Số 21 đường 30/4 - phường 1 - TP Mỹ Tho - tỉnh Tiền Giang               Hotline: 0273 3872 582               Email: tiengiang@gso.gov.vn

"CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG CỤC THỐNG KÊ TỈNH TIỀN GIANG SỐNG VÀ LÀM VIỆC THEO HIẾN PHÁP VÀ PHÁP LUẬT"

 

 

Tổng Cục Thống kê

Cổng Thông tin điện tử

tỉnh Tiền Giang

                                                                                     - Hướng dẫn Đăng ký tài khoản (Xem Clip)

                                                                                     - Hướng dẫn tra cứu thông tin (Xem Clip)

                                                                                  - Hướng dẫn đăng ký hộ kinh doanh (Xem Clip)

                                                                                     - Hướng dẫn đăng ký khai sinh (Xem Clip)

Thăm Dò Ý Kiến
Thông tin bạn quan tâm nhất trên trang web này





Năm 2024
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang tháng 02 năm 2024
Thứ tư, Ngày 28 Tháng 2 Năm 2024

    Tháng 02/2024 trùng với thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức triển khai kế hoạch và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, từng địa phương; tăng cường các biện pháp nhằm bình ổn giá cả thị trường, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách và nhân dân vui xuân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm và đảm bảo trật tự an toàn xã hội; đặc biệt quan tâm chỉ đạo chủ động trong phòng chống hạn mặn; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; chủ động nguồn hàng hóa phục vụ nhu cầu Tết của nhân dân. Các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi nổi, các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội được thực hiện trong điều kiện kinh tế tiếp tục phục hồi và phát triển. Kết quả thực hiện ở các lĩnh vực cụ thể như sau:

    I. SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP VÀ THỦY SẢN

    1. Nông nghiệp

    Tình hình xâm nhập mặn mùa khô 2024 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm và cao hơn mùa khô năm 2022-2023, tương đương so mùa khô 2020-2021, thấp hơn, ít gay gắt hơn so với mùa khô 2015-2016. Tỉnh Tiền Giang đã chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống hạn, mặn từ sớm, từ xa, với tinh thần chủ động cao nhất để bảo vệ sản xuất và đời sống của người dân.

    Cây lương thực có hạt: trong tháng gieo trồng 147 ha, sản lượng thu hoạch 204.145 tấn; ước đến 15/ 02/2024, gieo trồng được 45.799 ha, đạt 40,2% kế hoạch, giảm 6,7% so cùng kỳ, sản lượng thu hoạch 209.427 tấn, giảm 2,5%; trong đó: cây lúa gieo trồng được 44.883 ha, đã thu hoạch 29.279 ha với sản lượng 207.047 tấn, năng suất thu hoạch bình quân 70,7 tạ/ ha.

    - Cây lúa: vụ Đông Xuân 2023 - 2024 chính thức gieo trồng được 44.883 ha, đạt 100,4% kế hoạch, giảm 6,9% so cùng kỳ, tương đương giảm 3.319 ha, do năm 2023 nhuận tháng 2 làm cho khung thời vụ gieo cấy lúa đông xuân kết thúc sớm hơn so với các năm trước. Diện tích gieo trồng giảm do chuyển đổi 2.577,2 ha đất trồng lúa sang đất cây lâu năm, 659,3 ha trồng cây hàng năm khác, 57,9 ha đất phi nông nghiệp (xây dựng, cơ sở hạ tầng,..), 23,8 ha không sản xuất và một ha đất nuôi trồng thủy sản. Diện tích gieo trồng giảm hầu hết ở các huyện, trong đó: huyện Cái Bè giảm 1.835 ha, huyện Cai Lậy 446,6 ha, huyện Châu Thành giảm 365,1 ha, huyện Gò Công Tây giảm 285,1 ha, TX. Gò Công giảm 142,4 ha, Gò Công Đông giảm 124,7 ha, TX. Cai Lậy giảm 72,9 ha, huyện Chợ Gạo 24,3 ha, huyện Tân Phước giảm 23,2 ha. Diện tích thu hoạch đạt 29.279 ha (chiếm 65,2% diện tích gieo trồng của vụ), sản lượng ước tính 207.047 tấn.

 

Hình 1. Cây lương thực có hạt tính đến 15/02/2024

    - Cây ngô: trong tháng gieo trồng 147 ha, thu hoạch 180 ha với sản lượng 656 tấn. Đến nay gieo trồng được 916 ha, đạt 39,2% kế hoạch, tăng 0,7% so cùng kỳ (huyện Chợ Gạo trồng 401 ha chiếm 43,8% diện tích ngô toàn tỉnh); thu hoạch 652 ha, tăng 1,4%; năng suất bình quân 36,5 tạ/ha, tăng 0,3% với sản lượng bình quân 2.380 tấn, đạt 28,1% kế hoạch, tăng 1,7% so cùng kỳ.

    Cây rau đậu các loại: trong tháng gieo trồng 4.744 ha, thu hoạch 3.839 ha với sản lượng 82.562 tấn. Ước tính đến cuối tháng 02/2024 gieo trồng được 22.514 ha, đạt 41,1% kế hoạch (kế hoạch 54.780 ha), giảm 3,8% so cùng kỳ; thu hoạch 18.349 ha, giảm 2,6% so cùng kỳ với sản lượng 394.962 tấn, đạt 33% kế hoạch, giảm 1,5% so cùng kỳ; năng suất bình quân 215,2 tạ/ha, tăng 1,1% so cùng kỳ; trong đó: gieo trồng rau các loại 22.461 ha, giảm 3,8%; thu hoạch 18.324 ha, giảm 2,6% với sản lượng 394.886 tấn, giảm 1,5%; năng suất bình quân đạt 215,5 tạ/ha, tăng 1,1%.

    Chăn nuôi: ước tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh tại thời điểm 01/02/2024 như sau: đàn bò 120 nghìn con, giảm 3,2% so cùng kỳ; đàn lợn 293 nghìn con, tăng 0,1%; đàn gia cầm (không kể chim cút) 16 triệu con, giảm 6,1%; đàn lợn tăng nhẹ so cùng kỳ; đàn bò giảm do thịt bò nhập khẩu chính ngạch ngày càng rẻ, lại phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của nhiều người làm chăn nuôi bò trở nên khó khăn, không thu hút người chăn nuôi đầu tư phát triển sản xuất; chăn nuôi gia cầm giảm do tiêu thụ chậm, sức mua thị trường giảm, hiệu quả kinh tế không cao dẫn đến hộ chăn nuôi quyết định giảm đàn và ngừng chăn nuôi.

