Số 21 đường 30/4 - phường 1 - TP Mỹ Tho - tỉnh Tiền Giang               Hotline: 0273 3872 582               Email: tiengiang@gso.gov.vn

"CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG CỤC THỐNG KÊ TỈNH TIỀN GIANG SỐNG VÀ LÀM VIỆC THEO HIẾN PHÁP VÀ PHÁP LUẬT"

 

 

Tổng Cục Thống kê

Cổng Thông tin điện tử

tỉnh Tiền Giang

                                                                                     - Hướng dẫn Đăng ký tài khoản (Xem Clip)

                                                                                     - Hướng dẫn tra cứu thông tin (Xem Clip)

                                                                                  - Hướng dẫn đăng ký hộ kinh doanh (Xem Clip)

                                                                                     - Hướng dẫn đăng ký khai sinh (Xem Clip)

Thăm Dò Ý Kiến
Thông tin bạn quan tâm nhất trên trang web này





Năm 2020
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang Tháng 7 năm 2020
Thứ tư, Ngày 29 Tháng 7 Năm 2020

   I. SẢN XUẤT NÔNG LÂM NGHIỆP VÀ THỦY SẢN

   1. Nông nghiệp

    Cây lương thực có hạt: trong tháng gieo trồng 12.188 ha, sản lượng thu hoạch 1.310 tấn; ước tính đến cuối tháng 7/2020, gieo trồng 136.157 ha, đạt 78,2% kế hoạch, giảm 15,2% so cùng kỳ, sản lượng thu hoạch 521.073 tấn; trong đó: cây lúa gieo sạ 133.200 ha, thu hoạch 79.573 ha, sản lượng thu hoạch 512.148 tấn.

    - Cây lúa:

    Vụ Hè Thu (gồm Xuân Hè và Hè Thu): trong tháng gieo trồng 11.853 ha, nâng diện tích gieo trồng 75.596 ha, diện tích thu hoạch chủ yếu là lúa vụ Xuân Hè 22.913 ha, ước năng suất 62 tạ/ha, tăng 3% so cùng kỳ; sản lượng 142.041 tấn, giảm 28,4% so cùng kỳ do diện tích gieo trồng giảm, nông hộ chuyển sang trồng cây ăn quả.

    - Cây ngô: trong tháng gieo trồng 335 ha, thu hoạch 364 ha với sản lượng 1.310 tấn. Bảy tháng gieo trồng 2.957 ha, đạt 75,3% kế hoạch, giảm 10,6% so cùng kỳ; thu hoạch 2.501 ha, năng suất quy thóc 35,7 tạ/ha với sản lượng quy thóc 8.925 tấn, đạt 63% kế hoạch, giảm 3,5% so cùng kỳ chủ yếu do diện tích gieo trồng giảm.

    Cây rau đậu các loại: trong tháng gieo trồng 4.315 ha, thu hoạch 3.627 ha với sản lượng 71.432 tấn. Bảy tháng gieo trồng 42.396 ha, đạt 73,5% kế hoạch, giảm 13,9% so cùng kỳ; thu hoạch 37.953 ha với sản lượng 734.168 tấn, đạt 63,2% kế hoạch, giảm 9,6% so cùng kỳ (trong đó: rau các loại 42.216 ha, thu hoạch 37.812 ha với sản lượng 733.736 tấn).

    Chăn nuôi: ước thời điểm 01/7/2020 tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh như sau: đàn bò 118,3 ngàn con, giảm 1,4%; đàn lợn 294 ngàn con, giảm 38,4%; đàn gia cầm (không kể chim cút) 16,4 triệu con, tăng 17,3% so cùng kỳ. Đàn lợn giảm đáng kể so cùng kỳ do dịch bệnh còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn và xảy ra trên diện rộng, con giống không đảm bảo; một số hộ nuôi thua lỗ trước đây chuyển sang vật nuôi khác; giá cả thịt lợn hơi thường xuyên biến động, người chăn nuôi không dự đoán được thị trường nên rất lo lắng khi tái đàn.

    2. Lâm nghiệp:

    Tổng diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh đến 01/7/2020 là 1.935 ha (không bao gồm diện tích rừng thuộc đất an ninh quốc phòng), bao gồm: rừng phòng hộ 1.339 ha, rừng sản xuất 596 ha.

    Ước tháng 7/2020, toàn tỉnh thực hiện trồng mới được 335 ngàn cây phân tán, nâng tổng số cây trồng 375,4 ngàn cây các loại, so cùng kỳ giảm 4,9%. Những cây trồng mới chủ yếu là cây bạch đàn, tràm bông vàng lấy bóng mát, để chắn bụi, gió cặp theo các tuyến đường đi, tuyến kênh, bờ đê ở huyện Tân Phước, Gò Công Đông.

    3. Thủy hải sản:

    Trong tháng, thủy sản các loại thả nuôi 395 ha, giảm 46,4% so cùng kỳ; Bảy tháng thả nuôi 13.206 ha, đạt 84,1% kế hoạch và tăng 1,5% so cùng kỳ; thủy sản nước ngọt nuôi 3.813 ha, giảm 21,3% so cùng kỳ do giá nhiều loại thủy sản vẫn ở mức thấp, như cá tra bị ảnh hưởng nhiều nhất từ dịch Covid-19 nhiều doanh nghiệp chế biến cá bị hoãn, hủy hoặc không có đơn hàng mới; thủy sản nước mặn, lợ nuôi 9.393 ha, tăng 15% so cùng kỳ, diện tích tăng chủ yếu là nuôi tôm sú quảng canh, do giá tôm thẻ nguyên liệu cỡ 100 con/kg có giá trở lại và thị trường tiêu thụ một số nước như Trung Quốc, Mỹ đã bắt đầu mua tôm trở lại sau đợt dịch bệnh Covid-19.

