Số 21 đường 30/4 - phường 1 - TP Mỹ Tho - tỉnh Tiền Giang               Hotline: 0273 3872 582               Email: tiengiang@gso.gov.vn

"CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG CỤC THỐNG KÊ TỈNH TIỀN GIANG SỐNG VÀ LÀM VIỆC THEO HIẾN PHÁP VÀ PHÁP LUẬT"

 

 

Tổng Cục Thống kê

Cổng Thông tin điện tử

tỉnh Tiền Giang

                                                                                     - Hướng dẫn Đăng ký tài khoản (Xem Clip)

                                                                                     - Hướng dẫn tra cứu thông tin (Xem Clip)

                                                                                  - Hướng dẫn đăng ký hộ kinh doanh (Xem Clip)

                                                                                     - Hướng dẫn đăng ký khai sinh (Xem Clip)

Thăm Dò Ý Kiến
Thông tin bạn quan tâm nhất trên trang web này





Năm 2020
Thông cáo báo chí Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang 6 tháng đầu năm 2020
Thứ hai, Ngày 29 Tháng 6 Năm 2020

THÔNG CÁO BÁO CHÍ 

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang 6 tháng đầu năm 2020

    I. TÌNH HÌNH CHUNG

    Đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng khắp toàn cầu đã khiến bức tranh kinh tế thế giới năm 2020 bị bao phủ bởi nhiều gam màu tối. Theo các tổ chức quốc tế và định chế tài chính, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2020. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu giảm 3% trong năm 2020, xấu hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra hai kịch bản, theo đó trong kịch bản xấu nếu dịch Covid-19 bùng phát lần 2, GDP toàn cầu giảm 7,6% trong năm 2020. Với kịch bản có thể tránh được Covid-19 bùng phát lần 2, GDP thế giới sẽ tăng trưởng -6,0% trong năm 2020. Liên hợp quốc (UN) cho rằng GDP toàn cầu sẽ giảm 4,9% trong năm 2020. Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định tăng trưởng toàn cầu năm 2020 giảm 5,2%, suy thoái lớn nhất trong gần 80 năm qua. Trung Quốc, quốc gia được coi là công xưởng của thế giới, gần rơi vào suy thoái với tăng trưởng đạt 1%, mức thấp nhất trong hơn bốn thập kỷ qua. Năm 2020, dự báo tăng trưởng của Hoa Kỳ giảm 6,1%, khu vực đồng Euro giảm 9,1%, Nhật Bản giảm 6,1%, Ma-lai-xi-a giảm 3,1%, Thái Lan giảm 5,0%, Phi-li-pin giảm 1,9%. Biến động tiêu cực trên thị trường thương mại và tài chính, tăng trưởng tại nhiều nền kinh tế phát triển và mới nổi giảm mạnh với không ít rủi ro đặt ra nhiều thách thức cho các chính phủ trên toàn cầu.

    Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2020 chỉ có thể đạt mức 2,7% do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng sẽ tăng lên 7% năm 2021. Các biện pháp nghiêm ngặt của Chính phủ để ngăn chặn vi-rút, cộng với suy thoái kinh tế toàn cầu và nhu cầu nội địa yếu khiến tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 chậm hơn so với trung bình 7% trong năm 2018 và 2019. Một số ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19, đặc biệt là ngành du lịch, vận tải và lưu trú. Tuy nhiên, IMF cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ khởi sắc lên 7% trong năm 2021 nhờ chính sách nới lỏng tài chính và tiền tệ, kinh tế vĩ mô tương đối mạnh của Việt Nam, cũng như sự phục hồi dần nhu cầu ngoài nước.

    Tốc độ tăng sản phẩm trong nước (GDP)

    Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2020 ước tính tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020 (Quý II/2020 ước tính tăng 0,36%).

    Trong mức tăng trưởng 1,81% trong 6 tháng đầu năm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,19%, đóng góp 11,89% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,98%, đóng góp 73,14%; khu vực dịch vụ tăng 0,57%, đóng góp 14,97%. Động lực chính cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm là công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 4,96%) và các ngành dịch vụ thị trường (Bán buôn và bán lẻ tăng 4,3%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,78%).

    Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,44%; khu vực dịch vụ chiếm 42,04%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,36% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2019 là: 13,54%; 34,20%; 42,03%; 10,23%).

    II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ

    1. Tăng trưởng kinh tế (GRDP):

    Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 28.148 tỷ đồng, (giá so sánh năm 2010) giảm 0,83% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,02%), khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản giảm 5,54%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,39% và khu vực dịch vụ tăng 0,43 % (bao gồm thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm); Nếu tách riêng thuế sản phẩm thì khu vực dịch vụ giảm 0,37 % và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,09% so cùng kỳ. Tuy tốc độ tăng trưởng có giảm so cùng kỳ, nhưng đạt được kết quả trên là quyết tâm rất lớn của lãnh đạo địa phương, các ngành, các cấp trong chỉ đạo điều hành, cộng với sự  đồng lòng, phấn đấu vượt qua khó khăn của các cơ sở kinh tế và nhân dân trong tỉnh. GRDP nếu tính theo giá hiện hành đạt 46.767 tỷ đồng.