    Tình hình dịch bệnh (Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang):

    Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi: trong tháng ghi nhận 11 hộ có lợn mắc bệnh với tổng số lợn bệnh là 116 con trên tổng đàn 318 con, số lợn bị tiêu hủy là 415 con khối lượng 14.837 kg, bao gồm hộ cũ và hộ mới. Từ ngày 14/12/2023 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận 47 hộ có lợn mắc bệnh với tổng số lợn bệnh là 691 trên tổng đàn 1.960 con ở Cái Bè: 03 xã; Chợ Gạo: 04 xã; Châu Thành: 04 xã; thị xã Cai Lậy: 02 xã; Gò Công Tây: 02 xã, Tân Phước: 01 xã; Cai Lậy: 01 xã. Số lợn được tiêu hủy là 1.484 con, trọng lượng 71.370 kg, bao gồm hộ cũ và hộ mới.

    Bệnh viêm da nổi cục: trong tháng ghi nhận 04 trường hợp bò mắc bệnh tại huyện Gò Công Tây, Tân Phú đông và Chợ Gạo với 04 con bò bệnh/tổng đàn 16 con. Từ ngày 14/12/2023 đến nay, ghi nhận 05 con bò bệnh/tổng đàn 23 con.

 

Hình 2. Chăn nuôi tại thời điểm 01/02/2024

    2. Lâm nghiệp:

    Tổng diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh 1.660,8 ha (không bao gồm diện tích rừng thuộc đất an ninh quốc phòng), bao gồm: rừng phòng hộ 1.321,7 ha (huyện Gò Công Đông: 380,2 ha; huyện Tân Phú Đông: 889,8 ha và huyện Tân Phước: 51,7 ha), rừng sản xuất 339,1 ha.

    Trong tháng, toàn tỉnh thực hiện trồng mới được 0,4 ngàn cây phân tán. Từ đầu năm đến nay trồng được 1,5 ngàn cây, giảm 3,3% so cùng kỳ. Cây được trồng ven các tuyến đường đi của huyện, bờ kênh ở huyện Cai Lậy, Chợ Gạo, Gò Công Tây…

    3. Thủy hải sản:

    Diện tích nuôi thủy sản các loại trong tháng đạt 1.804 ha, tăng 0,3% so cùng kỳ. Tính chung 02 tháng đầu năm 2024, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 8.327 ha, đạt 56,7% kế hoạch, tăng 2,1% so cùng kỳ; trong đó: diện tích nuôi cá đạt 2.691 ha, giảm 1,3%; diện tích nuôi tôm đạt 2.428 ha, tăng 0,7%; diện tích nuôi thủy sản khác đạt 3.208 ha, tăng 6,2% so cùng kỳ.

    Sản lượng thủy sản trong tháng đạt 21.967 tấn. Sản lượng thu hoạch thủy sản 02 tháng đầu năm 2024 ước tính đạt 39.014 tấn, tăng 2,8%; trong đó: sản lượng thu hoạch từ nuôi đạt 23.967 tấn, tăng 1,5%; sản lượng khai thác đạt 15.047 tấn, tăng 5%.

    II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP

    Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 02/2024 giảm 17,06% so với tháng trước (ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 17,76%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 25,5%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 1,78%) do tháng 2/2024 trùng vào dịp Tết Nguyên đán, có nhiều ngày nghỉ. Chỉ số công nghiệp tháng 02 giảm 6,66% so với cùng kỳ (ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 7,03%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 5,48%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,75%).

    Chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng năm 2024 so cùng kỳ năm trước tăng 5,06% so với cùng kỳ, trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,58%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 10,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,72%.

Hình 3. Chỉ số sản xuất công nghiệp

 

    Chỉ số sản xuất sản phẩm hai tháng so cùng kỳ như sau:

    - Có 27/46 sản phẩm tăng so cùng kỳ: thuốc chứa pênixilin hoặc kháng sinh khác dạng bột/cốm tăng 93,7%; dây thép không gỉ tăng 68,6%; thuốc diệt cỏ, thuốc chống nảy mầm và thuốc điều hòa sinh trưởng cây trồng tăng 62%; tàu thuyền lớn chuyên chở người và hàng hóa có động cơ đẩy tăng 57,1%; dịch vụ thu gom rác thải không độc hại có thể tái chế tăng 47,7%; dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng tàu, thuyền tăng 32,6%; giấy vệ sinh tăng 28,6%; phi lê đông lạnh tăng 28,3%; đồ chơi hình con vật hoặc sinh vật không phải hình người tăng 27,5%; giày, dép không thấm nước có đế ngoài và mũ bằng cao su hay plastic tăng 15%; thanh, que bằng thép hợp kim rỗng tăng 14,8%; thức ăn cho thủy sản tăng 14,1%; dịch vụ tiện các bộ phận kim loại tăng 8,8%; thức ăn cho gia súc tăng 8,6%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép tăng 7,1%; nước uống được tăng 3,8%; ống và ống dẫn bằng đồng tăng 2,2%;…

    - Có 19/46 sản phẩm giảm so cùng kỳ: các sản phẩm bằng vật liệu tết bện khác giảm 55,4%; cáp đồng trục và dây dẫn điện đồng trục giảm 41,1%; plastic dạng sợi monofilament có kích thước mặt cắt ngang bất kỳ trên 1mm dạng thanh, que và các dạng hình bằng plastic giảm 25,6%; túi xách giảm 20,7%; bia đóng chai giảm 20,7%; thuốc chứa pênixilin hoặc kháng sinh khác dạng viên giảm 16,9%; phân vi sinh giảm 15%; quả và hạt ướp lạnh giảm 5,7%; giày, dép thể thao có mũ bằng da và có đế ngoài giảm 3,7%; bóng thể thao khác giảm 2,8%; túi xách giảm 20,7%;…

    * Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo:

    - Chỉ số tiêu thụ tháng 02/2024 so với tháng trước giảm 13,52% và giảm 6,15% so cùng kỳ. Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hai tháng đầu năm 2024 tăng 2,93%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm so cùng kỳ: sản xuất đồ uống giảm 8,78%; dệt giảm 49,1%; sản xuất trang phục giảm 22,71%; sản xuất da giảm 15,68%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 55,43%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 19,08%;... Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng so cùng kỳ như: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 11,44%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 28,85%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 29,89%; sản xuất sản phẩm cao su và plastic tăng 81,53%; sản xuất kim loại tăng 2,93%;…

    - Chỉ số tồn kho tháng 02/2024 so với tháng trước giảm 2,49% và so với cùng kỳ tăng 44,25%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng so với cùng kỳ: sản xuất da tăng 7,87%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 11,65%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 21,91%; chế biến, chế tạo khác tăng 8,92%;… Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so cùng kỳ: dệt giảm 90,85%; sản xuất trang phục giảm 28,4%; sản xuất kim loại giảm 14,32%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẳn giảm 44,25%; sản xuất thiết bị điện giảm 84,78%, trong đó sản xuất mô tơ điện giảm 85,96%;…

    III. ĐẦU TƯ - XÂY DỰNG

    Tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện trong tháng 02/2024 là 187 tỷ đồng, giảm 12,28% so cùng kỳ. Hai tháng đầu năm 2024 thực hiện 386 tỷ đồng, đạt 7,8% kế hoạch, giảm 3,31% so cùng kỳ.

    Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh thực hiện 313 tỷ đồng, đạt 8,1% kế hoạch, giảm 4,6% so cùng kỳ, chiếm 81,3% tổng số; trong đó: vốn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 76 tỷ đồng, giảm 14,9%, vốn xổ số kiến thiết thực hiện 154 tỷ đồng, tăng 19,1% so cùng kỳ...

    Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp huyện thực hiện 63 tỷ đồng, đạt 6,8% kế hoạch, tăng 2,83% so cùng kỳ, chiếm 16,2% tổng số; trong đó: vốn tỉnh hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 23 tỷ đồng, tăng 19,4% so cùng kỳ...

    Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp xã thực hiện 10 tỷ đồng, đạt 6,1% kế hoạch, tăng 0,3% so cùng kỳ, chiếm 2,5% tổng số; trong đó: vốn huyện hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 1,9 tỷ đồng, giảm 6,5 % so cùng kỳ...

 

Hình 4. Cơ cấu vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý – 2 tháng đầu năm 2024

    IV. THƯƠNG MẠI - GIÁ CẢ - DỊCH VỤ

    1. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng:

    Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong tháng thực hiện 7.164 tỷ đồng, giảm 3,4% so tháng trước và tăng 8,9% so cùng kỳ. Hai tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thực hiện 14.582 tỷ đồng, đạt 16,4% kế hoạch, tăng 9,7% so cùng kỳ. Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp 11.166 tỷ đồng, tăng 9%; lưu trú 58 tỷ đồng, tăng 18,2%; ăn uống 1.439 tỷ đồng, tăng 26,1%; du lịch lữ hành 40 tỷ đồng, tăng 58,9%; dịch vụ tiêu dùng khác 1.880 tỷ đồng, tăng 2,8% so cùng kỳ.

 

Hình 5. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng

    * Về việc dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết

    Tháng 02/2024 trùng vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 nên tình hình luân chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi nổi nhộn nhịp hơn. Để góp phần đảm bảo cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu và bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành Kế hoạch số 497/KH-UBND ngày 24/11/2023 về việc dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Có 08 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đăng ký tham gia dự trữ, cung ứng hàng hóa Tết, thời gian tham gia dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trong 60 ngày, từ ngày 11/01/2024 đến hết ngày 09/3/2024 (nhằm ngày 01 tháng 12 năm Quý Mão 2023 đến ngày 29 tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024) với tổng trị giá hàng hóa, hàng hóa thiết yếu các doanh nghiệp thực hiện việc dự trữ, cung ứng hàng hoá trên 553 tỷ đồng, tăng 21,8% so với năm 2023, trong đó hàng hóa thiết yếu hơn 136 tỷ đồng, tăng 13,3% so với năm 2023 và có 16 điểm bán hàng của 08 doanh nghiệp trên đăng ký tham gia.

    Đến ngày 14/02/2024 (mùng 5 Tết), theo báo cáo của các đơn vị tham gia dự trữ hàng hóa thiết yếu, số lượng hàng hóa thiết yếu bán ra khoảng 90-100%. Các hàng hóa thiết yếu còn được bày bán rất nhiều ở chợ truyền thống, cửa hàng tiện ích, cửa hàng bách hóa,… nguồn cung hàng hóa dồi dào, các mặt hàng phục vụ Tết phong phú về số lượng, đa dạng về chủng loại, đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm, thưởng thức, biếu tặng của người dân trong dịp Tết, không xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc tăng giá đột biến đối với các mặt hàng phục vụ Tết.

    2. Chỉ số giá:

    Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2024 tăng 1,05% (thành thị tăng 0,89%, nông thôn tăng 1,08%) so tháng 01/2024, tăng 4,24% so tháng 02/2023. Bình quân 2 tháng đầu năm 2024 tăng 3,84% so cùng kỳ năm trước.

    Tháng 02/2024 là thời điểm Tết Nguyên đán nên nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng làm cho chỉ số giá tăng theo, So với tháng 01/2024, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 09 nhóm tăng: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,94% (trong đó: lương thực tăng 1,49%, thực phẩm tăng 2,41%, ăn uống ngoài gia đình tăng 1,04%); đồ uống và thuốc lá tăng 0,28%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,42%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,13%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,26%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,06%; giao thông tăng 2,94%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,15% và nhóm hàng hóa, dịch vụ khác tăng 0,56%. Có 2 nhóm Bưu chính viễn thông và nhóm Giáo dục chỉ số giá ổn định.

    Chỉ số giá vàng 24 kara Ngọc Thẩm trong tháng 02/2024 tăng 1,64% so tháng trước, giá vàng bình quân 6.434 ngàn đồng/chỉ, tăng 992 ngàn đồng/chỉ so cùng kỳ.

    Chỉ số giá đô la Mỹ trong tháng 02/2024 tăng 0,34% so tháng trước, giá bình quân 24.626 đồng/USD, tăng 904 đồng/USD so cùng kỳ.

    * Tình hình giá cả thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024

    Thị trường hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn tỉnh Tiền Giang sôi động. Lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường phong phú, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo cung ứng phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp Tết.

    Được sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng nhất là Quản lý thị trường, Quản lý chợ nên công tác quản lý, bình ổn giá trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đạt kết quả tốt. Các huyện, thị xã Gò Công, thị xã Cai Lậy và thành phố Mỹ Tho việc tuyên truyền niêm yết giá, bán theo giá niêm yết được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú đã được sự hưởng ứng của hộ kinh doanh. Tuy nhiên giá dịch vụ giữ xe tại các chợ hiện tượng tăng giá từ 2 đến 5 lần so với quy định khá phổ biến. Đoàn kiểm tra liên ngành các huyện, thành phố, thị xã đã tiến hành kiểm tra, nhắc nhở, lập biên bản và xử phạt theo quy định.