    Sản lượng thủy sản trong tháng ước thu hoạch 25.173 tấn, giảm 0,2% so cùng kỳ. Bảy tháng thu hoạch 184.810 tấn, đạt 60,1% kế hoạch, giảm 0,9% so cùng kỳ; trong đó: sản lượng thu hoạch từ nuôi 103.485 tấn, đạt 59,9% kế hoạch, giảm 6,3% so cùng kỳ; sản lượng khai thác 81.325 tấn, đạt 60,4% kế hoạch, tăng 7,1% so cùng kỳ.

    II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP

    Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2020 giảm 3,1% so với tháng trước, do một số ngành sản xuất công nghiệp chủ yếu của tỉnh như sản xuất chế biến thực phẩm, đồ uống, dệt, sản xuất trang phục... giảm so với tháng trước (ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,4%, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 4,1%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 5,2%) và giảm 1,4% so cùng kỳ. Các ngành chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh sản xuất giảm so cùng kỳ, trong đó: sản xuất chế biến thực phẩm giảm 16,1%, đồ uống giảm 15,7%, dệt 12,2%; sản xuất da giảm 22,5%... (ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,4%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 8,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 15,7%).

    Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm 2020 tăng 0,7% so cùng kỳ; trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,1%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 5,5%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 14,1%.

    * Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo:

    - Chỉ số tiêu thụ tháng 7/2020 so với tháng trước giảm 3,2% và giảm 25,3% so cùng kỳ. Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng 7 năm 2020 giảm 27,7%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: sản xuất trang phục tăng 21,9%; sản xuất thiết bị điện tăng 33,5%... Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm so cùng kỳ: sản xuất chế biến thực phẩm giảm 42,5%; sản xuất đồ uống giảm 1,2%; sản xuất da giảm 35,3%; sản xuất kim loại giảm 4%...

    - Chỉ số tồn kho tháng 7/2020 so với tháng trước tăng 4,3% và so với cùng kỳ tăng 64,9%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng kỳ: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 26,1%; sản xuất đồ uống bằng gấp 5 lần; dệt tăng 86,7%; sản xuất trang phục bằng gấp 9,4 lần; sản xuất kim loại tăng 2,6%...  Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so cùng kỳ: sản xuất da giảm 5,2%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 64%; sản xuất thiết bị điện giảm 73,9%...

    * Tình hình thu hút đầu tư và phát triển các khu - cụm công nghiệp:

    - Khu công nghiệp: đến nay tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương quy hoạch 7 khu công nghiệp với tổng diện tích 2.083,5 ha; trong đó có 4 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Trong tháng, Ban Quản lý các khu công nghiệp đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Nhà máy gia công dầu ăn Honoroad tại Khu công nghiệp Long Giang do Công ty TNHH Dầu ăn Honoroad VN làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 92,4 tỷ đồng tương đương 4.000.000 USD, vốn góp thực hiện dự án 18,5 tỷ đồng, tương đương 800.000 USD; mục tiêu dự án sản xuất, gia công dầu ăn các loại với quy mô 50.000 tấn/năm, diện tích thuê đất 12.452 m2. Cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy Chế biến thủy sản Thái Minh Long Tiền Giang tại Khu công nghiệp Mỹ Tho do Công ty TNHH Thủy sản Thái Minh Long Tiền Giang làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 304,5 tỷ đồng, mục tiêu dự án chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản với quy mô 19.000 tấn/năm và dịch vụ kho lạnh, diện tích dự án 37.985 m2.

    Đến cuối tháng 7/2020, tổng số dự án đầu tư tại các khu công nghiệp là 108 dự án, trong đó: có 77 dự án đầu tư nước ngoài; tổng vốn đầu tư là 53.854 tỷ đồng, trong đó: vốn đầu tư nước ngoài là 2.305 triệu USD. Diện tích cho thuê của các doanh nghiệp đạt 543 ha/767 ha, chiếm tỷ lệ 70,8% diện tích các khu công nghiệp đang cho thuê. 

    - Cụm công nghiệp: trên địa bàn tỉnh có 27 cụm công nghiệp được quy hoạch; trong đó có 4 cụm công nghiệp đang hoạt động. Trong tháng không thu hút dự án đầu tư mới. Tổng số dự án đầu tư tại các cụm công nghiệp hiện nay là 81 dự án (trong đó: có 7 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư 5.946 tỷ đồng, diện tích thuê đất là 88,7/120,6 ha, tỷ lệ lắp đầy đạt 73,6%.

    III. ĐẦU TƯ - XÂY DỰNG

    Tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện trong tháng là 631 tỷ đồng, tăng 118,3% so cùng kỳ. Bảy tháng đầu năm 2020 thực hiện 2.181 tỷ đồng, đạt 57,3% kế hoạch, tăng 64,9% so cùng kỳ. Trong tháng tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý tăng đột biến, do các ngành, các cấp tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm chào mừng đại hội đảng các cấp.

    Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh thực hiện 1.626 tỷ đồng, đạt 54,8% kế hoạch, tăng 57,8% so cùng kỳ, chiếm 74,6% tổng số; trong đó: vốn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 316 tỷ đồng, tăng 63,2%, vốn xổ số kiến thiết thực hiện 779 tỷ đồng, tăng 59,1% so cùng kỳ... Các ngành các cấp yêu cầu các ban quản lý chủ đầu tư tập trung với cường độ cao hơn trong tổ chức thực hiện sau thời điểm giãn cách xã hội, đồng thời ưu tiên đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, kể cả tiến độ giải ngân nhằm phát triển kinh tế - xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

    Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp huyện thực hiện 395 tỷ đồng, đạt 87,1% kế hoạch, tăng 88,9% so cùng kỳ, chiếm 18,1% tổng số; trong đó: vốn tỉnh hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 185 tỷ đồng, tăng 130,2% so cùng kỳ... Hiện nay nguồn vốn đầu tư của huyện, thành phố, thị xã thực hiện chủ yếu nguồn vốn phân cấp, tập trung cho các công trình, dự án giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới nên khối lượng thực hiện tăng hơn so cùng kỳ.

    Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp xã thực hiện 160 tỷ đồng, đạt 41,2% kế hoạch, tăng 92,2% so cùng kỳ, chiếm 7,3% tổng số; trong đó: vốn huyện hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 121 tỷ đồng, tăng 93,2% so cùng kỳ... Đối với các công trình do Ban quản lý công trình xã làm chủ đầu tư thực hiện chủ yếu từ nguồn vốn phân cấp để thực hiện các công trình giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng phục vụ địa phương. Ngoài ra các ngành các cấp đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ xây dựng cơ bản của các xã nông thôn mới từ nguồn vốn thủy lợi phí, vốn phân cấp... để tiến hành giải ngân.

    Tỉnh Tiền Giang thuộc nhóm các tỉnh thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công, với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước. Cụ thể, tổng vốn đầu tư công của tỉnh trong năm 2020 là 5.413 tỷ đồng, tính đến ngày 30/6/2020 đã giải ngân hơn 80%. Phát biểu tham luận tại cuộc họp ở điểm cầu tỉnh Tiền Giang, đồng chí Lê Văn Hưởng đã nêu một số giải pháp mà UBND tỉnh Tiền Giang đã thực hiện trong thời gian qua. Cụ thể, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tính toán các biện pháp để chỉ đạo ngay trong thường trực ủy ban và các sở, ngành. HĐND tỉnh Tiền Giang đã có nghị quyết ban hành cho UBND tỉnh điều hành linh động, kịp thời điều chuyển vốn ở các công trình. Đặc biệt, UBND tỉnh có quy định đến tháng 6/2020, những công trình nào không giải ngân được phải xin ý kiến HĐND tỉnh cho dừng lại để chuyển vốn cho các công trình khác. Nhờ đó, việc chỉ đạo công tác giải ngân vốn của UBND tỉnh gặp nhiều thuận lợi. Cùng với đó, UBND tỉnh đã phân công 4 đồng chí thường trực UBND tỉnh thành lập các tổ làm việc với các huyện, thị, thành để giải quyết hồ sơ, thủ tục và hỗ trợ giải phóng mặt bằng…

    IV. THƯƠNG MẠI - GIÁ CẢ - DỊCH VỤ

    1. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng:

    Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong tháng thực hiện 5.135 tỷ đồng, tăng 4,9% so tháng trước và giảm 1% so cùng kỳ. Bảy tháng đầu năm 2020, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thực hiện 33.570 tỷ đồng, đạt 49,4% kế hoạch, giảm 4,9% so cùng kỳ. Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp 27.625 tỷ đồng, giảm 0,7%; lưu trú 34 tỷ đồng, giảm 57,4%; ăn uống 3.068 tỷ đồng, giảm 17,9%; du lịch lữ hành 24 tỷ đồng, giảm 66,2%; dịch vụ tiêu dùng khác 2.819 tỷ đồng, giảm 21% so cùng kỳ.

    Hoạt động xúc tiến thương mại trong tháng: Thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ và Quyết định 1635/QĐ-BCT ngày 19/6/2020 của Bộ Công thương, Sở Công thương tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch số 1445/KH-SCT ngày 13/7/2020 về việc tổ chức “Chương trình khuyến mại tập trung Tiền Giang 2020 - Tien Giang Grand Sale 2020”. Chương trình được thực hiện từ 01/7 - 31/7/2020 tập trung cao điểm từ 24/7 - 31/7/2020 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sản xuất, kinh doanh ổn định, đạt hiệu quả cao, tích cực quảng bá sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp.

    2. Xuất - Nhập khẩu:

    a. Xuất khẩu:

    Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng thực hiện 252 triệu USD; trong đó: kinh tế ngoài nhà nước 40 triệu USD, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 208 triệu USD. Bảy tháng xuất khẩu 1.581 triệu USD, đạt 46,5% kế hoạch, giảm 7,6% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế nhà nước 20 triệu USD, tăng 20,7%; kinh tế ngoài nhà nước 331 triệu USD, giảm 16%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 1.230 triệu USD, giảm 5,4% so cùng kỳ.

    Tình hình xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh như sau:

    - Thủy sản: ước tính tháng 7/2020 xuất 9.661 tấn, về trị giá đạt 19,8 triệu USD. Bảy tháng xuất 61.985 tấn, giảm 13,9%; về trị giá đạt 146,6 triệu USD, giảm 28% so cùng kỳ.

    - Gạo: ước tính tháng 7/2020 xuất 20.830 tấn, về giá trị đạt 11,8 triệu USD. Bảy tháng xuất 151.293 tấn, tăng 88,2%, về trị giá đạt 78,6 triệu USD, tăng 108,7% so cùng kỳ.

    - May mặc: ước tính tháng 7/2020 xuất 2.296 ngàn sản phẩm, về giá trị xuất đạt 40 triệu USD. Bảy tháng xuất 46.137 ngàn sản phẩm, tăng 1,5%, về giá trị đạt 275 triệu USD, giảm 20,1% so cùng kỳ.

