 tỷ đồng;

- Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 890 doanh nghiệp.

Tìm kiếm thông tin
Thông tin người dùng
User Online: 29
Truy cập: 1.937.105
Truy cập tháng: 50.782
User IP: 3.236.247.213

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH TIỀN GIANG
21 đường 30/4, phường 1, Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang
ĐT: 0273. 3872582 - Fax: 0273. 3886 952 - Email:tiengiang@gso.gov.vn