     Thời điểm trước tết, nhu cầu mua sắm phục vụ sản xuất, chế biến thực phẩm bán dịp Tết Nguyên đán tăng lên nhưng do thực hiện tốt kế hoạch bình ổn giá, các mặt hàng thiết yếu cơ bản không có biến động lớn thị trường không có hiện tượng khan hàng, sốt giá do nguồn cung dồi dào.

    Giai đoạn cận tết phục vụ cúng lễ ông Táo và những ngày sát Tết, nhu cầu mua sắm của người dân tăng lên chủ yếu mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, thực phẩm tươi sống, gà, vịt, cá…, giá cả tương đối ổn định, chỉ tăng ở một số mặt hàng như hoa tươi tăng 30%, trái cây, thịt heo, thịt gà tăng 10 - 15%, tăng  so những ngày trước đó nhưng so cùng kỳ tăng không nhiều.

    Trong Tết hầu như các hộ tiểu thương nghỉ tết nên ít có giao dịch mua bán mùng 1, mùng 2 Tết nên giá cả mặt hàng thiết yếu ổn định như trước Tết, những ngày nghỉ Tết tiếp theo giá cả tăng cục bộ đối với mặt hàng tươi sống tại một số chợ dân sinh.

    - Giá hàng lương thực, thực phẩm tăng nhẹ so với những ngày trước tết.

    + Lương thực: Giá các loại lương thực thiết yếu phục vụ Tết tương đối ổn định, giá gạo tẻ thường ở mức: 14.000 đồng/kg - 18.000 đồng/kg; gạo thơm, gạo tẻ ngon dao động từ 16.000 đồng/kg đến 25.000 đồng/kg; gạo nếp dao động với mức giá từ 18.000 đồng/kg đến 26.000 đồng/kg (tùy khu vực và loại gạo).

    + Thực phẩm: Giá heo hơi địa phương hiện ở mức: 52.000 đồng/kg - 56.000 đồng/kg (tùy khu vực và loại heo); giá thịt tại các chợ, cụ thể ba rọi: 120.000 đồng/kg - 140.000 đồng/kg; giá thịt bò thăn: 240.000 đồng/kg - 270.000 đồng/kg; Giá lạp xưởng Visan 230.000 - 250.000 đồng/kg; Tôm khô loại 1 dao động từ 1.000.000 đồng/kg đến 1.200.000 đồng/kg; Giò lụa Vissan: 190.000 - 216.000 đồng/kg. Giá gà: gà ta còn sống 120.000 đồng/kg - 140.000 đồng/kg; Gà công nghiệp làm sẵn: 70.000 đồng/kg - 90.000 đồng/kg.

    + Rau tươi: Bắp cải trắng 12.000 đồng/kg - 14.000 đồng/kg; Bí xanh 17.000 đồng/kg - 18.000 đồng/kg; Cà chua 15.000 đồng/kg - 20.000 đồng/kg.

    + Giá các loại trái cây: Dưa hấu 12.000 - 18.000 đồng/kg; Quýt đường 45.000 - 55.000 đồng/kg; Bưởi da xanh 35.000 - 45.000 đồng/kg.

    + Giá bánh mứt: giá bánh, mứt ổn định theo mức giá đang diễn ra trong năm, không có sự biến động mạnh. Cụ thể: Giá mứt bí 45.000 - 55.000 đồng/kg; hạt dưa 120.000 - 140.000 đồng/kg; bánh Danisa hộp 900gr 260.000 - 280.000 đồng/ hộp.

    + Giá bia, nước giải khát các loại: Tết năm nay giá bia, nước giải khát các loại giá nước uống giá ổn định không có sự biến động mạnh. Cụ thể nước ngọt Pepsi lon 179.000 - 185.000 đồng/thùng 24 lon; Bia Tiger 345.000 - 360.000 đồng/thùng 24 lon.

    - Giá các loại hoa giảm nhẹ so với năm 2023. Giá hoa vạn thọ loại thấp cây: 80.000 đồng/cặp - 120.000 đồng/cặp, hoa cúc 180.000 đồng/cặp - 240.000 đồng/cặp tùy chiều cao và số lượng cây trong chậu, đến ngày 30 Tết, giá các loại hoa giảm mạnh: hoa vạn thọ: 50.000 đồng/cặp - 70.000 đồng/cặp; hoa cúc 120.000 đồng/cặp - 140.000 đồng/cặp. Sức tiêu thụ năm nai giảm so hơn so cùng kỳ.

    - Giá dịch vụ giữ xe, giá vé xe khách

    + Giá dịch vụ giữ xe: giá dịch vụ giữ xe tại các chợ hiện tượng tăng giá từ 2 đến 5 lần so với quy định khá phổ biến. Đoàn kiểm tra liên ngành các huyện, thành phố, thị xã đã tiến hành kiểm tra, nhắc nhở, lập biên bản và xử phạt theo quy định.

    + Giá cước vận tải đường bộ: theo bảng kê khai giá của các đơn vị kinh doanh vận tải do Sở Giao thông Vận tải tiếp nhận văn bản kê khai giá, các đơn vị phụ thu 40% giá cước cơ bản đi từ Tiền Giang đến Bến xe Miền Tây và ngược lại để bù đắp chi phí xe rỗng chạy từ Tiền Giang đi TP. Hồ Chí Minh trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 thời gian từ 06/02/2024 (nhằm ngày 27/12 âm lịch) đến ngày 09/02/2024 (nhằm ngày mùng 30 Tết) tại đầu Bến xe miền Tây; từ ngày 13/02/2024 (nhằm ngày mùng 04 Tết) đến ngày 14/02/2024 (nhằm ngày mùng 05 Tết) tại đầu Bến xe Tiền Giang.

    3. Du lịch:

    Khách du lịch đến trong tháng 02/2024 ước tính có 113 ngàn lượt khách, tăng 7,7% so tháng trước và tăng 3,3% so cùng kỳ; trong đó: khách du lịch quốc tế 43,1 ngàn lượt khách, tăng 14,5% so tháng trước và tăng 25,9% so cùng kỳ. Doanh thu lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ tiêu dùng khác trong tháng 02 đạt 1.679 tỷ đồng, giảm 3,3% so tháng trước và tăng 16,7% so cùng kỳ.

    Tính chung hai tháng đầu năm 2024, lượt khách du lịch đến Tiền Giang là 217 ngàn lượt khách, đạt 13,2% kế hoạch, tăng 4,5% so cùng kỳ; trong đó: khách quốc tế 81 ngàn lượt khách, tăng 28,3%. Tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ lữ hành và dịch vụ tiêu dùng khác đạt 3.415 tỷ đồng, tăng 12,3% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu dịch vụ ăn uống chiếm tỉ trọng 42,1%, ước đạt 1.439 tỷ đồng, tăng 26,1%, dịch vụ lưu trú đạt 58 tỷ đồng, tăng 18,2%,...