    Cơ cấu kinh tế: chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và giảm tỷ trọng nông nghiệp. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 39,7% (cùng kỳ 41,2%); khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 26,6% (cùng kỳ 25,7%); khu vực dịch vụ chiếm 27,5% (cùng kỳ 27,2%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6,2% (cùng kỳ 5,9%).  

    2. Sản xuất nông - thủy sản:

    a. Nông nghiệp:

    * Trồng trọt:

    Cây lương thực có hạt: 6 tháng đầu năm 2020, gieo trồng được 123.969 ha, đạt 71,2% kế hoạch, giảm 17,9% so cùng kỳ; sản lượng thu hoạch 523.626 tấn, đạt 49,8% kế hoạch, giảm 22,2% so cùng kỳ chủ yếu là do diện tích gieo trồng lúa vụ Đông Xuân 2019 - 2020 giảm 11,2%, mất trắng 913 ha và năng suất thu hoạch giảm 8,3% so cùng kỳ do ảnh hưởng xâm nhập mặn…; trong đó: cây lúa gieo sạ 121.347 ha, thu hoạch 79.605 ha với sản lượng 516.011 tấn, đạt 49,7% kế hoạch.

    Cây rau đậu các loại: 6 tháng gieo trồng 38.081 ha, thu hoạch 34.326 ha với sản lượng 662.736 tấn, đạt 57,1% kế hoạch, giảm 9% so cùng kỳ; trong đó: rau các loại 37.904 ha, thu hoạch 34.200 ha với sản lượng 662.351 tấn, giảm 9% so cùng kỳ do ảnh hưởng của hạn mặn, thiếu nước sản xuất nên diện tích thu hoạch giảm mặc dù năng suất thu hoạch có tăng. Ước thiệt hại về diện tích gieo trồng rau màu do ảnh hưởng của xâm nhập mặn trong 6 tháng đầu năm khoảng 810 ha (354 ha thiệt hại 30-70% và 456 ha thiệt hại >70%), chủ yếu tại huyện Châu Thành, Gò Công Tây và Gò Công Đông.

    Cây lâu năm: toàn tỉnh hiện có 100.826 ha, tăng 4% tương ứng tăng 3.846 ha so cùng kỳ, diện tích tăng chủ yếu ở các loại cây: thanh long 1.278 ha, đu đủ 237 ha, sầu riêng 1.388 ha, mít 1.742 ha, ổi 128 ha, chanh 395 ha, bưởi 97 ha…; một số cây có diện tích giảm: xoài 78 ha, khóm 217 ha, mãng cầu 156 ha, vú sữa 411 ha, cam 595 ha, nhãn 510 ha, chôm chôm 78 ha… Ước sản lượng thu hoạch 6 tháng 890.251 tấn, giảm 0,2% so cùng kỳ tương ứng giảm 1.308 tấn.

   * Chăn nuôi: ước thời điểm 01/6/2020 tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh như sau: đàn bò 118,9 ngàn con, giảm 1,2%; đàn lợn 323 ngàn con, giảm 34,4%; đàn gia cầm (không kể chim cút) 16,1 triệu con, tăng 8,7% so cùng kỳ.

    Đàn lợn giảm đáng kể so cùng kỳ do dịch bệnh còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn và xảy ra trên diện rộng, con giống không đảm bảo; một số hộ nuôi thua lỗ trước đây chuyển sang vật nuôi khác; giá cả thịt lợn hơi thường xuyên liên tục biến động, người chăn nuôi không dự đoán được thị trường nên rất lo lắng khi tái đàn… Tại thời điểm báo cáo: giá lợn hơi trên 90 ngàn đồng/kg. Theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay, do không cân đối được cung - cầu, nên việc giảm giá thịt lợn là khó thực hiện ngay.

    b. Thủy hải sản:

    6 tháng đầu năm 2020, thả nuôi 12.742 ha, đạt 81,2% kế hoạch, tăng 0,5% so cùng kỳ. Thủy sản nước ngọt nuôi 3.433 ha, giảm 5,9% so cùng kỳ. Thủy sản nước mặn, lợ nuôi 9.309 ha, tăng 3,1% so cùng kỳ.

    Sản lượng thủy sản thu hoạch 157.763 tấn, đạt 51,3% kế hoạch, giảm 0,2% so cùng kỳ; trong đó: sản lượng thu hoạch từ nuôi 89.982 tấn, đạt 52,1% kế hoạch, giảm 6,4% so cùng kỳ; sản lượng khai thác 67.781 tấn (khai thác biển 65.151 tấn), đạt 49,8% kế hoạch, tăng 9,9%.

    Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá các loại thủy sản vẫn ở mức thấp, trong đó giá nguyên liệu phục vụ chủ yếu cho xuất khẩu như tôm nước lợ và cá tra bị ảnh hưởng nhiều nhất, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu bị khách hàng nước ngoài hoãn, hủy hoặc không ký đơn hàng mới. Giá cá tra nguyên liệu hiện dao động từ 17.500 - 19.000 đ/kg (thấp hơn giá thành từ 1.000-4.500 đ/kg và thấp hơn cùng kỳ từ 5.000-7.000 đ/kg), các hộ nuôi gia đình khó xuất bán cá trong thời điểm này; giá cá điêu hồng thương phẩm hiện ở mức thấp từ 31.500-32.000 đ/kg (giá thành 31.000-33.000 đ/kg), người nuôi không có lãi.

    3. Sản xuất công nghiệp:

    Giá trị sản xuất công nghiệp địa phương 6 tháng đầu năm 2020 theo giá so sánh 2010 thực hiện 41.936 tỷ đồng, tăng 1,2% so cùng kỳ. Trong đó: khu vực kinh tế nhà nước 612 tỷ đồng, tăng 10%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước 19.844 tỷ đồng, giảm 0,1%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 21.480 tỷ đồng, tăng 2,2%. Phân theo ngành công nghiệp: chế biến chế tạo thực hiện 41.353 tỷ đồng, tăng 1,1%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí thực hiện 330 tỷ đồng, tăng 8,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý rác thải, nước thải thực hiện 253 tỷ đồng, tăng 10,8% so cùng kỳ.

    Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 6/2020 tăng 1,3% so tháng trước, so cùng kỳ giảm 3,8%. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý II/2020 giảm 4,6% so với cùng kỳ, chủ yếu giảm ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 5,5%. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 tăng 0,6% so cùng kỳ; trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,1%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 14,9%.

    4. Chỉ số giá tiêu dùng:

    Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2020 tăng 0,39% so tháng 5/2020 (thành thị tăng 0,38%, nông thôn tăng 0,4%); so cùng kỳ tăng 3,04%. So với tháng 5/2020, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 6 nhóm tăng: may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,18%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,24%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%; giao thông tăng 7,04%; giáo dục tăng 0,03% và hàng hóa dịch vụ khác tăng 0,39%. Có 4 nhóm giảm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,23%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,58%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,66%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,22%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông ổn định.

    Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý II/2020 tăng 2,69% so với cùng kỳ năm trước, do chỉ số giá nhóm lương thực tăng 4,59% vì dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thực hiện giãn cách xã hội, người dân mua gạo dự trữ, làm CPI chung tăng 0,22%; dịch tả lợn châu Phi bùng phát kéo dài làm chỉ số giá nhóm thịt lợn tăng 74,61%, làm cho CPI chung tăng 2,3%; nước mặn xâm nhập sâu nội đồng, ảnh hưởng đến diện tích, năng suất thu hoạch hoa màu, tác động nhóm rau tươi, khô và chế biến tăng 11,47%, làm cho CPI chung tăng 0,23%; thực hiện tăng học phí năm học mới 2019-2020 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ, theo đó, chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục tăng 6,79% làm tăng CPI chung 0,32%. So với cùng quý năm trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 8 nhóm hàng tăng giá: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 11,12%; giáo dục tăng 6,79%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,94%; đồ uống và thuốc lá tăng 3,2%; may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 2,42%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,79%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,49% và văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,19%. Có 3 nhóm giảm: giao thông giảm 22,37%; nhà ở, điện, nước và vật liệu xây dựng giảm 0,12% và bưu chính viễn thông giảm 0,57%.

    Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng năm 2020 so cùng kỳ tăng 3,82%, do: nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán tăng cao, tình hình hạn mặn xâm nhập sâu nội đồng, bùng phát dịch bệnh Covid-19… làm cho giá một số mặt hàng tiêu dùng thuộc nhóm lương thực, thực phẩm, dịch vụ ăn uống, đồ uống, dịch vụ giao thông công cộng, dịch vụ du lịch… tăng; bình quân 6 tháng đầu năm 2020 so cùng kỳ năm trước giá thực phẩm tăng 12,67%, trong đó, riêng giá thịt lợn tăng 67,78% làm cho CPI chung tăng khoảng 2,67%; giá các mặt hàng đồ uống, thuốc lá tăng 2,29% và các loại quần áo may sẵn tăng 2,96%; giá du lịch trọn gói tăng 0,84%; giá điện sinh hoạt cùng với nhu cầu tiêu dùng điện tăng vào dịp Tết và trong quý I/2020 thời tiết nắng nóng làm cho giá điện sinh hoạt 6 tháng đầu năm 2020 tăng 6,63% so với cùng kỳ năm trước; giá gỗ dùng đóng tủ, giường, bàn, ghế ngoài thị trường đang tăng cao, do nguồn cung bị hạn chế… tác động đến giá mặt hàng tủ, giường, bàn, ghế dùng trong gia đình 6 tháng đầu năm tăng 2,08% so với cùng kỳ năm trước; nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tăng giá sách giáo khoa năm học 2019-2020 làm cho chỉ số giá nhóm văn phòng phẩm tăng 4,85% so cùng kỳ năm trước.