    Ngoài các mặt hàng chủ yếu, trị giá xuất khẩu một số mặt hàng trong 7 tháng năm 2020 như: hàng rau quả xuất 17,3 triệu USD, tăng 2,1%; sản phẩm mây, tre, cói, thảm xuất 5,1 triệu USD, giảm 14,1%; xơ, sợi dệt các loại 42,4 triệu USD, tăng 35,7%... so cùng kỳ.

    b. Nhập khẩu:

    Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng 7/2020 đạt 121 triệu USD. Bảy tháng, kim ngạch nhập khẩu 857 triệu USD, đạt 42,9% kế hoạch, giảm 14,1% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế ngoài nhà nước nhập 53 triệu USD, giảm 30,3%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhập 804 triệu USD, giảm 12,8% so cùng kỳ. Nguyên liệu nhập khẩu 7 tháng chủ yếu các mặt hàng như vải các loại 95,4 triệu USD, giảm 23,3%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày 134,3 triệu USD, giảm 47,9%; kim loại thường khác 325 triệu USD, tăng 61,1%... so cùng kỳ.

    3. Chỉ số giá:

    Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2020 tăng 0,27% so tháng 6/2020 (thành thị tăng 0,33%, nông thôn tăng 0,26%); so cùng kỳ tăng 3,19%. So với tháng 6/2020, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 5 nhóm tăng: may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,04%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,02%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%; giao thông tăng 4,5% và nhóm hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,36%. Có 4 nhóm giảm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,28%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,08%; bưu chính viễn thông giảm 0,07% và văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,05%. Riêng nhóm đồ uống và thuốc lá và nhóm giáo dục chỉ số giá ổn định.

    Nguyên nhân chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2020 tăng so tháng 6/2020:

    - Giá xăng dầu tăng ngày 27/6/2020, làm cho chỉ số giá tăng 9,02% so với tháng trước, tính chung xăng A95 tăng 890 đồng/lít, dầu Diezen 0,05S tăng 600 đồng/lít… đóng góp vào mức tăng CPI chung khoảng 0,38%.

    - Giá gas ngày 01/7/2020 tăng 1,15% so tháng trước, làm cho nhóm gas và chất đốt tăng 0,96%, đóng góp vào mức tăng CPI chung khoảng 0,01%.

    - Một số mặt hàng như xà phòng và chất tẩy rửa tăng 0,17% do nhu cầu sử dụng tăng trong mùa mưa và mặt hàng đồ chơi trẻ em tăng 0,78% do vào mùa hè nhu cầu vui chơi, giải trí của trẻ em tăng, dẫn đến giá tăng nhẹ.

    Bên cạnh đó, một số mặt hàng có chỉ số giá giảm nhưng tỷ trọng quyền số nhỏ nên tác động chưa đủ lớn đến chỉ số giá tiêu dùng chung như:

    - Giá gạo giảm 0,37% do tại địa phương đang bước vào thu hoạch lúa vụ Xuân Hè, dẫn đến sản lượng lúa dồi dào.

    - Sau nhiều tháng giá thịt lợn luôn đứng ở mức cao do cầu lớn hơn cung, đến tháng 7 năm 2020 giá thịt lợn giảm 2,63% so với tháng trước, nguyên nhân do sự điều hành quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ cùng với sự phối hợp của các Bộ, Ngành liên quan góp phần làm hạ nhiệt giá thịt lợn trên thị trường thông qua các biện pháp như: nhập khẩu thịt lợn, đồng thời phân phối mặt hàng thịt lợn vào kênh bán lẻ như hệ thống siêu thị, bách hoá xanh… từ khu vực thành thị đến nông thôn, dẫn đến giá thịt lợn giảm bình quân từ 2.000 - 3.000 đồng/kg so tháng trước. Cùng với đó, một số mặt hàng thực phẩm tươi sống khác giá giảm như: thịt bò giảm 0,26%, thịt gà giảm 039%, tôm tươi hoặc ướp lạnh giảm 0,63%, rau tươi, khô và chế biến giảm 0,28% và quả tươi, chế biến giảm 0,47%.

    - Giá nước sinh hoạt giảm 0,28%, giá điện giảm 0,7% do thực hiện việc hỗ trợ giá điện, nước sinh hoạt cho các khách hàng sử dụng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19; mặc khác, tại Tiền Giang mưa nhiều thời tiết mát, người dân sử dụng điện ít và dùng nước mưa thay cho nước máy.

    Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 7 tháng năm 2020 so cùng kỳ tăng 3,73%, một số nhóm hàng có giá tăng nhiều trong 7 tháng năm 2020 so cùng kỳ như: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 10,19%; nhóm giáo dục tăng 6,8%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,85%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,34%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,79%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,69%...

    Chỉ số giá vàng 24 kara Ngọc Thẩm trong tháng 7/2020 tăng 3,55% so tháng trước, giá bình quân tháng 7/2020 là 4.962 ngàn đồng/chỉ, tăng 1.081 ngàn đồng/chỉ so cùng kỳ.

    Chỉ số giá đô la Mỹ trong tháng 7/2020 giảm 0,22% so tháng trước, giá bình quân 23.287 đồng/USD, giảm 29 đồng/USD so cùng kỳ.

    4. Du lịch:        

    Trong tháng 7/2020, dịch vụ lưu trú ăn uống và du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục được hồi phục sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội và phòng chống dịch Covid-19, lượng khách du lịch đến tỉnh dự kiến tăng so tháng trước do học sinh, sinh viên bước vào kỳ nghỉ hè, nhu cầu đi tham quan du lịch tăng mạnh.

    Khách du lịch đến trong tháng 7/2020 được 70,3 ngàn lượt khách, tăng 10,8% so tháng trước và giảm 58% so cùng kỳ; trong đó: khách du lịch quốc tế 0,4 ngàn lượt khách, giảm 74,6% so cùng kỳ. Doanh thu lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ tiêu dùng khác trong tháng 7 đạt 1.093 tỷ đồng, tăng 4,8% so tháng trước và tăng 0,6% so cùng kỳ.