    Về tình hình hoạt động dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024:

    Nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân vui xuân đón Tết. Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành Kế hoạch số 513/KH-UBND ngày 07/12/2023 về việc tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí phục vụ Nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Toàn tỉnh có 11/11 địa phương tổ chức chợ hoa xuân Giáp Thìn năm 2024; riêng tại thành phố Mỹ Tho, chợ hoa xuân tiếp tục được tổ chức tại Quảng trường Hùng Vương, có hơn 450 hộ buôn bán hoa kiểng tập trung. Có 8/11 huyện, thành, thị tổ chức hội xuân (trừ huyện Cái Bè, Châu Thành, Tân Phú Đông); 7/11 huyện, thành, thị tổ chức bắn pháo hoa vào đêm giao thừa với số lượng 570 giàn. Một số địa phương không tổ chức bắn pháo hoa thì tổ chức múa lân, bố trí màn hình led khổ lớn có phát băng hình bắn pháo hoa lúc giao thừa tạo không khí vui tươi trong nhân dân vui xuân đón Tết.

    Từ ngày 07/02 đến 13/02/2024 (nhằm ngày 28 tháng Chạp đến mùng 4 Tết), số lượng khách du lịch đến Tiền Giang là 88 ngàn lượt khách du lịch, tăng 73% so với cùng kỳ, trong đó có 10 ngàn lượt khách quốc tế, tăng 121% so với cùng kỳ.

    4. Vận tải:

    Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải trong tháng thực hiện 227,8 tỷ đồng, tăng 3,8% so tháng trước và tăng 25,0% so cùng kỳ. Hai tháng thực hiện 447 tỷ đồng, tăng 23,9% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu vận tải hành khách thực hiện 125 tỷ đồng, tăng 22,9%; doanh thu vận tải hàng hóa thực hiện 278 tỷ đồng, tăng 24,7%. Doanh thu vận tải đường bộ thực hiện 195 tỷ đồng, tăng 21,4%; doanh thu vận tải đường thủy thực hiện 207 tỷ đồng, tăng 26,9%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải 45 tỷ đồng, tăng 22%.

    Vận tải hành khách trong tháng đạt 1.496 ngàn hành khách, tăng 4,3% so tháng trước và tăng 27,4% so cùng kỳ; luân chuyển 35.105 ngàn hành khách.km, tăng 3,2% so tháng trước và tăng 22% so cùng kỳ. Hai tháng, vận chuyển 2.929 ngàn hành khách, tăng 19,3%; luân chuyển 69.127 ngàn hành khách.km, tăng 12,7% so cùng kỳ; trong đó: vận tải đường bộ 1.088 ngàn hành khách, tăng 16,5% và luân chuyển 67.051 ngàn hành khách.km, tăng 12,6%; vận tải đường thủy 1.841 ngàn hành khách, tăng 21% và luân chuyển 2.076 ngàn hành khách.km, tăng 16,2%.

    Vận tải hàng hóa trong tháng đạt 1.376 ngàn tấn, tăng 1,1% so tháng trước và tăng 18,3% so cùng kỳ; luân chuyển 189.323 ngàn tấn.km, tăng 0,5% so tháng trước và tăng 13,7% so cùng kỳ. Hai tháng, vận tải 2.735 ngàn tấn hàng hóa, tăng 19,7%; luân chuyển 375.242 ngàn tấn.km, tăng 13,6% so cùng kỳ; trong đó: vận tải đường bộ 407 ngàn tấn, tăng 11,2% và luân chuyển 51.979 ngàn tấn.km, tăng 13,9% so cùng kỳ; vận tải đường thủy 3.328 ngàn tấn, tăng 21,3% và luân chuyển 323.263 ngàn tấn.km, tăng 13,6% so cùng kỳ.

    Đảm bảo an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán (từ ngày 29 tháng Chạp đến Mùng 4 Tết)

    Nhằm đảm bảo an tòa giao thông để nhân dân vui xuân đón Tết Nguyên đán Giáp thìn năm 2024. Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành Kế hoạch số 526/KH-UBND ngày 20/12/2023 về việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024; Công văn số 651/UBND-NC ngày 02/02/2024 về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024.

    - Công tác phòng chống ùn tắc giao thông: Các ngành chức năng tăng cường bố trí lực lượng theo các kế hoạch, phương án về phân luồng, phòng chống ùn tắc giao thông; các giải pháp phòng chống ùn tắc giao thông tại các khu vực như: cầu Rạch Miễu, ngã tư Lương Phú, ngã ba An Thái Trung và bến phà Lộ Vàm (Huyện lộ 86, qua chùa Liên Hoa xã Xuân Đông). Qua đó xuất quân 320 ca, với 910 lượt cán bộ chiến sỹ tham gia làm nhiệm vụ điều tiết giao thông. Kết quả:

    * Công tác quản lý phương tiện giao thông:                        

    Trong tháng đăng ký mới 4.933 chiếc mô tô xe máy, 610 chiếc ô tô, 08 chiếc xe đạp điện và xe khác 01 chiếc. Tổng số xe đang quản lý trên địa bàn tỉnh 1.495.729 chiếc, trong đó mô tô xe máy: 1.436.561 chiếc, 56.303 xe ô tô, 160 xe ba bánh, 479 xe đạp điện và 917 xe khác.

    5. Bưu chính viễn thông:

    Doanh thu trong tháng 02/2024 đạt 310 tỷ đồng, tăng 0,4% so tháng trước và tăng 4,2% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu bưu chính đạt 27 tỷ đồng, tăng 0,6% và viễn thông 283 tỷ đồng, tăng 0,4% so tháng trước. Hai tháng doanh thu dịch vụ bưu chính, viễn thông đạt 619 tỷ đồng, tăng 4,3% so cùng kỳ; trong đó:doanh thu bưu chính đạt 54 tỷ đồng, tăng 5,1% và viễn thông 565 tỷ đồng, tăng 4,2% so cùng kỳ.

     Tổng số thuê bao điện thoại có trên mạng đến cuối tháng 02/2024 là 132.222 thuê bao, mật độ bình quân đạt 7,38 thuê bao/100 dân (chỉ tính thuê bao cố định và di động trả sau). Thuê bao internet có trên mạng cuối tháng 02/2024 là 388.993 thuê bao, mật độ internet bình quân đạt 21,72 thuê bao/100 dân. Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh được duy trì, trên đà phát triển ổn định, không ngừng đầu tư nâng cấp phát triển mạng lưới, cung cấp nhiều loại hình dịch vụ phong phú, đa dạng để duy trì tốc độ phát triển.