    Chỉ số giá vàng 24 kara Ngọc Thẩm trong tháng 6/2020 tăng 2,33% so tháng trước, giá bình quân tháng 6/2020 là 4.792 ngàn đồng/chỉ, tăng 1.088 ngàn đồng/chỉ so cùng kỳ; bình quân quý II/2020 chỉ số giá vàng tăng 27,52% và chỉ số giá vàng bình quân 6 tháng 2020 tăng 24,42% so cùng kỳ. Giá vàng bình quân 6 tháng/2020 là 4.559 ngàn đồng/chỉ, tăng 897 ngàn đồng/chỉ so cùng kỳ.

    Chỉ số giá đô la Mỹ trong tháng 6/2020 giảm 0,62% so tháng trước, giá bình quân 23.338 đồng/USD, tăng 102 đồng/USD so cùng kỳ; bình quân quý II/2020 chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,51% và chỉ số giá đô la Mỹ bình quân 6 tháng 2020 tăng 0,32% so cùng kỳ. Giá đô la bình quân 6 tháng/2020 là 23.375 đồng/đô la, tăng 78 đồng/đô la so cùng kỳ.

    5. Thương mại, dịch vụ:                                             

    6 tháng đầu năm 2020, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 29.099 tỷ đồng, đạt 42,8% kế hoạch, giảm 3,3% so cùng kỳ. Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp 23.760 tỷ đồng, tăng 0,1%; lưu trú, ăn uống 2.554 tỷ đồng, giảm 21,4%; du lịch lữ hành 19 tỷ đồng, giảm 67,5%; dịch vụ tiêu dùng 2.766 tỷ đồng, giảm 9,6% so cùng kỳ. Loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2020 dự kiến giảm 6,9% so cùng kỳ. Đây là mức giảm đầu tiên của tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng của Tỉnh. Có hai nguyên nhân tác động: thứ nhất do tình hình lưu chuyển hàng hóa trong nền kinh tế giảm và nhất là các ngành dịch vụ trong quý II giảm sâu; thứ hai, chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2020 dự kiến tăng cao tác động kép lên tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ 6 tháng đầu năm 2020 giảm.

    Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 1.229,8 triệu USD, đạt 36,2% kế hoạch, giảm 14,6% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế nhà nước 15 triệu USD, tăng 7,4%; kinh tế ngoài nhà nước 286,2 triệu USD, giảm 14,7%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 928,6 triệu USD, giảm 14,9% so cùng kỳ.

    Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2020 thực hiện 676,7 triệu USD, đạt 33,8% kế hoạch, giảm 22,8% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế ngoài nhà nước 50,5 triệu USD, giảm 18%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 626,2 triệu USD, giảm 23,2% so cùng kỳ.

    Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải 6 tháng đầu năm 2020 thực hiện 1.012 tỷ đồng, giảm 13,9% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu vận tải hành khách thực hiện 281 tỷ đồng, giảm 24% so cùng kỳ; vận tải hàng hóa thực hiện 623 tỷ đồng, giảm 9,7% so cùng kỳ. Vận tải đường bộ thực hiện 477 tỷ đồng, giảm 20,5%; vận tải đường thủy thực hiện 427 tỷ đồng, giảm 7%; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải 108 tỷ đồng, giảm 7% so cùng kỳ.

    Vận chuyển hành khách 6 tháng đầu năm 2020 đạt 16.754 ngàn hành khách, giảm 29,3% và luân chuyển 288.435 ngàn hành khách.km, giảm 30,4% so cùng kỳ; trong đó: vận chuyển đường bộ 7.141 ngàn hành khách, giảm 19% và luân chuyển 272.784 ngàn hành khách.km, giảm 30% so cùng kỳ; vận chuyển đường thủy 9.613 ngàn hành khách, giảm 36% và luân chuyển 15.651 ngàn hành khách.km, giảm 36,4% so cùng kỳ.

    Vận tải hàng hóa 6 tháng đầu năm 2020 đạt 5.876 ngàn tấn, giảm 13,8% và luân chuyển 760.669 ngàn tấn.km, giảm 12,2% so cùng kỳ; trong đó: vận tải đường bộ thực hiện 1.264 ngàn tấn, giảm 21,3% và luân chuyển được 156.501 ngàn tấn.km, giảm 24,9% so cùng kỳ; vận tải đường thủy thực hiện 4.612 ngàn tấn, giảm 11,5% và luân chuyển 604.168 ngàn tấn.km, giảm 8,2% so cùng kỳ.

    6 tháng đầu năm 2020, ước lượng khách du lịch đến tỉnh 443,1 ngàn lượt, đạt 20,1% kế hoạch, giảm 56,2% so cùng kỳ; trong đó khách quốc tế 95 ngàn lượt, giảm 70,5%. Doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành 2.574 tỷ đồng, giảm 22,2% so cùng kỳ; trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 99,2%.