    Tính chung bảy tháng đầu năm 2020, lượt khách du lịch đến Tiền Giang là 516,4 ngàn lượt khách, đạt 23,5% kế hoạch và giảm 56,2% so cùng kỳ; trong đó: khách quốc tế 95,6 ngàn lượt khách, đạt 10,6% kế hoạch, giảm 74,6% so cùng kỳ. Tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch đạt 5.944 tỷ đồng, giảm 20,3% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng 51,6%, ước đạt 3.068 tỷ đồng, giảm 17,9%; lưu trú đạt 34 tỷ đồng, giảm 57,4% so cùng kỳ... Trong khi lượng khách nội địa đang hồi phục dần thì lượng khách quốc tế đến tỉnh tiếp tục giảm so cùng kỳ, nguyên nhân khách du lịch quốc tế hiện nay chưa được cấp phép nhập cảnh, lượng người nước ngoài nhập cảnh chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật cao đang làm việc tại các dự án ở Việt Nam.

    5. Vận tải:

    Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải trong tháng thực hiện 168 tỷ đồng, tăng 3,9% so tháng trước và giảm 18% so cùng kỳ. Bảy tháng thực hiện 1.172 tỷ đồng, giảm 15,1% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu vận tải hành khách thực hiện 331 tỷ đồng, giảm 24,5%; doanh thu vận tải hàng hóa thực hiện 719 tỷ đồng, giảm 11,2% so cùng kỳ. Doanh thu vận tải đường bộ thực hiện 560 tỷ đồng, giảm 20,8%; doanh thu vận tải đường thủy thực hiện 491 tỷ đồng, giảm 9,4%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải 122 tỷ đồng, giảm 8% so cùng kỳ.

    Vận tải hành khách trong tháng đạt 3.160 ngàn hành khách, tăng 3,8% so tháng trước và giảm 7% so cùng kỳ; luân chuyển 53.477 ngàn hành khách.km, tăng 3,5% so tháng trước và giảm 21% so cùng kỳ. Bảy tháng, vận chuyển 19.865 ngàn hành khách, giảm 27,1% so cùng kỳ; luân chuyển 346.050 ngàn hành khách.km, giảm 28,2% so cùng kỳ; trong đó: vận tải đường bộ 8.462 ngàn hành khách, giảm 18,1% và luân chuyển 328.114 ngàn hành khách.km, giảm 27,6% so cùng kỳ; vận tải đường thủy 11.403 ngàn hành khách, giảm 32,6% và luân chuyển 17.936 ngàn hành khách.km, giảm 37,9% so cùng kỳ.

    Vận tải hàng hóa trong tháng đạt 968 ngàn tấn, tăng 3,8% so tháng trước và giảm 15,2% so cùng kỳ; luân chuyển 123.336 ngàn tấn.km, tăng 3,2% so tháng trước và giảm 21,7% so cùng kỳ. Bảy tháng, vận tải 6.731 ngàn tấn hàng hóa, giảm 15,4% so cùng kỳ; luân chuyển 871.551 ngàn tấn.km, giảm 14,9% so cùng kỳ; trong đó: vận tải đường bộ 1.455 ngàn tấn, giảm 22% và luân chuyển 180.689 ngàn tấn.km, giảm 25,3% so cùng kỳ; vận tải đường thủy 5.276 ngàn tấn, giảm 13,5% và luân chuyển 690.862 ngàn tấn.km, giảm 11,7% so cùng kỳ.

    6. Bưu chính viễn thông:

    Doanh thu trong tháng 7/2020 đạt 262 tỷ đồng, tăng 0,7% so tháng trước và tăng 11,8% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu bưu chính đạt 23 tỷ đồng, tăng 1,4% và viễn thông 239 tỷ đồng, tăng 0,6% so tháng trước. Bảy tháng doanh thu dịch vụ bưu chính, viễn thông đạt 1.758 tỷ đồng, tăng 8,8% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu bưu chính đạt 144 tỷ đồng, tăng 26,4% và viễn thông 1.614 tỷ đồng, tăng 7,4% so cùng kỳ.

    Tổng số thuê bao điện thoại có trên mạng đến cuối tháng 7/2020 là 105.698 thuê bao, mật độ bình quân đạt 6 thuê bao/100 dân (chỉ tính thuê bao cố định và di động trả sau). Thuê bao internet có trên mạng cuối tháng 7/2020 là 245.685 thuê bao, mật độ internet bình quân đạt 13,9 thuê bao/100 dân. Số lượng điện thoại cố định có dây, không dây tiếp tục giảm, do thị trường phát triển thuê bao dần bảo hòa dẫn đến khách hàng dần chuyển sang sử dụng điện thoại di động, trong đó chủ yếu là điện thoại di động trả trước. Số thuê bao điện thoại di động có sử dụng internet (3G, 4G) đến cuối tháng 6 năm 2020 là 1.287.081 thuê bao.

    V. TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG

    1. Tài chính:

    Tổng thu ngân sách nhà nước trong tháng thực hiện 994 tỷ đồng; trong đó: thu ngân sách trên địa bàn 840 tỷ đồng, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 250 tỷ đồng. Bảy tháng, thu 13.918 tỷ đồng, đạt 93,5% kế hoạch, tăng 38,8% so cùng kỳ; trong đó: thu ngân sách trên địa bàn thực hiện 6.138 tỷ đồng, đạt 55,2% dự toán và giảm 9% so cùng kỳ; thu nội địa 5.994 tỷ đồng, đạt 55,5% dự toán, giảm 8,9% so cùng kỳ (trong thu ngân sách trên địa bàn: thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 1.953 tỷ đồng, đạt 46,4% dự toán, giảm 18,3% so cùng kỳ; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 704 tỷ đồng, đạt 50,3% dự toán, giảm 9,3% so cùng kỳ...).