    V. TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG

    1. Tài chính:

    Tổng thu ngân sách nhà nước trong tháng thực hiện 1.306 tỷ đồng; trong đó: thu ngân sách trên địa bàn 786 tỷ đồng, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 243 tỷ đồng. Hai tháng, thu 4.003 tỷ đồng; trong đó: thu ngân sách trên địa bàn thực hiện 2.485 tỷ đồng, đạt 28,2% dự toán và tăng 39,4% so cùng kỳ; thu nội địa 2.436 tỷ đồng, đạt 28,6% dự toán, tăng 39,4% so cùng kỳ (trong thu ngân sách trên địa bàn: thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 680 tỷ đồng, đạt 32,7% dự toán, tăng 26% so cùng kỳ; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 551 tỷ đồng, đạt 45,6% dự toán, tăng 1,3 lần so cùng kỳ, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết 556 tỷ đồng, đạt 30,4% dự toán, tăng 45,5% so cùng kỳ...).

    Tổng chi ngân sách nhà nước trong tháng 1.466 tỷ đồng; trong đó: chi đầu tư phát triển 550 tỷ đồng. Hai tháng, chi 2.942 tỷ đồng, đạt 20,4% dự toán, giảm 23,1% so cùng kỳ; trong đó: chi đầu tư phát triển 1.471 tỷ đồng, đạt 30,1% dự toán, tăng 7,2% so cùng kỳ; chi hành chính sự nghiệp 1.251 tỷ đồng, đạt 14,9% dự toán và tăng 40,1% so cùng kỳ.

    2. Ngân hàng:

    Mặt bằng lãi suất ổn định đến cuối tháng 01/2024, lãi suất cho vay ngắn hạn VNĐ phổ biến ở mức trên 4%/năm đến 9%/năm (chiếm 67,14% tổng dư nợ ngắn hạn VNĐ), trên 11%/năm đến 13%/năm đối với cho vay trung dài hạn VNĐ. Nguồn vốn huy động đến cuối tháng 01/2024 đạt 96.817 tỷ đồng, giảm 705 tỷ đồng, giảm 0,73% so với cuối năm 2023. Ước tính đến cuối tháng 02/2024, nguồn vốn huy động đạt 97.086 tỷ đồng, tăng 203 tỷ đồng, tăng 0,21% so với cuối năm 2023.

    Đến cuối tháng 01/2024, tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh đạt 96.625 tỷ, giảm 678 tỷ đồng, tỷ lệ giảm 0,70%, đáp ứng nhu cầu vay vốn cho 261.614 khách hàng. Ước tính đến cuối tháng 02/2024, tổng dư nợ đạt 97.469 tỷ, tăng 165 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 0,05% so với cuối năm 2023.

    Nợ xấu: cuối tháng 01/2024, nợ xấu nội bản là 1.779,5 tỷ đồng, tỷ lệ 1,84%, tăng 0,23% so với cuối năm 2023. Ước đến cuối tháng 02/2024, nợ xấu là 1.621 tỷ, tỷ lệ nợ xấu 1,66%, tăng 0,05% so với cuối năm 2023.

    Quỹ tín dụng nhân dân: đến cuối tháng 01/2024, tổng nguồn vốn hoạt động đạt 1.564 tỷ đồng, tăng 19 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 1,20% so cuối năm 2023, trong đó vốn huy động đạt 1.351 tỷ đồng tăng 1,45%, chiếm tỷ trọng 86,4% trong tổng nguồn vốn hoạt động; đáp ứng nhu cầu vay vốn cho 986 lượt thành viên trong tháng 01; tổng dư nợ đạt 1.156 tỷ đồng, tăng 10 tỷ, tỷ lệ tăng 0,90% so với cuối năm 2023. Nợ xấu là 4,4 tỷ đồng, chiếm 0,38% tổng dư nợ, tăng 0,04% so 12/2023.

    VI. KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

    Trong tháng, Hội đồng tư vấn giao trực tiếp cho tổ chức, cá nhân thực hiện 03 nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) 02 cấp tỉnh, 01 cấp cơ sở; kiểm tra tiến độ thực hiện 01 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh; nghiệm thu giai đoạn 05 nhiệm vụ KH&CN 03 cấp tỉnh, 02 cấp cơ sở; gia hạn 01 nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở.

    Đến tháng 02/2024, quyết định triển khai 04 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh; tổ chức họp Hội đồng tư vấn giao trực tiếp tổ chức, cá nhân thực hiện 03 nhiệm vụ KH&CN (02 cấp tỉnh, 01 cấp cơ sở); kiểm tra tiến độ thực hiện 02 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh; nghiệm thu giai đoạn 06 nhiệm vụ KH&CN (04 cấp tỉnh, 02 cấp cơ sở); gia hạn 03 nhiệm vụ KH&CN (01 cấp tỉnh, 02 cấp cơ sở).

    VII. CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI

    1. Lao động việc làm:

    Trong tháng, tư vấn nghề, việc làm, pháp luật lao động và tư vấn khác cho 988 lượt lao động, tăng 30% so cùng kỳ; trong đó: tư vấn nghề cho 51 lượt lao động; tư vấn việc làm cho 169 lượt lao động; tư vấn việc làm cho 739 lượt lao động thất nghiệp; tư vấn pháp luật lao động và tư vấn khác cho 29 lượt lao động.

    Giới thiệu việc làm trong tháng cho 187 lượt lao động, tăng 1,4 lần so cùng kỳ, trong đó có 36 lao động có được việc làm ổn định, tăng 38,5%.

    Tư vấn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cho 52 lượt lao động, tăng 67,7% so cùng kỳ; có 02 lao động đăng ký tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, giảm 33,3%; có 30 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài, tăng 66,7% như: Nhật Bản 26 lao động, Đài Loan 02 lao động và Mỹ 02 lao động.

    Ghi nhận 921 lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 67,5% so cùng kỳ; có 1.416 lao động được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 79%, với số tiền chi trả 32,7 tỷ đồng, tăng 94,4%.

    Trong tháng, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 02 vụ ngừng việc tập thể tại 02 doanh nghiệp (01 doanh nghiệp FDI, 01 doanh nghiệp dân doanh) với khoảng 200 lao động tham gia ngừng việc. Đến nay tình hình lao động tại các công ty cơ bản đã ổn định.