    6. Tài chính - Ngân hàng:

    Thu ngân sách nhà nước: 6 tháng đầu năm 2020 thu ngân sách trên địa bàn thực hiện 5.193 tỷ đồng, đạt 46,7% dự toán và giảm 9,8% so cùng kỳ; thu nội địa 5.081 tỷ đồng, đạt 47% dự toán, giảm 9,5% so cùng kỳ. Nếu loại trừ số thu tiền sử dụng đất thì chỉ có 01/11 huyện, thành, thị ước thu đạt trên 50% dự toán năm đó là thành phố Mỹ Tho đạt 51,3%, các đơn vị còn lại đều thu dưới 50% dự toán.

    Chi ngân sách nhà nước: Tổng chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2020 là 9.967 tỷ đồng (trong đó: chi cân đối ngân sách 6.934 tỷ đồng); đạt 72,4% dự toán, tăng 96,6% so cùng kỳ; trong đó: chi đầu tư phát triển 2.579 tỷ đồng, đạt 57,2% dự toán, tăng 60,6%; chi hành chính sự nghiệp 3.380 tỷ đồng, đạt 48,1% dự toán và tăng 11,8% so cùng kỳ. Trong đó: tạm ứng cho Sở Y tế, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh để phục vụ hoạt động của Bệnh viện dã chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là 16,6 tỷ đồng; tạm ứng cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để vận chuyển nước ngọt cứu khẩn cấp cây ăn trái và cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh trong mùa khô năm 2020 là 25 tỷ đồng.

    Ngân hàng: đến cuối tháng 5/2020, vốn huy động đạt 72.203 tỷ đồng, tăng 4% so với cuối năm 2019, có 10/29 NHTM vốn huy động giảm; tổng dư nợ toàn tỉnh đạt 58.009 tỷ đồng (trong đó: ngắn hạn chiếm 58,2%, trung dài hạn chiếm 41,8%), tăng 3,1% so với cuối năm 2019, có 12/29 NHTM dư nợ giảm. So cùng kỳ năm trước, vốn huy động giảm 2,9%, dư nợ giảm 2,2%. Ước tính đến cuối tháng 6/2020, tổng nguồn vốn huy động đạt 70.579 tỷ đồng, tăng 1,6%; tổng dư nợ 57.395 tỷ đồng, tăng 1,9% so với cuối năm 2019.

   7. Đầu tư và Xây dựng:                

    Vốn đầu tư toàn xã hội quý II/2020, ước thực hiện được 9.065 tỷ đồng, đạt 24,3% kế hoạch, tăng 12,2% so cùng kỳ; trong đó: vốn đầu tư của dân cư và tư nhân 6.125 tỷ đồng, chiếm 67,6%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 1.514 tỷ đồng, chiếm 16,7%, vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước 1.140 tỷ đồng, chiếm 12,6%. 6 tháng đầu năm 2020, vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện 16.033 tỷ đồng, đạt 43% kế hoạch, tăng 10,9% so cùng kỳ; trong đó: vốn đầu tư của dân cư và tư nhân 11.058 tỷ đồng, tăng 6,9%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 2.818 tỷ đồng, tăng 6,1%, vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước 1.6.43 tỷ đồng, tăng 49,7% so cùng kỳ.

    Trong 6 tháng đầu năm 2020, Ban Quản lý các khu công nghiệp Tiền Giang đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 5 dự án đầu tư mới, đạt 62,5% kế hoạch, tăng 66,7% so cùng kỳ. Trong đó: có 1 dự án đầu tư vào hạ tầng cụm công nghiệp, 3 dự án đầu tư vào khu công nghiệp và 1 dự án đầu tư vào cụm công nghiệp và điều chỉnh cho 14 lượt dự án đầu tư, tăng 7,7% so cùng kỳ; trong đó có 05 dự án điều chỉnh tăng vốn, tăng 66,7% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư 6 tháng là 3.147 tỷ đồng, (trong đó vốn FDI là 124,1 triệu USD và 260 tỷ đồng), bằng 35% so cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư cấp mới là 2.636 tỷ đồng, bằng 31% so cùng kỳ. Vốn đầu tư điều chỉnh tăng 510,8 tỷ đồng, tương đương so cùng kỳ.

    8. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp:

   Do dịch Covid-19, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng 4/2020 bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt từ 01/4 đến 22/4, cả nước thực hiện giãn cách xã hội nên số lượng doanh nghiệp thành lập mới có sự sụt giảm mạnh. Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thống kê đã tổ chức cuộc khảo sát nhanh nhằm thu thập thông tin về tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về mức độ phù hợp của các giải pháp được đưa ra trong Chỉ thị số 11/CT-TTg đối với doanh nghiệp.