    Tổng chi ngân sách nhà nước trong tháng 1.130 tỷ đồng; trong đó: chi đầu tư phát triển 500 tỷ đồng. Bảy tháng, chi 10.729 tỷ đồng, đạt 78% dự toán, tăng 73,1% so cùng kỳ; trong đó: chi đầu tư phát triển 3.221 tỷ đồng, đạt 71,5% dự toán, tăng 70,1% so cùng kỳ; chi hành chính sự nghiệp 3.964 tỷ đồng, đạt 56,4% dự toán và tăng 19,2% so cùng kỳ.

    2. Ngân hàng:

    Đến cuối tháng 6/2020, vốn huy động đạt 73.094 tỷ, tăng 5,3% so với cuối năm 2019, cao hơn so với mức chung của toàn ngành (toàn ngành tăng 5,1%); tổng dư nợ toàn tỉnh đạt 58.976 tỷ đồng, (trong đó: nợ ngắn hạn chiếm 58,2%), tăng 4,7% so với cuối năm 2019, cao hơn so với mức tăng của toàn ngành (toàn ngành tăng 3,3%). So với cùng kỳ năm trước, vốn huy động giảm 3,5%, dư nợ giảm 3,1%. Hiện, nguồn vốn tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đang rất dồi dào, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Ước đến cuối tháng 7/2020, nguồn vốn huy động đạt 73.704 tỷ đồng, tăng 6,1%; tổng dư nợ đạt 59.518 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cuối năm 2019.

    Mặt bằng lãi suất trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì phù hợp, ổn định ở mức thấp. Đến cuối tháng 6/2020 mặt bằng lãi suất huy động và cho vay VND của các tổ chức tín dụng có xu hướng giảm so với đầu năm, giảm ở cả ngắn, trung và dài hạn; trần lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên hiện ở mức 5%/năm, qua đó góp phần giảm bớt khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

    Nợ xấu: ước đến cuối tháng 7/2020, nợ xấu là 627 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 1,1%, tăng 0,2% so với cuối năm 2019.

    VI. KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

    Trong tháng, Hội đồng tư vấn tuyển chọn thẩm định 4 nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH và CN); trong đó có 2 nhiệm vụ cấp tỉnh là đề tài Nghiên cứu mô hình quản lý và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh; đề tài Nghiên cứu đánh giá tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật trong đất, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên các nhóm nông sản đặc thù của tỉnh và đề xuất biện pháp quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả. Nghiệm thu kết thúc 1 nhiệm vụ cấp tỉnh, đề tài Nghiên cứu ứng dụng các chủng loại vi sinh vật có ích để xử lý đáy ao và nước ao nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông. Nghiệm thu kết thúc giai đoạn 2 nhiêm vụ KH và CN cấp cơ sở...

    Đến cuối tháng 7/2020, thẩm định nội dung 15 nhiệm vụ, nghiệm thu kết thúc 8 nhiệm vụ, nghiệm thu giai đoạn 6 nhiệm vụ, triển khai 6 nhiệm vụ, công nhận kết quả 7 nhiệm vụ, nghiệm thu kết thúc 3 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng năm 2019, thẩm định nội dung và kinh phí 3 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng năm 2020.

    VII. CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI

    1. Lao động việc làm:

    Trong tháng, tư vấn 3.545 lượt lao động, tăng 8% so cùng kỳ trong đó: tư vấn nghề cho 810 lượt lao động, tư vấn việc làm 219 lượt lao động, tư vấn việc làm cho 2.385 lượt lao động thất nghiệp, tư vấn pháp luật và tư vấn khác cho 131 lượt lao động; giới thiệu việc làm cho 262 lượt lao động, giảm 31,2% so cùng kỳ; đã giới thiệu cho 134 lao động có được việc làm ổn định; tiếp nhận 2.727 người đăng ký thất nghiệp, đã ban hành 2.938 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, với tổng số tiền chi trả 44.667 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, đã tư vấn 16.650 lượt lao động, tăng 23,3% so cùng kỳ và đạt 83,3% kế hoạch, trong đó: tư vấn nghề cho 1.160 lượt lao động, tư vấn việc làm 1.474 lượt lao động, tư vấn việc làm cho 13.435 lượt lao động thất nghiệp, tư vấn pháp luật lao động và tư vấn khác cho 577 lượt lao động; giới thiệu việc làm cho 1.145 lượt lao động, giảm 3,9% so cùng kỳ và đạt 45,8% kế hoạch; đã giới thiệu cho 593 lao động có được việc làm ổn định, giảm 9,5% so cùng kỳ; tiếp nhận 13.843 người đăng ký thất nghiệp, đã ban hành 12.405 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, với số tiền chi trả tương đương 190.554 triệu đồng, tăng 74,8% so cùng kỳ.

    Trong tháng, tư vấn cho 65 lượt lao động có nguyện vọng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, và không có lao động xuất cảnh. Từ đầu năm đến nay, đã tư vấn cho 390 lượt lao động có nguyện vọng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, có 30 lượt lao động đăng ký tham gia và đã có 171 lao động xuất cảnh, trong đó: xuất cảnh qua Nhật Bản là 145 lao động, Đài Loan là 22 lao động, Hàn Quốc 1 lao động...

    2. Chính sách xã hội:

    Sở Tài chính trình UBND tỉnh dự thảo điều chỉnh giảm giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo dự thảo, sẽ giảm 10% giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt đô thị cho các hộ dân cư và nước sạch sinh hoạt nông thôn theo thực tế sử dụng nhưng không quá 10 m3/tháng được UBND tỉnh quy định đơn giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Thời gian điều chỉnh giảm giá trong thời gian 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020, áp dụng cho chu kỳ hóa đơn tháng 5, 6 và 7/2020.