    2. Chính sách xã hội:

    Thăm, tặng quà người có công:

    + Tặng quà của Chủ tịch nước, số lượng 35.866 người, số tiền 10,9 tỷ đồng (gồm: 469 người, mức quà 600.000 đồng/người; 35.397 người, mức quà 300.000 đồng/người).

    + Tổng kinh phí trợ cấp Tết từ nguồn ngân sách địa phương khoảng 26,7 tỷ đồng, với số lượng 67.696 người (gồm: 35.866 người, mức quà 300.000 đồng/người; 31.746 người, mức quà 500.000 đồng/người; 84 người, mức quà 1 triệu đồng/người).

    + Tổ chức 18 Đoàn Ban Thường vụ Tỉnh ủy thăm 85 hộ gia đình chính sách và 48 đơn vị tập trung, kết hợp với thăm người cao tuổi và trao quà cho hộ nghèo, với số tiền khoảng 814 triệu đồng (gồm: 85 chính sách hộ mức 2 triệu đồng/hộ, kèm túi quà 1 triệu đồng/phần; 48 đơn vị tập trung mức quà từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng/đơn vị, kèm túi quà 2 triệu đồng/phần). Thời gian đi từ ngày 23/01 đến ngày 30/01/2024 (nhằm 13/12 - 20/12 AL).

    Tổ chức thăm, tặng quà, trợ cấp cho người cao tuổi, hộ nghèo, hộ cận nghèo trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024:

    - Trợ cấp cho hộ nghèo - hộ cận nghèo:

    + Ngân sách tỉnh hỗ trợ cho 4.925 hộ nghèo, tổng kinh phí khoảng 2,5 tỷ đồng (với mức 500.000 đồng/hộ).

    + Quỹ Thiện Tâm tặng quà Tết Giáp Thìn năm 2024 cho 1.300 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; với kinh phí 780 triệu đồng (mỗi phần quà trị giá 600.000 đồng); Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp Quỹ Thiện Tâm tổ chức trao tặng quà tại các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phước, Châu Thành và thị xã Cai Lậy.

     + Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà máy Bia Heineken Việt Nam tổ chức tặng quà Tết Giáp Thìn năm 2024 cho 150 hộ nghèo, hộ cận nghèo; với kinh phí 150 triệu đồng (mỗi phần quà trị giá 1 triệu đồng) tại huyện Cái Bè, Cai Lậy và Tân Phú Đông.

    + Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh và các tổ chức thành viên đã vận động được 201.628 phần quà, trị giá khoảng 81 tỷ đồng để hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.

    - Thăm người cao tuổi: tổ chức Đoàn thăm, tặng quà Tết cho người cao tuổi nhân dịp Tết Nguyên đán, cụ thể: người tròn 100 tuổi: 132 người, kinh phí khoảng 252 triệu đồng; người tròn 90 tuổi: 1.537 người, kinh phí khoảng 1,8 tỷ đồng. Tổng số 1.669 người, tổng số tiền khoảng 2 tỷ đồng.

    3. Hoạt động y tế:

    Ngành Y tế đảm bảo tốt hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân, đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ phục vụ cho hoạt động khám chữa bệnh. Trong tháng 02/2024 có 07/44 bệnh truyền nhiễm được ghi nhận. Cộng dồn so với cùng kỳ về số mắc, có 06 bệnh tăng (bệnh do liên cầu lợn ở người, lao phổi, quai bị, tay – chân – miệng, uốn ván khác, viêm gan vi rút B), 06 bệnh giảm (số xuất huyết Dengue, thủy đậu, tiêu chảy, viêm gan vi rút C, viêm não vi rút khác, Covid - 19); 32 bệnh tương đương hoặc không xảy ra ca mắc.

    Phòng chống bệnh sốt xuất huyết Dengue trong tháng ghi nhận 126 ca, 02 tháng đầu năm 2024 ghi nhận 277 ca, giảm 60,9% so cùng kỳ năm trước.

   Phòng chống bệnh HIV/AIDS tính đến nay, toàn tỉnh có 6.845 người nhiễm HIV; 1.819 người chuyển sang AIDS; tử vong do AIDS 1.330 người.

    Hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tháng 02/2024 được đảm bảo, đã khám chữa bệnh cho 430.240 lượt người, tăng 39,9% so cùng kỳ; trong đó, số người điều trị nội trú là 18.978 người, tăng 27,6%. Công suất sử dụng giường bệnh bình quân đạt 76,6%.

    4. Hoạt động giáo dục:

    Ngày 19-2-2024 (mùng 10 tháng Giêng Âm lịch), học sinh của tỉnh Tiền Giang sẽ chính thức trở lại trường sau kỳ nghỉ tết. Các trường đã lên kế hoạch tổ chức cho học sinh trở lại trường, đảm bảo nền nếp, an toàn để tiếp tục chương trình học kỳ II năm học 2023 - 2024.

    Kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT với kết quả: có 46/83 thí sinh đạt giải ở 9 môn thi, trong đó: giải Nhì 04 thí sinh, giải Ba 12 thí sinh và giải Khuyến khích 30 thí sinh.

    5. Hoạt động văn hóa - thể thao:

    Hoạt động văn hóa mừng Đảng, mừng Xuân: có 11/11 địa phương tổ chức chợ hoa xuân Giáp Thìn năm 2024; trong đó riêng tại thành phố Mỹ Tho, chợ hoa xuân được tổ chức tại Quảng trường Hùng Vương, được đầu tư xây dựng mái che, nhà bạt có hệ thống phun sương để hơn 450 hộ buôn bán hoa kiểng tập trung. Có 8/11 huyện, thành, thị tổ chức hội xuân (trừ huyện Cái Bè, Châu Thành, Tân Phú Đông); 7/11 huyện, thành, thị tổ chức bắn pháo hoa vào đêm giao thừa với số lượng 570 giàn gồm: thành phố Mỹ Tho 90 giàn, thị xã Gò Công 90 giàn, huyện Cái Bè 60 giàn, huyện Cai Lậy 120 giàn, huyện Tân Phước 60 giàn, huyện Chợ Gạo 90 giàn và Gò Công Tây 60 giàn. Tại Quảng trường Hùng Vương, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, chợ hoa được tổ chức từ ngày 05/02/2024 đến ngày 14/02/2024 (từ ngày 26 tháng Chạp đến ngày mùng 5 Tết).