    Đối tượng khảo sát là các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước, hoạt động trong tất cả các ngành kinh tế. Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 10/4/2020 đến ngày 20/4/2020 bằng hình thức trực tuyến, sử dụng bảng hỏi điện tử trên hệ thống Điều tra doanh nghiệp năm 2020 của Tổng cục Thống kê. Kết quả tổng hợp, tại Tiền Giang có 2.478/4.812 doanh nghiệp tham gia trả lời, chiếm 51,5% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh tại thời điểm. Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 65,6% doanh nghiệp được hỏi cho rằng đang phải chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Theo quy mô, các doanh nghiệp có quy mô càng lớn, tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động từ dịch Covid-19 càng cao vì các doanh nghiệp có quy mô lớn thường là những doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa ngành nghề, có chuỗi giá trị liên kết trong nước sẽ chịu tác động nhiều hơn khi dịch bệnh bùng phát. Nhóm doanh nghiệp lớn chiếm 2,1% tổng số doanh nghiệp trả lời là nhóm có tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động nhiều nhất với 81%; tỷ lệ này của nhóm doanh nghiệp vừa là 69,8%, nhóm doanh nghiệp nhỏ là 71,1% và nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ là 61,9%. Có tới 28,8% số doanh nghiệp khảo sát đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho SXKD, đây là một trong những khó khăn hàng đầu của doanh nghiệp hiện nay và cũng là tình trạng chung của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Có tới 53,1% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng cho rằng thị trường tiêu thụ trong nước bị thu hẹp. Có 44% doanh nghiệp bị thiếu hụt nguyên liệu đầu vào từ nhập khẩu; đây là vấn đề dễ nhận thấy khi thị trường nhập khẩu chủ yếu của nước ta đều là các nước đang phải hứng chịu hậu quả nặng nề từ dịch như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

    Ước thực hiện 6 tháng năm 2020 có 350 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 3.000 tỷ đồng, đạt 50% so với kế hoạch phát triển doanh nghiệp năm 2020, tăng 22,4% về số doanh nghiệp và giảm 12,9% về vốn đăng ký so cùng kỳ. Vốn đăng ký bình quân là 8,6 tỷ đồng/doanh nghiệp, giảm 3,4 tỷ đồng/doanh nghiệp so cùng kỳ). Có 495 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động (gồm 72 chi nhánh, 415 địa điểm kinh doanh, 8 văn phòng đại diện); có 60 doanh nghiệp đăng ký giải thể. Tính đến cuối tháng 6/2019, toàn tỉnh hiện có khoảng 5.823 doanh nghiệp đăng ký hoạt động.

    III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

    1. Lao động, giải quyết việc làm:  

    Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ ngừng việc tập thể tại 3 doanh nghiệp, tương đương cùng kỳ, với 3.120 lao động tham gia, nguyên nhân chủ yếu là người lao động yêu cầu trả thưởng trong thời gian trước Tết, đề nghị mức tăng tiền lương cao hơn.

    6 tháng đầu năm 2020, giải quyết việc làm cho 3.470 lao động, đạt 18,3% so kế hoạch năm, giảm 23,5% so cùng kỳ; đưa 170 lao động làm việc ở nước ngoài, đạt 56,7% so kế hoạch, tăng 6,3% so cùng kỳ. Dự báo dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến còn phức tạp, nhất là các nước Châu Âu, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, và trở về trạng thái bình thường trong các hoạt động kinh tế - xã hội. Do vậy, khả năng từ nay đến cuối năm 2020 hầu hết các doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm lao động, người lao động không có việc làm, tình hình lao động thất nghiệp tăng, chỉ tiêu giải quyết việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài khả năng không dạt chỉ tiêu kế hoạch.

    Tình hình lao động nghỉ việc, thất nghiệp: thực hiện tiếp nhận 8.100 người, tăng 19,8% so cùng kỳ; trong đó có 6.500 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 11,8 % so cùng kỳ với tổng số tiền chi trả tương đương 102,4 tỷ đồng, tăng 22 tỷ đồng so cùng kỳ. Do ảnh hưởng tình hình tác động của dịch bệnh Covid-19 nên một số công ty may, giày da, thiết kế thời trang, điện, điện tử thiếu hụt nguyên liệu sản xuất nên cắt giảm lao động, đồng thời do lo sợ dịch bệnh nên một số lao động tự xin nghỉ việc nên số lượng lao động đăng ký thất nghiệp tăng hơn so cùng kỳ. Tuy nhiên, công tác chi trả trợ cấp thất nghiệp được thực hiện kịp thời, đúng quy định, không có khiếu nại của người lao động.

    Hiện nay qua tổng hợp sơ bộ trên địa bàn tỉnh có 53 doanh nghiệp tạm hoãn hợp đồng lao động với 9.536 lao động, thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động phổ biến từ 2-3 tháng, cá biệt có doanh nghiệp tạm hoãn đến 5 tháng, người lao động không có tiền lương nên đời sống rất khó khăn; ngành Giáo dục có 170 trường mầm non công lập, 16 trường mầm non dân lập, tư thục và 125 nhóm trẻ tư thục với 1.953 lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương trong suốt 3,5 tháng. Do đó, trường hợp đối tượng người lao động này nếu không được hưởng hỗ trợ thì ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống người lao động, thậm chí ảnh hưởng đến an ninh trật tự, trong khi đó không thể bắt buộc doanh nghiệp trả lương vì pháp luật lao động có quy định doanh nghiệp được thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động thỏa thuận nghỉ không hưởng lương.