    Vận động quỹ đền ơn đáp nghĩa trong tháng vận động được 2,1 tỷ đồng, đạt 59% kế hoạch, giảm 21% so cùng kỳ; xây dựng 21 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 840 triệu đồng; sữa chữa 8 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 160 triệu động. Từ đầu năm đến nay, xây dựng 66 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí trên 2,6 tỷ đồng, đạt 54% kế hoạch, tăng 17% so cùng kỳ; sửa chữa 35 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 700 triệu đồng.

    Tổ chức 13 Đoàn đi thăm tặng quà gia đình chính sách nhân ngày thương binh, liệt sĩ 27/7/2020, số lượng 100 hộ chính sách, số tiền 2 triệu đồng/hộ, thời gian từ ngày 14/7/2019 - 23/7/2020; duyệt danh sách chi quà Lễ 27/7 cho các đối tượng người có công với cách mạng; tổ chức đoàn người có công đi tham quan Côn Đảo từ ngày 17-19/6/2020, Phú Quốc từ ngày 23-26/6/2020 và đoàn Cựu chiến binh đi thăm nhà tù Côn Đảo từ ngày 06-08/7/2020; chuẩn bị tổ chức đưa 7 Bà mẹ Việt Nam anh hùng đi dự gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc năm 2020 tại Hà Nội…

    3. Hoạt động y tế:

    Trong tháng đã khám chữa bệnh cho 422.800 lượt người, giảm 6,3% cùng kỳ. Bảy tháng khám chữa bệnh cho 2.468.702 lượt người, giảm 23,4% so cùng kỳ; trong đó, số người điều trị nội trú là 106.978 người, giảm 23,3% so cùng kỳ. Công suất sử dụng giường bệnh bình quân trong tháng đạt 80,7%, trong đó: công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đạt 86,8%, các bệnh viện chuyên khoa đạt 82,5%, các bệnh viện tuyến huyện đạt 64%... Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được ngành y tế quan tâm. Trong tháng thực hiện kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm các cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm 1.048 lượt, đạt vệ sinh là 1.017 lượt, tỷ lệ 97%; trong tháng không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.

    Đẩy mạnh công tác tuyên truyền  cho nhân dân nâng cao ý thức phòng, ngừa dịch bệnh. Trong tháng có 9/44 bệnh truyền nhiễm được ghi nhận, so với cộng dồn cùng kỳ: về số mắc, có 2 bệnh tăng là lao phổi, viêm gan siêu vi A; 15 bệnh giảm; 27 bệnh tương đương và hoặc không xảy ra ca mắc; không ghi nhận tử vong do bệnh truyền nhiễm. Trong tháng ghi nhận 112 ca mắc số xuất huyết, cộng dồn số ca mắc từ đầu năm đến nay 897 ca, giảm 23,5% so cùng kỳ; không xảy ra tử vong do mắc sốt xuất huyết. Tính đến thời điểm hiện nay, tổng số cas nhiễm HIV là 33.190 người, tổng số cas AIDS là 10.657 người, tử vong 5.774 người…

    4. Hoạt động giáo dục:

    Ngành Giáo dục chỉ đạo thực hiện các nội dung trọng tâm sau: tổ chức kiểm tra học kỳ 2 và tổng kết năm học 2019-2020; hướng dẫn xét tốt nghiệp THCS năm 2020 và tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông (THPT) ở Tiền Giang được tổ chức vào 3 ngày 17, 18 và 19/7 chung cho thí sinh thi vào lớp 10 trường THPT Chuyên Tiền Giang và các trường trung học phổ thông công lập trên toàn tỉnh. Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 do Sở Giáo dục và Đào tạo ra đề, các môn Ngữ văn, Toán và các môn chuyên theo hình thức tự luận; riêng môn Tiếng Anh thi theo hình thức trắc nghiệm, bài thi được chấm bằng máy và xử lý kết quả bằng phần mềm chuyên dụng. Tính đến đầu tháng 7 toàn tỉnh có khoảng 18.132 học sinh đăng ký dự thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập tại 33 hội đồng thi với tổng cộng 770 phòng thi. Nhiều trường có số thí sinh dự thi khá cao như: Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (1.033 thí sinh); THPT Chợ Gạo (886 thí sinh); THPT Đốc Binh Kiều (859 thí sinh)...

    5. Hoạt động văn hóa - thể thao:

    Trong tháng, Ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tập trung tổ chức các hoạt động trọng tâm: tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Mỹ Tho hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2019 và lễ công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận thị xã Cai Lậy là đô thị loại III; triển khai công tác tuyên truyền Đại hội Đảng các cấp , tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025; tổ chức họp mặt chủ đề “Gia đình - Bến đỗ bình yên của mỗi người”, giao lưu gia đình văn hóa tiêu biểu, tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu 05 năm (2015 - 2020) nhân ngày Gia đình Việt Nam; tiếp tục triển khai thực hiện phương án củng cố và phục hồi các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình sau thời gian phòng, chống dịch bệnh covid-19.

    Phong trào thể dục - thể thao trên địa bàn tỉnh luôn được duy trì và phát triển với nhiều hình thức: tổ chức thành công giải Bóng bàn Đại hội thể thao đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VIII  năm 2020, từ ngày 15/6 – 20/6/2020, kết quả: đoàn Tiền Giang đạt 5 HCV, 3 HCB và 5 HCĐ; Tổ chức thành công giải Cầu lông Công đoàn Viên chức tỉnh Tiền Giang, từ ngày 1/7 – 4/7/2020; tổ chức giải Boxing Đại hội thể thao đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VIII năm 2020, từ ngày 26/6 – 29/6/2020, kết quả đoàn Tiền Giang đạt 9 HCV, 8 HCB, 5 HCĐ; đội KickBoxing tham dự giải vô địch Cúp các câu lạc bộ KickBoxing toàn quốc năm 2020, từ ngày 14/6 - 25/6/2020, tại Đắk Nông, kết quả đoàn Tiền Giang đạt 01 HCV, 01 HCB, 01 HCĐ...