    Hoạt động bảo tàng: tổ chức trưng bày phục vụ Tết Giáp Thìn năm 2024 với các chuyên đề “Thành tựu Kinh tế, Văn hóa, Xã hội, An ninh, Quốc phòng tỉnh Tiền Giang” và “Rồng trong Di sản Văn hóa Tiền Giang”. Trong tháng, Bảo tàng Bảo tàng tỉnh và 04 di tích trực thuộc đã đón hơn 15 nghìn lượt khách.

    Hoạt động văn hóa, nghệ thuật: tổ chức 05 cuộc hội thi, liên hoan, giao lưu (Hội thi tuyến đường cờ hoa mừng Đảng, mừng Xuân lần III-2024; Thi ảnh nghệ thuật chủ đề “Sắc xuân”; Hội thi hoa lan; Giao lưu các ban nhạc tỉnh Tiền Giang mở rộng và Giao lưu đờn ca tài tử. Tổ chức 02 cuộc trưng bày, 28 buổi biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim phục vụ Nhân dân.

    Hoạt động thư viện: tổ chức Hội báo Xuân năm 2024 tại Thư viện tỉnh và góc trưng bày sách, báo xuân tại quảng trường Hùng Vương. Trong tháng, Thư viện đã phục vụ được 38.585 lượt bạn đọc, với 69.249 lượt sách ra lưu hành.

    Hoạt động Thể dục - Thể thao: tổ chức Giải Vô địch Võ Cổ truyền tỉnh Tiền Giang năm 2024, từ ngày 04/02 – 06/3/2024 tại Quảng trường Hùng Vương; tổ chức các môn trong chương trình Hội Khỏe Phù Đổng tỉnh Tiền Giang lần thứ XI năm học 2023 – 2024; tổ chức thành công và tham dự Vòng loại Giải Bóng đá Vô địch U19 quốc gia năm 2024 – Bảng G, từ ngày 07/01 – 29/01/2024 tại Tiền Giang. Kết quả đạt 12 điểm, hạng II trên 05 đội.

    6. Tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội: (theo báo cáo của Ngành công an)

    Tình hình an ninh trật tự dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 được đảm bảo, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm về trật tự xã hội: ghi nhận 68 vụ ,giảm 04 vụ so với tháng 01/2024 và tăng 07 vụ so với tháng 02/2023; bị thương 16 người và tài sản thiệt hại khoảng 742 triệu đồng; điều tra khám phá 61 vụ (đạt 89,7%), bắt xử lý 117 đối tượng, thu hồi tài sản khoảng 569 triệu đồng.

    Tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy: phát hiện, xử lý 13 vụ, 13 đối tượng phạm tội về ma túy, tang vật thu giữ 20,4g ma túy tổng hợp,…; xử lý vi phạm hành chính 133 đối tượng có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

    7. Trật tự an toàn giao thông: (theo báo cáo của Ngành công an, số liệu tính từ ngày 15/12/2023 đến 14/01/2024)

    Giao thông đường bộ: tai nạn giao thông trong tháng xảy ra 22 vụ, giảm 15 vụ so tháng trước và giảm 01 vụ so cùng kỳ; làm chết 17 người, giảm 08 người so tháng trước và tăng 04 người so cùng kỳ; bị thương 06 người, giảm 13 người so tháng trước và giảm 09 người so cùng kỳ. Các nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông như: điều khiển xe khi có rượu bia, phóng nhanh vượt ẩu, không làm chủ tốc độ; không đi đúng phần đường, làn đường; không nhường đường, vượt đèn đỏ, thiếu quan sát…

    Giao thông đường thủy: không xảy ra.

    Tình hình giao thông dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (từ ngày 08/02/2024 đến ngày 14/02/2024, nhằm ngày 29 ÂL Quý Mão đến mùng 05 ÂL Giáp Thìn): xảy ra 07 vụ, chết 05 người, bị thương 03 người. So với cùng kỳ năm 2023: tăng 01 vụ, tương đương số người chết và tăng 01 người bị thương.

    8. Tình hình cháy nổ, môi trường và thiên tai:

    Trong tháng, ghi nhận 10 vụ cháy (phương tiện giao thông 02 vụ, nhà dân 03 vụ, cơ sở sản xuất 02 vụ, cháy cỏ 02 vụ, cơ sở phế liệu 01 vụ), tài sản thiệt hại khoảng 452 triệu đồng. Nguyên nhân do sự số hệ thống, thiết bị điện 01 vụ, bất cẩn trong sử dụng lửa 02 vụ, đang điều tra 06 vụ, chủ cơ sở yêu cầu không làm rõ nguyên nhân 01 vụ. Từ đầu năm đến nay xảy ra 11 vụ cháy, thiệt hại tài sản khoảng 2,8 tỷ đồng.

    Về lĩnh vực môi trường, không ghi nhận vụ vi phạm nào trong tháng.

    Tình hình thiên tai trong tháng không ghi nhận. Từ đầu năm đến nay xảy ra 01 cơn lốc xoáy trên địa bàn tỉnh, làm 09 căn nhà bị tốc mái; làm 261 cây ăn trái bị đổ ngã và làm 142 tấn trái cây bị rụng hư. Ước tổng giá trị thiệt hại 2.952 triệu đồng.

Ước số liệu tháng 02 - 2024

Các tin cùng chuyên mục:

Một số chỉ tiêu chủ yếu tháng 02 năm 2024 (tăng/giảm) so với cùng kỳ năm 2023 của tỉnh Tiền Giang (%)

Chỉ số sản xuất công nghiệp(*)

-18,0

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

+8,9

Khách quốc tế đến Tiền Giang

+25,9

Thực hiện vốn đầu tư ngân sách nhà nước

-12,3

Chỉ số giá tiêu dùng (*)

+1,05

(*): so với tháng trước.

1. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024 (xem chi tiết):

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (theo giá so sánh 2010) tăng từ 7,0 – 7,5% so với năm 2023;

- Cơ cấu kinh tế: khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 35,1%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 29,6%, khu vực dịch vụ (bao gồm thuế sản phẩm) chiếm 35,3%.

- GRDP bình quân đầu người đạt 75,8 - 76,2 triệu đồng/người/năm;

- Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 5 tỷ USD;

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 50.400 – 50.650 tỷ đồng;

- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 8.801 tỷ đồng;

- Tổng chi ngân sách địa phương 14.456 tỷ đồng;

- Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 890 doanh nghiệp.

Tìm kiếm thông tin
Thông tin người dùng
User Online: 14
Truy cập: 2.011.006
Truy cập tháng: 76.505
User IP: 18.220.66.151

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH TIỀN GIANG
21 đường 30/4, phường 1, Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang
ĐT: 0273. 3872582 - Fax: 0273. 3886 952 - Email:tiengiang@gso.gov.vn