    2. Đời sống dân cư và an sinh xã hội:

    Vận động quỹ đền ơn đáp nghĩa 3,8 tỷ đồng, đạt 38% kế hoạch, giảm 17% so cùng kỳ; xây dựng 45 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 1,8 tỷ đồng, đạt 37% kế hoạch, tăng 36,3% so cùng kỳ; sửa chữa 27 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 540 triệu đồng, đạt 54% kế hoạch, tăng 8% so cùng kỳ.

    Quỹ Bảo trợ trẻ em vận động được 1,6 tỷ đồng, trong đó tiền mặt là 1, 5 tỷ đồng, hỗ trợ cho 3.513 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn thông qua các chương trình trao học bổng, trao “Mái ấm khuyến học”, chương trình “Tiếp sức đến trường”…

    Thực hiện Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện. Việc chi hỗ trợ được chia thành 2 giai đoạn với tổng kinh phí dự ước là 859.529 triệu đồng, chưa tính số tiền hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể và vốn vay cho người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động theo Khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động. Đến nay, đã chi trả giai đoạn 1 với số tiền với tổng số tiền hỗ trợ trên 217.600 triệu đồng; ngoài ra, hỗ trợ người bán vé số lẻ trên địa bàn tỉnh là 12.171 người (trong đó có 40 người dưới 15 tuổi), tổng số tiền hỗ trợ 12,8 tỷ đồng, nguồn chi cho người bán vé số lẻ do Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Tiền Giang chi và thanh toán hạch toán vào chi phí hoạt động theo quy định của đơn vị. Đối với đối tượng bán vé số chưa đủ tuổi lao động (dưới 15 tuổi) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Tài chính và Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Tiền Giang sẽ sử dụng nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ.

    Đến thời điểm này, tổng số người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo đã chi hỗ trợ giai đoạn 1 là 199.903/200.780 người, đạt 99,6%, với tổng kinh phí đã chi hỗ trợ 216.121 triệu đồng. 11/11 huyện, thành phố, thị xã đã hoàn thành chi hỗ trợ cho các đối tượng là người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và người bán vé số lẻ theo danh sách phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh.

    Theo kết quả sơ bộ điều tra lao động việc làm quý II/2020 cho thấy, trong tổng số 1.534 lao động đang làm việc của tỉnh đã có 135 lao động thiếu việc làm chiếm tỷ lệ 8,8% tăng 3,9 điêm phần trăm so cùng kỳ năm 2019 (từ 4,9% năm 2019 lên 8,8% năm 2020), đã làm cho tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị và nông thôn cũng tăng lần lượt là 4,9% lên 8,5% đối với khu vực thành thị và 4,8% lên 8,9% đối với khu vực nông thôn. Tình trạng thiếu việc làm vẫn phổ biến ở khu vực nông thôn (chiếm 71% trong tổng số số lao động thiếu việc làm của tỉnh). Trong 6 tháng đầu năm 2020 tỷ lệ lao động thiếu việc làm tăng 2,5 điểm phần trăm so cùng kỳ năm 2019 (từ 4,1% lên 6,6%). Về tỷ lệ lao động thất nghiệp của tỉnh tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2019 (từ 1,5% lên 1,8%) và tỷ lệ lao động thất nghiệp khu vực thành thị giảm 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ từ 2,6% năm 2019 xuống còn 1,6% năm 2020 đã làm cho tỷ lệ thất nghiệp khu vực nông thôn tăng 0,9 điểm phần trăm (từ 1,0% năm 2019 lên 1,9% năm 2020).

    3. Hoạt động y tế:

    Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh Covid-19. Tỉnh đã hoàn thành tổ chức 3 đợt cách ly y tế tập trung với 799 người về từ nước ngoài. Các công dân được cung cấp toàn bộ các nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ sinh hoạt; đồng thời, được phục vụ miễn phí toàn bộ chi phí ăn, ở trong thời gian cách ly. Việc theo dõi cách ly tại nhà đối với 243 người có tiếp xúc với ca nhiễm và ca nghi nhiễm Covid-19 được thực hiện tốt và đến nay đã hoàn tất cách ly. Tính đến hết ngày 15/6/2020, Sở Y tế Tiền Giang cho biết, tỉnh có 01 trường hợp đang được cách ly theo dõi tại cơ sở y tế.