    6. Tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội: Theo báo cáo của ngành Công an

    Lực lượng Công an chủ động bố trí lực lượng bảo vệ tuyệt đối an toàn 3 đoàn công tác của lãnh đạo Trung ương, đoàn Tổng lãnh sự quán Mỹ, Thái Lan đến thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh.

    Tội phạm về trật tự xã hội xảy ra 123 vụ (so với tháng 6/2020, tăng 6 vụ), làm chết 2 người, bị thương 9 người, tài sản thiệt hại trị giá khoảng 3,6 tỷ đồng. Điều tra khám phá bước đầu tỷ lệ đạt 37,4%, bắt xử lý 60 đối tượng, thu hồi tài sản trị giá khoảng 153 triệu đồng.

    Tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy, kinh tế, môi trường: phát hiện, xử lý 20 vụ với 28 đối tượng có hành vi vận chuyển, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy và xử lý vi phạm hành chính 182 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy; 7 trường họp vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế và 5 trường họp vi phạm pháp luật về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tài nguyên.

    7. Trật tự an toàn giao thông: Theo báo cáo của ngành Công an

    Giao thông đường bộ: trong tháng tai nạn giao thông xảy ra 37 vụ, làm chết 25 người, bị thương 17 người; so tháng trước tai nạn tăng 5 vụ, số người chết tăng 8 người, số người bị thương giảm 2 người; so cùng kỳ tai nạn tăng 5 vụ, số người chết tương đương, số người bị thương giảm 3 người. Từ đầu năm đến nay, tai nạn giao thông xảy ra 198 vụ, tăng 44 vụ so cùng kỳ; làm chết 123 người, tăng 15 người so cùng kỳ; bị thương 103 người, tăng 18 người so cùng kỳ.

    Vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong tháng xảy ra 8.985 vụ tăng 3.338 vụ so tháng trước và tăng 2.073 vụ so cùng kỳ, đã xử lý phạt tiền 2.236 vụ với số tiền phạt 6.184 triệu đồng. Tổng số vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ từ đầu năm đến nay 41.407 vụ, giảm 690 vụ so cùng kỳ, đã xử lý tạm giữ giấy tờ và phương tiện 26.282 vụ, tước giấy phép lái xe 1.840 vụ, phạt tiền 15.125 vụ với số tiền phạt 25.114 triệu đồng.

    Giao thông đường thủy: trong tháng xảy ra 1 vụ tai nạn, không có người chết và bị thương. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ tai nạn, tăng 5 vụ so với cùng kỳ, không phát sinh số người chết và bị thương.

    Vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy trong tháng xảy ra 1.859 vụ, tăng 484 vụ so tháng trước và giảm 102 vụ so cùng kỳ; đã xử lý vi phạm phạt tiền tại chỗ 1.516 vụ với số tiền phạt 466,7 triệu đồng. Tổng số vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy từ đầu năm đến nay 9.655 vụ, giảm 635 vụ so cùng kỳ; đã xử lý vi phạm phạt tiền 8.022 vụ với số tiền phạt: 2.587 triệu đồng.

    8. Tình hình cháy nổ, môi trường:

    Trong tháng trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ cháy trên địa bàn các huyện Cái Bè (1 vụ), thị xã Cai Lậy (2 vụ), Châu Thành (1 vụ), Tân Phước (1 vụ), không gây thiệt hại về người, tài sản thiệt hại ước tính khoảng 7.950 triệu đồng; nguyên nhân đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 22 vụ cháy, tổng giá trị tài sản thiệt hại khoảng 72,6 tỷ đồng.

    Trong tháng Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử lý 2 vụ, tổng số tiền nộp vào ngân sách nhà nước trên 76 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, tổng số vụ vi phạm môi trường được phát hiện và xử lý 34 vụ với tổng số tiền xử phạt trên 460,6 triệu đồng. Nội dung vi phạm chủ yếu phát hiện qua kiểm tra là do khoan thăm dò và khai thác nước dưới đất không giấy phép; xả nước thải vào nguồn nước khi giấy phép hết hạn; khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không giấy phép.

SL ước tháng 7 - 2020

Các tin cùng chuyên mục:
Hiển thị kết quả 1-10 (của 21)
Trang:1 - 2 - 3Trang đầu « Lùi · Tới » Trang cuối

Một số chỉ tiêu chủ yếu tháng 02 năm 2024 (tăng/giảm) so với cùng kỳ năm 2023 của tỉnh Tiền Giang (%)

Chỉ số sản xuất công nghiệp(*)

-18,0

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

+8,9

Khách quốc tế đến Tiền Giang

+25,9

Thực hiện vốn đầu tư ngân sách nhà nước

-12,3

Chỉ số giá tiêu dùng (*)

+1,05

(*): so với tháng trước.

1. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024 (xem chi tiết):

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (theo giá so sánh 2010) tăng từ 7,0 – 7,5% so với năm 2023;

- Cơ cấu kinh tế: khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 35,1%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 29,6%, khu vực dịch vụ (bao gồm thuế sản phẩm) chiếm 35,3%.

- GRDP bình quân đầu người đạt 75,8 - 76,2 triệu đồng/người/năm;

- Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 5 tỷ USD;

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 50.400 – 50.650 tỷ đồng;

- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 8.801 tỷ đồng;

- Tổng chi ngân sách địa phương 14.456 tỷ đồng;

- Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 890 doanh nghiệp.

Tìm kiếm thông tin
Thông tin người dùng
User Online: 18
Truy cập: 1.990.070
Truy cập tháng: 71.402
User IP: 3.135.219.166

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH TIỀN GIANG
21 đường 30/4, phường 1, Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang
ĐT: 0273. 3872582 - Fax: 0273. 3886 952 - Email:tiengiang@gso.gov.vn