    4. Hoạt động văn hóa - thể thao:

    Ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh tiếp tục tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức; tuyên truyền cổ động trực quan các ngày lễ 30/4, 01/5 và 19/5; tuyên truyền Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em” phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2015-2020; tuyên truyền và tổ chức Lễ ra mắt đơn vị thành phố Mỹ Tho hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đồng thời triển khai tổ chức các hoạt động sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh được cho phép. Do tình hình dịch bệnh, Thường trực Ban Tổ chức các ngày lễ lớn tỉnh đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh không tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chuyển hình thức tuyên truyền, giáo dục theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh: tổ chức 60 lượt tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh bằng xe loa cổ động trên toàn tỉnh. Thực hiện tuyên truyền cổ động trực quan kỷ niệm các ngày lễ 30/4, 01/5 và 19/5 trên địa bàn thành phố Mỹ Tho. Tổ chức mở cửa phục vụ du lịch kể từ ngày 09/5/2020, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm.

    Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Tổng Cục Thể dục thể thao tổ chức giải Vô địch các Câu lạc bộ Muay toàn quốc năm 2020. Giải đấu quy tụ 28 Câu lạc bộ Muay thuộc các tỉnh, thành và ngành trên toàn quốc với khoảng 200 vận động viên là cơ hội để các võ sỹ Muay thể hiện tài năng và bản lĩnh trong thi đấu. Bên cạnh đó, hàng đêm tại Nhà thi đấu đa môn có khoảng 100 người/12 sân tham gia tập luyện thường xuyên môn cầu lông, trong đó có khoảng 20 đơn vị cơ quan ban ngành tỉnh tham gia.

    5. Trật tự an toàn giao thông: (Theo báo cáo của ngành Công an).

    Giao thông đường bộ: từ đầu năm đến nay 161 vụ tăng 39 vụ so cùng kỳ, làm chết 98 người, tăng 15 người so cùng kỳ, bị thương 86 người, tăng 21 người so cùng kỳ. Ước thiệt hại tài sản trị giá khoảng 2 tỷ đồng.

    Giao thông đường thủy: từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ tai nạn, tăng 4 vụ so cùng kỳ, không phát sinh số người chết và bị thương. Ước thiệt hại về tài sản là 1.712 triệu đồng.

    Tình hình tai nạn giao thông đường bộ 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ còn diễn biến phức tạp, tăng cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chấp hành của người tham gia giao thông như: đi không đúng phần đường, làn đường; lỗi do người đi bộ; vượt không đảm bảo an toàn và chuyển hướng không đúng quy định...

    6. Tình hình cháy nổ, môi trường:

    Trong tháng xảy ra 2 vụ cháy trên địa bàn huyện Chợ Gạo và thành phố Mỹ Tho, không gây thiệt hại về người. Tài sản thiệt hại ước tính khoảng 400 triệu đồng. Nguyên nhân do cháy xe gắn máy gây cháy lan 1 vụ và đang điều tra làm rõ 1 vụ. Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh xảy ra 17 vụ cháy, tổng giá trị tài sản thiệt hại trên 64,7 tỷ đồng.

    Tính từ đầu năm đến nay, tổng số vụ vi phạm môi trường được phát hiện và xử lý 32 vụ liên quan môi trường với tổng số tiền xử phạt trên 384,6 triệu đồng. Nội dung vi phạm chủ yếu phát hiện qua kiểm tra là do khoan thăm dò và khai thác nước dưới đất không giấy phép; xả nước thải vào nguồn nước khi giấy phép hết hạn; khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không giấy phép.

SL ước tháng 6-2020

CỤC THỐNG KÊ

Các tin cùng chuyên mục:
Hiển thị kết quả 1-10 (của 21)
Trang:1 - 2 - 3Trang đầu « Lùi · Tới » Trang cuối

Một số chỉ tiêu chủ yếu tháng 02 năm 2024 (tăng/giảm) so với cùng kỳ năm 2023 của tỉnh Tiền Giang (%)

Chỉ số sản xuất công nghiệp(*)

-18,0

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

+8,9

Khách quốc tế đến Tiền Giang

+25,9

Thực hiện vốn đầu tư ngân sách nhà nước

-12,3

Chỉ số giá tiêu dùng (*)

+1,05

(*): so với tháng trước.

1. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024 (xem chi tiết):

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (theo giá so sánh 2010) tăng từ 7,0 – 7,5% so với năm 2023;

- Cơ cấu kinh tế: khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 35,1%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 29,6%, khu vực dịch vụ (bao gồm thuế sản phẩm) chiếm 35,3%.

- GRDP bình quân đầu người đạt 75,8 - 76,2 triệu đồng/người/năm;

- Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 5 tỷ USD;

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 50.400 – 50.650 tỷ đồng;

- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 8.801 tỷ đồng;

- Tổng chi ngân sách địa phương 14.456 tỷ đồng;

- Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 890 doanh nghiệp.

Tìm kiếm thông tin
Thông tin người dùng
User Online: 35
Truy cập: 1.999.592
Truy cập tháng: 74.740
User IP: 3.21.248.47

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH TIỀN GIANG
21 đường 30/4, phường 1, Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang
ĐT: 0273. 3872582 - Fax: 0273. 3886 952 - Email:tiengiang@gso.gov.vn